Sóc Trăng, xử lý khai thác thủy sản tận diệt, giúp ngư dân chuyển đổi nghề

(SK&MT) - Thời gian qua, nhiều ngư dân vùng ven biển Sóc Trăng đã đánh bắt, khai thác tận diệt nguồn thủy hải sản bằng các biện pháp cấm như đánh mìn, dùng xung điện, chất độc gây mất cân bằng sinh thái biển, ô nhiễm môi trường. Để khắc phục, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tuần tra, xử lý một số nghề cấm trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản, đặc biệt là tại các khu vực nội đồng.

Sóc Trăng, xử lý khai thác thủy sản tận diệt, giúp ngư dân chuyển đổi nghề
Sóc Trăng tổ chức tuần tra và xử lý nghiêm một số nghề cấm trong lĩnh vực khai thác thủy sản

Sóc Trăng là địa phương có chiều dài bờ biển hơn 72 km, với 3 cửa sông chính là Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông, tán rừng phòng hộ ven biển khoảng 6.000 ha, tạo nên hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, theo đó có nhiều ngư trường đánh bắt ven bờ, gần bờ và xa bờ. Tuy sản lượng đánh bắt hàng năm khoảng 65.000 tấn nhưng ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trong các vùng nước. Nguyên nhân là do tình trạng khai thác thiếu kiểm soát, phương pháp khai thác còn mang tính tận diệt, khai thác sai quy định vùng cho phép khai thác.

Với tình trạng này, Ban Chỉ đạo Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tỉnh Sóc Trăng cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND và Công an các xã trên địa bàn những huyện trọng điểm về nguồn lợi thủy sản nội đồng triển khai thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương; rà soát nghề cấm trong hoạt động thủy sản theo Thông tư 19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; triển khai các hoạt động ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Theo ông Lư Tấn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, Sóc Trăng tiếp giáp với biển Đông, tuy chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu nhưng nguồn lợi kinh tế từ biển, vùng ven biển là rất lớn nếu được quản lý, khai thác hợp lý. Ngành Thủy sản tỉnh vẫn đang triển khai quyết liệt các giải pháp để có thể vừa bảo tồn, vừa khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng; tạo sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời góp phần duy trì ổn định sinh kế của hàng chục nghìn cư dân sống phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt.

Sóc Trăng, xử lý khai thác thủy sản tận diệt, giúp ngư dân chuyển đổi nghề
Nhờ đó, nhiều hộ ngư dân đã hiểu được trách nhiệm phải bảo vệ sinh thái biển, chấp nhận chuyển nghề hoặc đánh bắt khai thác theo quy định

Theo đó, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Chỉ đạo Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã phát hiện được 37 vụ vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính 37 vụ, với tổng số tiền là gần 110 triệu đồng; thu giữ 37 bình và 37 xung điện; giáo dục cho làm cam kết không tái phạm 37 đối tượng. Nhờ duy trì được công tác kiểm tra nên một số hành vi vi phạm pháp luật đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, công tác xử lý vi phạm có tính răn đe mạnh, đặc biệt đối với các nhóm hành vi sử dụng các cộng cụ khai thác mang tính hủy diệt như xung điện hay lờ dây… đã tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức của người dân.

Ví dụ điển hình, Ngã Năm là một trong những địa bàn trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng về nguồn lợi thủy sản nội đồng. Thời gian qua, UBND thị xã đã chỉ đạo UBND các xã, phường trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đến trực tiếp từng hộ gia đình để vận động bà con chuyển đổi sang các ngành nghề phù hợp. Từ đó, người dân không chỉ bỏ hẳn việc sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác nguồn thủy sản nội đồng mà còn trình báo kịp thời đến chính quyền địa phương khi phát hiện trường hợp vi phạm.

Ông Nguyễn Văn An ở ấp Long Thạnh, xã Tân Long, là địa bàn thuộc vùng trũng với nguồn thủy sản nội đồng phong phú nên việc khai thác, đánh bắt cá đồng cũng trở thành sinh kế chính của gia đình ông An gần 10 năm nay. Qua nhiều buổi tham gia các đợt tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017 cũng như các văn bản pháp luật có liên quan, từ giữa năm 2019 ông An đã từ bỏ việc khai thác bằng nghề lờ dây, dùng khoản tiền tích góp được để đầu tư chăn nuôi heo. Đến nay, đàn heo của ông có khoảng 30 con, mỗi đợt xuất chuồng thu khoảng 60 triệu đồng. Ông An trích một khoản nhỏ từ tiền bán heo mỗi đợt mua cá giống về thả xuống các nguồn nước tự nhiên để tái tạo sinh thái.

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thả về tự nhiên trên 17 triệu giống tôm sú và trên 1,5 triệu giống cá nước ngọt nhân các ngày lễ lớn, trong giai đoạn 2012 - 2020. Qua đó, công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các nghề khai thác nằm trong danh mục cấm được rà soát, ngăn chặn có hiệu quả, nhất là các loài thuỷ sản nước ngọt.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các đội tự quản về bảo vệ môi trường sinh thái, để người dân hiểu rõ nguồn lợi từ thủy sản, không đánh bắt bằng ngư cụ cấm. Tranh thủ các nguồn vốn để tham mưu ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí nguồn vốn hỗ trợ để người dân có điều kiện chuyển đổi nghề ổn định cuộc sống; thúc đẩy việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt tại hộ gia đình. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động các nhà hảo tâm để duy trì tốt hoạt động thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản hằng năm”, ông Lư Tấn Hòa thông tin thêm.

NAM THANH

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/soc-trang-xu-ly-khai-thac-thuy-san-tan-diet-giup-ngu-dan-chuyen-doi-nghe-13337.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.