Người dân cả nước tiếp tục hướng về Thanh Hóa với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần giúp bà con vùng lũ khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Tại Thanh Hóa, sau cơn lũ lịch sử giữa tháng 10/2017, người dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng. Hàng nghìn gia đình chịu cảnh "màn trời chiếu đất" vì nhà bị đổ sập, tốc mái, ngập lụt; hàng nghìn héc-ta hoa màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản... bị hủy hoại. Đợt mưa lũ bất thường đã gây ra tổng thiệt hại cho Thanh Hóa với ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ngoài sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng chức năng, bà con các huyện bị thiệt hại nặng nề ở các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc... còn nhận được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội đến giúp thu lượm đồ đạc, tặng quà, sửa chữa, làm lại nhà cửa tại nơi ở mới.
Ngay khi bà con đang oằn mình chống chọi lại những thiệt hại nặng nề do cơn lũ lịch sử, với tinh thần chia sẻ những khó khăn, tổn thất mà người dân quê nhà, Hội Doanh nhân Thanh Hóa tại Hà Nội đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng thành lập ban kêu gọi quyên góp và cứu trợ khẩn cấp. Sau 2 ngày phát động đã huy động được số tiền hơn 700 triệu đồng từ các thành viên trong hội và các mạnh thường quân.
Ông Hoàng Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Thanh Hóa tại Hà Nội cho biết, trong đợt hỗ trợ đầu tiên, hội đã trao 1.200 suất quà (trị giá 500.000 đồng/suất) gồm các nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, mì tôm, dầu ăn,… cho các gia đình bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, tặng áo đồng phục cho học sinh tại 3 huyện Yên Định, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa).
Chỉ tay lên ngấn lũ còn in trên bức tường nhà, bà Bùi Thị Thìn ở xã Yên Tâm (huyện Yên Định) kể, con trai cả may mắn thoát chết khi đang dọn nhà chạy lũ. Nửa đêm nước lũ lên quá nhanh, cả nhà phải vứt bỏ đồ đạc lên cao tránh lũ. Năm 1999, nước lũ chỉ mới đến ngoài sân; năm 1986, nước lớn nhất mới vào thềm nhà nhưng năm nay, nước ngập hơn nửa ngôi nhà, làm sập căn bếp, cuốn trôi hết đồ đạc. Đất đai trồng trọt thì bị bồi lấp, gia súc gia cầm bị lũ cuốn trôi hết. Nhà chỉ còn mỗi con chó kịp tránh lũ cùng gia đình. Nhận phần quà của đoàn cứu trợ trao, bà Thìn cảm động cho biết đây là món quà quý đối với gia đình trong cơn hoạn nạn.
“Còn người còn của, thiên tai giáng xuống thì biết làm răng giờ, thôi thì bão qua cố gắng mà vực dậy, tiếp tục làm ăn thôi. Tôi có gần 2ha cá nuôi đã bị lũ dâng cuốn đi hết, giờ lại phải thuê máy móc nạo vét ao, khôi phục lại, tiếp tục làm kinh tế”, ông Lê Văn Tăng (ở huyện Yên Định, Thanh Hóa) chia sẻ.
Được biết, thời gian tới hội sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá nhu cầu của người dân vùng thiệt hại do lũ lụt để tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phù hợp, nhằm giúp người dân sớm khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống. Trong đó, Hội đặc biệt ưu tiên các hoạt động cải tạo, sửa chữa, khôi phục trường, lớp học cho học sinh sớm trở lại trường.
Để gượng dậy sau lũ, bà con nơi đây đang vẫn rất cần tới sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội. Hiện Hội Doanh nhân Thanh Hóa tại Hà Nội vẫn đang thực hiện việc kêu gọi để các doanh nghiệp, doanh nhân, các mạnh thường quân góp sức về hỗ trợ giúp bà con bị bão lụt ở Thanh Hóa bớt đi thiệt hại.
Dưới dây là một số hình ảnh PV ghi nhận về công tác chung tay giúp ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng do lũ lụt tại Thanh Hóa:
LG
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/thanh-hoa-chung-tay-tiep-suc-giup-nguoi-dan-vung-lu-som-on-dinh-cuoc-song-13065.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.