Phú Xuyên, Hà Nội: Bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hành lang bảo vệ đê

(SK&MT) - Trong bối cảnh mùa mưa lũ đã tới, việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề này vẫn đang còn nhiều bất cập. Đặc biệt là tình trạng các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép ngang nhiên hoạt động trên hành lang đê, kéo theo đó là các xe vận chuyển quá khổ, quá tải nối đuôi nhau phá nát hệ thống hạ tầng giao thông đê điều, gây nguy cơ sạt lở. Thực trạng này không chỉ gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường rất nghiêm trọng...

Phú Xuyên, Hà Nội: Bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hành lang bảo vệ đê

Những đống cát cao “như núi” được tập kết ngay tại hành lang thoát lũ của hộ kinh doanh vật liệu Khải Hương tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên.

Khó xử lý vi phạm dứt điểm

Hà Nội có hệ thống đê điều lớn đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã… Trong đó, có 626,5 km đê được phân cấp và 132,8 km đê chưa phân cấp. Theo dự báo trong năm nay, tình hình mưa lũ sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp và khó lường.

Theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai, từ ngày 15/6 đến 15/10 hằng năm, các địa phương nghiêm cấm hoạt động khai thác cát trên sông; dừng hoạt động tập kết vật liệu xây dựng lên bãi sông, ven chân đê; đồng thời, giảm độ cao chất thải các bãi chứa. Thế nhưng qua ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương, nhiều bãi tập kết vẫn hoạt động tấp nập, bất chấp các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đi dọc tuyến đê, bờ bãi không khó để nhận thấy vị trí đê điều bị lấn chiếm, hư hại.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 205 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nằm dọc các tuyến sông. Trong đó, có rất nhiều bãi hoạt động trái phép, xe chở vật liệu quá tải, quá khổ làm xuống cấp hạ tầng giao thông đê điều. Những hành vi nêu trên không chỉ vi phạm pháp luật về đê điều mà còn đe dọa an toàn của người dân khi mùa lũ về, làm gia tăng rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận. Mặt khác, dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc xử lý, thế nhưng sai phạm vẫn tiếp tục tái diễn. Rõ ràng đã đến lúc Nhà nước phải có những giải pháp siết chặt hơn việc quản lý bến, bãi ven sông để loại trừ ẩn họa đối với hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ.

Phú Xuyên, Hà Nội: Bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hành lang bảo vệ đê

Phú Xuyên, Hà Nội: Bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hành lang bảo vệ đê

Các loại phế thải xây dựng như đất thải, gạch, bê tông nhựa Asphalt được tập kết tràn lan tại chân đê ảnh hưởng đến môi trường

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tiễn, để minh chứng cụ thể cho chuyên đề, Sức khỏe & Môi trường khởi đăng tuyến bài: “Bãi tập kết vật liệu trái phép hoạt động gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hành lang bảo vệ đê.” Qua đó, phản ánh về việc bãi kinh doanh vật liệu xây dựng Khải Hương hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hành lang đê Sông Hồng xảy ra ở thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội làm người dân vô cùng bức xúc.

Người dân khốn khổ vì ô nhiễm, cần có giải pháp cứng rắn hơn

Qua ghi nhận của PV, tại thị trấn Phú Minh có rất nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng đang hoạt động, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, mỗi bãi do một chủ hộ đứng tên kinh doanh, có diện tích hàng vài chục nghìn m2, tập kết buôn bán đủ mọi loại vật liệu xây dựng như: cát, đá, sỏi, đất, than…trên hành lang bảo vệ đê. Nổi trội và quy mô hơn hẳn là bãi kinh doanh vật liệu xây dựng của ông bà Khải Hương có diện tích 20.896 m2. Nằm ngay sát chân đê là các đống chất thải xây dựng như đất thải, gạch vỡ, đất đào móng chất cao hơn mặt đê. Thậm chí, cả những mảng bê tông Asphalt nhựa đường cũng mang về đây để tập kết. Bên cạnh đó hộ kinh doanh của bà Khải Hương còn tận dụng luôn cả khoảng đất gần chân đê để bố trí làm khu sản xuất gạch không nung. Quan sát bên trong, PV ghi nhận có rất nhiều bãi cát vàng, cát đen, đá, than…tập kết cao như những “ngọn núi” không được che chắn nên mỗi lần có cơn gió thổi qua thì bụi bay mù mịt cả một khoảng không gian.

Phú Xuyên, Hà Nội: Bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hành lang bảo vệ đê

Bà Trần Thị Mai Hương trong buổi làm việc với Phóng viên

Ngay tại thời điểm PV có mặt, rất nhiều xe tải cỡ lớn chở cát, đá về đây để đổ. Tuy nhiên các xe chỉ che chắn tạm bợ nên mỗi lần di chuyển mang theo rất nhiều bụi ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Mặt khác các xe chở vật liệu xây dựng đều chở quá tải, quá khổ chạy liên tục ngày đêm khiến nhiều đoạn đường đê bị xuống cấp nghiêm trọng.

Chia sẻ với PV, ông T.M.H – người dân sống ở trên đường 429, thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên bức xúc cho biết: “Quanh khu vực chân đê có rất nhiều bãi vật liệu xây dựng đang hoạt đông. Hàng ngày các xe tải “ 3 chân, 4 chân” chở cát, đá.. ra vào tấp nập, trong đó phải kể đến bãi vật liệu xây dựng nhà ông bà Khải Hương, bãi này có quy mô lớn, hoạt động nhiều năm nay. Trước kia họ chỉ tập kết buôn bán cát, đá, sỏi… Bây giờ họ chở cả phế thải về đây để chứa, mở cả xưởng sản xuất gạch không nung rất bài bản. Không biết chính quyền có “ưu ái” cho họ hoạt động không chứ theo tôi được biết việc hoạt động, lấn chiếm hành lang đê này là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Vậy mà chưa thấy cơ quan nào xử lý, yêu cầu dừng hoạt động.

Phú Xuyên, Hà Nội: Bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hành lang bảo vệ đê

Xe “4 chân” chở đất thải từ dự án nội thành đổ thải về bãi kinh doanh vật liệu của bà Hương (Ảnh chụp xe tại trạm thu phí Pháp Vân)

Để minh chứng cho sự việc nêu trên, đêm ngày 27/6, PV đã theo chân một chiếc xe chở đầy “phế thải” xây dựng từ dự án nội thành TP. Hà Nội chạy qua quãng đường gần 30km, nhóm PV không khỏi ngỡ ngàng khi điểm dừng của chiếc xe là bãi vật liệu xây dựng của ông bà Khải Hương. Trong quá trình di chuyển, mỗi lần xe chạy qua “ổ gà” là mỗi lần đất rơi vãi xuống đường làm mất vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị.

Trước sự việc nêu trên, PV đã liên hệ với UBND thị trấn Phú Minh để làm việc, tiếp PV là ông Phạm Đình Hậu - Phó Chủ tịch UBND thị trấn, ông Hậu cho biết: “Trên địa bàn thị trấn Phú Minh có 5 hộ kinh doanh vật liệu xây dựng trên hành lang đê, trong đó có 2 hộ có phép còn lại là không có phép. Bãi kinh doanh vật liệu xây dựng của ông bà Khải Hương, trước đây được UBND huyện Phú Xuyên cho thuê đất nhưng đã hết hạn từ năm 2017. Tuy nhiên đến nay vẫn hoạt động không phép và có quy mô lớn hơn trước. Chúng tôi cũng có ý kiến lên huyện nhưng đang chờ xem xét để đưa ra phương án xử lý”.

Sáng 01/7/2022, sau khi làm việc tại trụ sở UBND thị trấn, nhóm PV đã cùng ông Phạm Đình Hậu xuống khảo sát và làm việc với bà Trần Thị Mai Hương. Bà Hương cho biết: “Tôi thuê đất của UBND huyện Phú Xuyên theo hợp đồng cho thuê đất ngày 18/4/2012 với diện tích 20.896 m2. Đến nay hợp đồng thuê đất đã hết hạn rất lâu, tôi đã làm tờ trình nhiều lần gửi UBND huyện để tiếp tục thuê, nhưng huyện đang xin ý kiến thành phố. Mặc dù không được ký hợp đồng thuê đất với UBND huyện Phú Xuyên nhưng hàng năm tôi vẫn nộp “đủ” tiền thuế cho Nhà nước”. Khi PV đề cập đến việc, Bà có thể cung cấp chứng từ nộp thuế và các giấy tờ liên quan đến việc chấp hành các quy định pháp luật về Bảo vệ Môi trường, nhưng bà Hương không có những giấy tờ đó. Ngoài ra, thời gian qua có rất nhiều xe chở “phế thải” từ dự án trong thành phố chở chất thải xây dựng đổ thải vào trong bãi của bà. Trong khi đây không phải là bãi phế thải được UBND thành phố phê duyệt. Lúc đầu, bà Hương một mực chối và cho rằng bãi của bà không cho đổ phế thải, tuy nhiên khi PV đưa ra các dẫn chứng liên quan, bà Hương mới khẳng định: “Có đứa em nó mượn để đổ nhờ phế thải vào đây, sau đó em nó sẽ múc đi.”

Phú Xuyên, Hà Nội: Bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hành lang bảo vệ đê

Khu vực tập kết than nước chảy lênh láng ra bề mặt tác động xấu đến môi trường.

Được biết, tháng 10/2021, Thanh tra Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã xử phạt bà Hương số tiền là 4,000,000đ (bốn triệu đồng), do để vật liệu ở lòng sông, bãi sông gây cản trở dòng chảy, thoát lũ trong hành lang bảo vệ đê điều. Trong văn bản có nêu rõ hành vi trên đã vi phạm quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 20 Nghị định 104/2017/NĐ-CP, ngày 14/9/2017 của Chính phủ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Vậy mà đến nay, bãi tập kết vật liệu xây dụng của bà Hương vẫn tiếp tục đổ chất thải, vật liệu xây dựng ngay chân đê. Điều này, khiến dư luận không khỏi băn khoăn và đặt câu hỏi, phải chăng do mức xử phạt quá nhẹ, hay có người “chống lưng” hay chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo nên doanh nghiệp mới ngang nhiên coi thường pháp luật?

Việc sai phạm của bãi tập kết vật liệu xây dựng nhà ông bà Khải Hương chỉ là tảng băng nổi trong vấn đề vi phạm hành lang an toàn đê điều. Sâu xa hơn, đó là việc doanh nghiệp hưởng lợi bất chính từ quỹ đất khiến ngân sách Nhà nước thất thu, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng tập kết vật liệu trái phép kéo dài.

Đã đến lúc UBND thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, UBND huyện Phú Xuyên và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, đưa ra những giải pháp và chế tài mạnh tay hơn để xử lý các sai phạm trên, tránh gây bức xúc trong dư luận, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân địa phương, bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ.

Nhóm PV

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/phu-xuyen-ha-noi-bai-tap-ket-vat-lieu-xay-dung-hoat-dong-trai-phep-gay-o-nhiem-moi-truong-de-doa-hanh-lang-bao-ve-de-13541.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.