Thanh Hóa: Gồng mình vượt qua lũ dữ

SK&MT - Sau khi cơn lũ đi qua, người dân ở xã Yên Khương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đang cố gắng vươn mình để vượt qua những khó khăn. Một cuộc sống mới đang dần thay đổi trên vùng đất vốn trước đây là rốn lũ.

Sau cơn lũ, ruộng vườn bị vùi lấp các hộ dân đã phải vận chuyển toàn bộ lớp đất cát, sỏi đá, cây gỗ phủ trên mặt ruộng.

Trước đó, vào tháng 10 – 2017 mưa lớn diễn ra nhiều ngày đã xảy ra lũ quét, con suối Chiềng nước dâng cao cuốn trôi cả nhà cửa, tài sản, ruộng vườn của dân đổ về sông Âm. Ông Lò Văn Xô nhớ lại: “Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi rồi những vẫn chưa thấy có cơn lũ nào mà nước lại lớn và hung dữ như vậy. Nước lũ tràn ngập đường, đâu đâu cũng thấy nước”.

Khi cơn lũ đi qua, Yên Khương trở thành một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Thanh hóa với 7 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, có 8 ngôi nhà bị ảnh hưởng do việc sạt lở đất, hư hỏng một phần. Nước lũ tràn qua đã khiến cho 15ha đất reo trồng ven suối Chiềng bị cuốn trôi hoàn toàn, 71 ha đất lúa bị đất, cát, đá, cây gỗ vùi lấp trong tổng số 125 ha đất lúa của xã.

Những vườn rau xanh được trồng trên nền đất bị lũ quét chỉ còn trơ lại toàn cát, sỏi bạc mầu.

Do ảnh hưởng của cơn lũ, những hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, nền đất cũ sạt lở đã không thể ở lại, có 6 hộ buộc phải chuyển đến nơi ở mới san đất dựng lại nếp nhà, 1 hộ đã ở lại trên nền nhà cũ tiến hành xây dựng nhà mới.

Trước khi về nơi ở mới, bác Lò Thị Chiến ở bản Khom dựng tạm mái nhà lợp cọ để ở.

Nhà anh Vi Văn Phương, Lò Văn Òng ở bản Khom đã chuyển đến địa điểm mới và đã được xây dựng mới hoàn toàn.


Nhà anh Vi Văn Phương, Lò Văn Òng đã chuyển đến địa điểm mới ở bản Khom, cuộc sống đã dần ổn định trở lại.

Hộ gia đình anh Lò Văn Cho ở bản Xắng được ở lại dựng lại ngôi nhà trên nền đất cũ. Còn hộ bác Lò Thị Phiến, nhà ở bản Khon, xã Yên Khương bị lũ cuốn trôi cả nhà và đất hiện đang dựng tạm một ngôi nhà lợp lá cọ nhỏ để chờ hỗ trợ cấp đất ở mới để làm nhà

Toàn bộ diện tích hơn 71 ha đất của người dân Yên Khương bị một lớp cát dầy 40 – 60 cm vùi lấp nên không còn khả năng reo trồng lúa. Để ổn định sản xuất, các hộ dân đã phải thuê máy múc để xúc, vận chuyển toàn bộ lớp đất cát, sỏi đá, cây gỗ phủ trên mặt ruộng. Nhiều hộ dân phải bỏ ra một số tiền lớn để thuê máy múc về san lấp đất ruộng, đa số các hộ phải dùng sức lao động của mình để cải tạo ruộng lúa.

Trong những ngày đầu tháng 3 - 2017, trên các cánh đồng ở Yên Khương đông đảo người dân đã mang theo nông cụ lao động, vật dụng tự chế, xe “rùa” để tiến hành vận chuyển đất cát nhằm “cứu” ruộng. Tính đến thời điểm hiện tại trong tổng số 71 ha đất bị vùi lấp, người dân cũng chỉ mới cải tạo được hơn 30 ha ruộng, số ruộng còn lại vẫn đang bị cát vùi lấp, các hộ dân đang tiến hành công tác vận chuyển đất cát.

Đầu năm, trên các cánh đồng đông đảo người dân đã mang theo nông cụ lao động, vật dụng tự chế, xe “rùa” để tiến hành vận chuyển đất cát nhằm “cứu” ruộng.

Ông Vi Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương, Lang Chánh cho biết: “Ngay sau khi cơn lũ đi qua người dân và chính quyền địa phương đã tiến hành công tác khắc phục lũ lụt ổn định đời sống cho người dân. Những hộ dân có nhà cửa bị cuốn trôi được hỗ trợ cho đến nơi ở mới hoàn toàn và cũng không cho người dân quay về làm nhà ở nơi có tiềm ẩn xảy ra lũ lụt sạt lở cao”.

Lô Giang

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/thanh-hoa-gong-minh-vuot-qua-lu-du-13131.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.