Cả làng Văn Chỉ có tới mấy chục người bị mắc bệnh phong. Họ cho rằng, nguyên nhân dẫn tới căn bệnh 'ăn tay, ăn chân' này là do họ đã dùng nước giếng bị 'mãng xà nhả nọc độc'.
Người làng ngoài quên mất tên làng Văn Chỉ bởi họ gọi đây là “làng hủi”, cũng vì thế mà nhiều người dân trong làng dù hoàn toàn khỏe mạnh cũng không thể lấy vợ, lấy chồng làng ngoài vì ai cũng sợ “con hủi” đang trú ngụ đâu đó trong những người khỏe mạnh này truyền sang mình..
“Giếng hủi” ở làng Văn Chỉ
Đã từ lâu, ở làng Văn Chỉ, xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội, người dân không dám lấy nước từ giếng làng lên để sinh hoạt. Thậm chí, họ còn không dám đến gần giếng.
Trước đây, khi làng Văn Chỉ chưa có giếng khoan, chưa có nước máy, người dân phải sang tận làng bên gánh nước, chứ cương quyết không dùng nước giếng làng, vì họ cho rằng, do dùng nước ở chiếc giếng đó mà những người trong làng bị mắc bệnh phong.
Tới giờ, khi hỏi lại người làng Văn Chỉ, cũng rất ít người muốn nhắc tới chiếc giếng đó, bởi họ sợ phải nhớ lại quá khứ hãi hùng trước đây. Người làng gọi đó là giếng hủi. Giếng bị bỏ hoang, không ai dọn dẹp, cũng không ai dám lấp đi.
Khi hàng chục con người đang khỏe mạnh bỗng nhiên bị bệnh phong, người ta cho rằng giếng làng chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh quái ác ấy, vì đó là sợi dây liên kết rõ rệt nhất giữa những người trong làng khi cả làng đều dùng nước ở giếng làng để sinh hoạt.
Nhiều người còn đồn đoán rằng có một con “mãng xà” đã “nhả độc” xuống nước giếng và cả làng sử dụng phải nước giếng có “nọc độc mãng xà” nên đã bị bệnh phong. Có người lại cho rằng trước đây khi đào giếng người dân đã đào đúng vào long mạch nên bị trừng phạt, khiến cho giếng làng đang là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của cả làng bỗng trở thành nỗi khiếp sợ.
Bà Lê Thị Nha (80 tuổi) - người trong làng kể: “Mọi người truyền nhau rằng nước giếng gây bệnh là bởi trong nước có độc của con mãng xà. Nó đến giếng làng uống nước và đã nhả độc vào đấy. Con mãng xà nằm ngầm trong đất, rất dữ.
Người ta phải xây miếu thờ thì nó mới để cho dân sống yên ổn”. Nói đoạn, bà Nha ngồi nhẩm đếm những người bị bệnh phong ở làng: “Để tôi đếm xem nào, có ông Kiên, bà Doan, anh Nam, nói chung là nhiều lắm, tôi không thể thống kê hết được là có bao nhiêu người, nhưng dễ đến vài chục người đấy. Nhiều người đã chết, còn lại thì đều được đưa vào trại phong hết rồi.
Bây giờ thì không có ai bị nữa, bởi bệnh phong giờ đã có thuốc chữa và chỉ cần có triệu chứng là người ta đi khám và chữa ngay nên không ai bị nữa”. Anh Lê Văn Thắng - một người dân trong làng cho biết: “Tôi cũng được nghe mọi người trong làng kể nhiều về cái “giếng hủi”.
Thực ra, mình cũng không tin là có chuyện mãng xà nhả nọc độc xuống giếng gây nên bệnh hủi đâu, nhưng mình nghĩ có thể nguyên nhân gây ra bệnh phong cho nhiều người dân làng mình trước đây là do sử dụng chung nguồn nước ở giếng đó. Thế nên, nhiều khi ra đình, mình cũng chẳng dám bén mảng tới cái giếng đó.
"Giếng hủi" ở làng Văn Chỉ
Có khi hội làng, trời mưa, chân tay bẩn hết nhưng mình cũng không dám dùng nước ở giếng ấy rửa chân”. Ông Lê Văn Mão - người phụ trách trông coi hương khói ở đình làng Văn Chỉ cho biết:
“Giếng này đã có từ hàng trăm năm. Trước đây, nó là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của cả làng, nhưng từ khi nhiều người mắc bệnh phong và người ta cho rằng nguyên nhân là do ăn nước giếng thì không ai dám sử dụng nước ở đó nữa. Vì thế, người làng trước đây phải sang làng bên gánh từng thùng nước về, rất vất vả.
Tôi là người được làng giao cho nhiệm vụ trông coi hương khói ở đình nhưng cũng ít khi động đến cái giếng đó. Lâu ngày, lá cây rơi xuống giếng, thành giếng cỏ mọc nhiều. Gần đây, giếng bẩn quá nên tôi đành phải dọn, nhưng cũng chỉ đứng trên bờ mà dọn thôi, rồi tôi thả mấy củ hoa súng xuống đó cho nó đỡ có cảm giác lạnh lẽo.
Đình làng này hằng ngày vẫn có nhiều người đến thắp hương, cúng lễ lắm, nhưng không ai dám lại gần giếng hay dùng nước giếng để làm gì cả”.
Bi kịch của những người sống trong “làng hủi”
Ở làng Văn Chỉ, từ già tới trẻ, ai cũng biết chuyện cái “giếng hủi” nhưng ít người muốn nhắc lại quá khứ buồn bã với cái giếng ấy nữa. Mọi người đều bảo nhau tránh xa cái giếng bệnh tật ấy. Chẳng những thế, hàng chục con người ở làng Văn Chỉ bị phong ăn dần chân tay bởi không có thuốc chữa trị khiến ai cũng sợ hãi xa lánh.
Trai gái trong làng không thể lấy chồng, lấy vợ ở làng khác mà chỉ có người phong lấy nhau hoặc ở vậy tới hết đời. Bi kịch ấy còn dai dẳng mãi tới tận bây giờ. Mặc dù bệnh phong đã bị đẩy khỏi “làng hủi” cả chục năm nay, nhưng nhiều người vẫn tỏ thái độ kỳ thị, vẫn phản đối con cháu mình kết duyên với người làng Văn Chỉ vì sợ con bị di truyền bệnh phong.
Phải thuyết phục mãi, bà Lê Thị Ph. mới chia sẻ rằng nhà mình có một người bị bệnh phong: “Đó là chị dâu của tôi. Chị ấy bị phong ăn cụt cả tay. Nhiều khi nhìn chị ấy nằm co quắp trên giường mà thấy tội nghiệp lắm, nhưng chẳng ai dám tới gần. Hai đứa con trai của chị dù rất đẹp trai, cao to, nhưng không cô nào dám lấy, bởi không ai muốn về “làng hủi” làm dâu.
Không lấy được vợ nên chúng nó đều đi vào Nam làm ăn rồi lấy vợ luôn trong đó”. Cũng theo bà Ph. thì ở làng Văn Chỉ có nhiều trường hợp phải ở vậy đến già, thành “bà cô” vì không lấy được chồng làng khác. “Trai làng khác để mắt tới cô nào, tới làng để làm quen, thăm hỏi, biết làng này bị hủi là họ đi luôn, không còn thấy quay lại nữa.
Đàn ông, con trai trong làng thì bỏ làng đi làm ăn, không quay về làng nữa”, bà Ph. cho biết. Không những trai gái không kết duyên được với người làng khác mà người ta còn hạn chế giao du với người “làng hủi”.
Bà Lê Thị C. - một người dân trong làng nhớ lại: “Ngày trước, người làng tôi chẳng dám đi đâu vì đi đâu người ta cũng tránh mình, mặc dù nhiều người chẳng có bệnh tật gì, trông rất sạch sẽ, đẹp đẽ, nhưng vẫn bị người ta xa lánh. Cho tới tận bây giờ, nhiều người vẫn còn tỏ thái độ xa lánh với người làng tôi”.
Ông Hoàng Công Khóa - Chủ tịch xã Phương Trung cho biết: “Đúng là trước đây, ở làng Văn Chỉ có rất nhiều người bị bệnh phong, dân làng cho rằng do họ sử dụng nước giếng làng bị mãng xà nhả nọc độc nên bị bệnh như vậy.
Nguồn nước giếng làng cũng có thể là một nguyên nhân gây bệnh phong, tuy nhiên việc mãng xà nhả nọc độc xuống giếng gây nên bệnh phong cho người sử dụng chỉ là chuyện người ta đồn thổi thôi.
Giờ thì không có ai mắc bệnh như thế nữa và bệnh phong cũng đã có thuốc chữa, nhưng người dân vẫn có tâm lý lo sợ với cái giếng đó nên không ai dám động đến nước ở giếng”.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/su-that-gieng-hui-khien-trai-gai-bo-xu-ma-di-1339.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.