Kỳ 1: Trở lại rốn lũ sau khi bão qua

SK&MT - Sau khi cơn bão qua, đã cuốn đi ruộng vườn, nhà cửa và bao sinh mạng, để lại nơi đây những xác xơ tiêu điều và nỗi đau chồng chất.

Nỗi đau dài lê thê

Đứng bên cầu Ngòi Thia – nơi nhà báo Dư bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp. Phóng tầm mắt về phía thượng nguồn mà lòng ngổn ngang như những lớp đá lởm chởm oằn mình nằm trên bãi. Phía hạ nguồn, ruộng vườn xác xơ, trơ trọi.

Bà Nguyễn Thị Nụ mắt lệ nhòa kể lại, từ dạo xa rời quê hương đi theo “tiếng hát con tàu” lên miền quê này lập nghiệp, chưa bao giờ bà chứng kiến cảnh đau thương đến thế. Dù cơn lũ đi qua nhưng trong bà vẫn thất xót xa dâng trào mỗi khi nhắc đến cảnh tượng kinh hoàng đó.

Khung cảnh tan hoang sau bão.

Theo bà Nụ, cây cầu này không chỉ có anh nhà báo Dư mà còn cuốn theo nhiều người khác nữa. Cái khoảnh khắc như ngày tận thế ấy trôi nhanh như nháy mắt. “Tôi vừa bước chân vào nhà, định dọn đồ đạc, lúc quay ra thì thấy đoạn cầu đã biến mất. Nhiều người ngơ ngác ôm mặt khóc. Chỉ mong sao cho những con người không may kia được an bình trở lại”, bà Nụ kể.

Yên Bái những ngày sau lũ, chính quyền và người dân vẫn nỗ lực không ngừng khắc phục hậu quả mưa lũ. Nén lại nỗi đau, sự ám ảnh của cơn đại hồng thuỷ, người dân dựng lại nhà cửa, ruộng vườn để ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Thắm, người dân thị xã Nghĩa Lộ, cũng là gia đình sát dòng nước Ngòi Thia. Hôm mưa bão, ngôi nhà ven dòng nước của gia đình bà bị nước đánh sập. Bà chỉ kịp di tản quần áo và mấy một xe thóc đến chỗ cao hơn để tạm. Còn ruộng nương đều bị nước lũ san phẳng.

Bão qua, bà Thắm huy động anh em, họ hàng đến dựng lại ngôi nhà gỗ hai gian để cả nhà ở tạm. Đưa lương thực về nhà cất trữ còn quần áo thì mỗi người chỉ còn 2 – 3 bộ. Chăn chiếu không còn.

“Hôm rồi có đoàn cứu trợ đến. Họ phát cho chúng tôi mì tôm, nước uống, phát quần áo và một số chăn màn để gia đình mặc đủ ấm khi gió mùa đang tới”, bà Thắm cho biết.

Trong cái lạnh đầu mùa, những người dân bị thiệt hại vì lũ quét đã yên tâm, ấm áp bên những chiếc áo ấm. Họ không quá lo lắng về cơm ăn, áo mặc hôm nay, ngày mai vì một phần đã có sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, các đoàn từ thiện. Nhưng cái lo lắng nhất là ruộng vườn tan hoang, hoa màu tan nát sau bão. Rồi họ lo sợ những trận đại hồng thuỷ tương tự trong tương lai.

Bà Thắm chia sẻ: “Sau mấy hôm lũ, gia đình mình đã hỏi nhà chú và mua lại mảnh vườn ở vị trí đất cao hơn, tương đối bằng phẳng để làm nhà. Chứ cứ ở đây thì có ngày nước cuốn lúc nào không ai biết. Ở cái chốn núi non hiểm trở này, lũ ống lên nhanh, cuồn cuộn như con quái vật. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trận đại hồng thuỷ như vậy”.

Tại xã Phúc Sơn, nơi hạ nguồn dòng suối cuốn trôi cầu Ngòi Thia, nơi chịu thiệt hại nặng nề khi cơn đại hồng thuỷ kéo đến. Tại lán tạm được quây bằng tấm bạt mỏng của em Hà Văn Vinh (15 tuổi), nhiều người không khỏi lặng người, tê tái trước nỗi đau mà em Vinh phải gánh trên vai. Gia đình khó khăn, Vinh phải đi làm thuê ở Bắc Giang. Hôm lũ quét, bố của Vinh là Hà Văn Quân cùng mẹ đang mang thai đứa em bị lũ cuốn trôi. Thông tin cuối cùng em nhận được về gia đình đó là cuộc điện thoại từ quê nhà thông báo về việc bố mẹ đã thiệt mạng do lũ. Nghe tin sét đánh, Vinh tối sầm mặt mũi, lên chiếc xe tốc hành về quê. Đến nơi, nhà cửa, ruộng vườn tan hoang cả. Em đứng như trời chồng bên dòng Ngòi Thia.

Em Hà Văn Vinh mất bố, mẹ và em vì cơn lũ.

Không biết phải dùng ngôn từ nào để gọi tên nỗi đau mà Vinh phải đối mặt. Những đoàn từ thiện đến, họ khoác vai Vinh như một người anh em máu mủ ruột già. Chỉ mong Vinh rắn rỏi, đương đầu với nỗi khó khăn trước mắt mà vươn lên trong cuộc sống.

Trở lại Mù Cang Chải

Cách Nghĩa Lộ 100km, vùng lũ Mù Cang Chải phải trải qua mấy lần thương đau. Lần thứ nhất cách đây vài tháng, khi lũ ống bất thường càn quét khu vực phía Bắc, trong đó có Mù Cang Chải. Hậu quả cơn lũ thứ nhất chưa qua thì trận đại hồng thuỷ thứ hai ập tới.

Những ngày này, mọi lực lượng và người dân Yên Bái đang dốc sức khắc phục hậu quả do lũ quét. Từ con đường lớn xuyên qua thị trấn Mù Cang Chải đến xã Chế Cu Nha, những ngôi nhà gỗ mới đã mọc lên, nằm ven vùng lũ quét. Trong ngôi nhà mới, anh Giàng A Chẹo đốt lửa bập bùng. Trong nhà anh còn 50kg gạo do các đoàn từ thiện tặng, 3 hộp mì tôm. Chăn màn, quần áo cũng nhiều chiếc mới.

Khắc phục hậu quả sau lũ.

“Hôm lũ về, mình ra suối vớt được 12 khúc gỗ. Rồi mình đem về giữ, lũ qua, mình đi vay hàng xóm và lên đồi chặt thêm mấy cây gỗ to nữa là đủ làm nhà. Hôm dựng nhà, có anh em họ hàng, làm trong 3 ngày thì xong”, anh Chẹo cho biết.

Làm nhà xong, gia đình anh được anh em, hàng xóm san sẻ khó khăn. Có nhà cho anh 2 con lợn đen, có gia đình cho 4 con gà (2 con mái, 2 con trống). Anh Chẹo kể lại: “Hôm lũ chưa về, nhà mình cũng có 2 con lợn đen, mỗi con nặng khoảng 50kg. Giờ cũng được cho 2 con lợn. Hy vọng năm sau, một con cái sẽ đẻ ra đàn lợn con, gia đình tôi sẽ để một nửa làm giống, còn một nửa đem bán lấy tiền mua cái ti vi”.

Tại thị trấn Mù Cang Chải, nhiều gia đình cũng đã ổn định cuộc sống sau mưa lũ. Nhiều nhà mới đã dựng lên. Ruộng nương một số nơi đã được san lấp lại để phục vụ việc trồng chọt. Các hộ gia đình cũng được chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Tiếp chúng tôi bên mỏm đất còn gập ghềnh sỏi đá, anh Giàng A Phong, thể hiện quyết tâm sẽ dùng sức mình san phẳng mỏm đất này để làm ruộng. Sau đó, anh cùng một số thanh niên bản sẽ ngăn con suối từ trên đỉnh núi để dẫn nước về cấy. Anh bảo: Không phải lúc nào lũ cũng lên cao như thế này. Từ hồi nhỏ đến giờ, lần đầu tiên anh chứng kiến trận lũ khủng khiếp như vậy. Có lẽ đó chỉ là hiện tượng hiếm, nên anh sẽ san lấp đất đá để làm ruộng. Chỗ nào không dẫn được nước về anh sẽ trồng ngô hoặc sắn.

“Gia đình mình đã dựng lại được nhà cửa. Hiện mình vẫn đi giúp người dân xung quanh dựng lại nhà. Đến nay, bản mình nhà nào cũng có nhà ở, chứ không phải ở trong lán nữa”, Giàng A Phong, nói.

Thế Hoàng – Phi Long

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ky-1-tro-lai-ron-lu-sau-khi-bao-qua-13077.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.