Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia xả rác thải nhựa lớn nhất thế giới

(SK&MT) - Rác thải nhựa đang là thách thức toàn cầu và gây ô nhiễm đại dương, bờ biển, sông ngòi và các tuyến đường thủy nội địa khác, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của các cộng đồng ven biển. Theo báo cáo, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.

Rác thải nhựa – Mối nguy với môi trường

Đã từ lâu rác thải nhựa vẫn luôn là mối lo ngại tới sức khỏe con người lẫn môi trường. Rác thải nhựa dùng một lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật,…

Các sản phẩm nhựa có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, bởi vậy việc khai thác và vận chuyển nhiên liệu hóa thạch giải phóng carbon vào khí quyển, làm trầm trọng thêm sự ấm lên trên toàn cầu.

Tại Mỹ, ngày 13/7, chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện những bước đầu tiên nhắm hạn chế nhựa sử dụng một lần trong hoạt động mua sắm liên bang sau áp lực từ các tổ chức bảo vệ môi trường. Trong thông báo mới nhất của Cơ quan Dịch vụ công Hoa Kỳ (GSA), họ cho biết :”Với việc nhựa sử dụng một lần đang là nguyên nhân góp phần quan trọng vào mối lo ô nhiễm nhựa trên toàn cầu, chúng tôi đang xem xét các ý kiến của công chúng để cân nhắc vấn đề hạn chế loại rác thải này.”

Nhiều công dân các quốc gia đã nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường đồng nghĩa với việc bảo vệ cuộc sống của họ. Hành động giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, ngoài các lệnh cấm sử dụng nhựa dùng một lần bằng các công cụ chính sách của Chính phủ rất cần ý thức chung tay của cả cộng đồng và trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Các tổ chức môi trường quốc tế cũng như nhiều quốc gia đang kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nylon. Muốn làm được điều này, trước hết, chúng ta phải bắt đầu từ việc giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần và thay vào đó, tập thói quen dùng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nylon tự phân hủy hay túi dệt từ sợi nylon sử dụng nhiều lần…

Bên cạnh đó, việc tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác. Việc tái chế này đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Ví dụ, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, đựng các đồ dùng khác hoặc làm đồ trang trí như ống cầm bút, chậu hoa,…

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia xả rác thải nhựa lớn nhất thế giới

Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất trên thế giới.

Tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa được thải ra môi trường mỗi năm

Thông tin được chia sẻ tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương” ngày 21/7 cho thấy, Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất trên thế giới.

Hằng năm, trên thế giới có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8% - 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11% - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Trong khi đó, theo báo cáo “Nhựa: chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế năm 2021” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) chỉ ra, việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà còn làm suy giảm nền kinh tế.

Chi phí xã hội, môi trường và nền kinh tế đối với nhựa được sản xuất trong năm 2019 là 3.700 tỷ USD, cao hơn GDP của Ấn Độ. Nếu không có hành động cấp thiết được triển khai, chi phí này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2040, tương đương 85% chi tiêu toàn cầu cho y tế trong năm 2018, cao hơn GDP của Đức, Canada, Australia cộng lại năm 2019.

Báo cáo của WWF cũng cho thấy, Chính phủ và người dân các quốc gia đang vô tình sa lầy vào hệ thống sản xuất, tiêu dùng và xử lý nhựa gây ra vô số tác động tiêu cực đến con người và môi trường.

Trong đó rác thải nhựa đang được xem là hiện tượng “báo động đỏ”, là vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Riêng tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển.

Các nghiên cứu chỉ ra mẫu số chung, chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế cao hơn 10 lần so với giá trị thị trường của nhựa nguyên sinh.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhìn nhận, nếu không hành động ngay từ bây giờ dẫn đến giảm suy thoái môi trường, suy kiệt tài nguyên, cuộc sống con người sẽ bị đe dọa, điển hình là Covid-19, nhiệt độ tăng kỷ lục ở nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam cũng đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, nhận thức và nhu cầu của doanh nghiệp về sản xuất bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa còn hạn chế. Bản thân doanh nghiệp chưa ý thức được vai trò, ý nghĩa cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất bền vững và giảm thiếu rác thải nhựa thì việc triển khai xây dựng trên thực tiễn vẫn là một thách thức.

Đồng thời, để triển khai các mô hình sản xuất bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa thì việc áp dụng, nâng cấp các công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ xanh, tuần hoàn tiêu thụ ít tài nguyên, giảm phát sinh chất thải là rất cần thiết.

“Điều này liên quan mật thiết đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi kinh tế tuần hoàn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào các mô hình sản xuất bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa”, ông Thọ nhấn mạnh.

HUYỀN ANH

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/viet-nam-nam-trong-so-20-quoc-gia-xa-rac-thai-nhua-lon-nhat-the-gioi-13552.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.