Xử phạt không phân loại rác tại nguồn: Người dân bối rối, lo lắng

(SK&MT) - Ngày 25/8 tới đây, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực, nhiều người dân cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về cách làm, tránh việc vô tình bị phạt oan vì thiếu thông tin.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP) có hiệu lực từ 25/8 tới đây, nhằm thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Xử phạt không phân loại rác tại nguồn: Người dân bối rối, lo lắng

Chế tài xử phạt hành vi không phân loại rác thải tại nguồn đang được đông đảo người dân quan tâm

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Quy định mới này nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn, với những điều khoản liên quan đến thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế.

Đồng thời, chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt.

Mức phạt từ 250 đến 300 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư.

Quy định cụ thể về phân loại rác sẽ do UBND các tỉnh thành ban hành tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Tổ trưởng Tổ dân phố 11 phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng, quy định xử phạt nếu không phân loại rác đang khiến người dân rất bối rối và lo lắng.

Theo bà Thủy, việc bỏ chung các loại rác đã trở thành thói quen, muốn thay đổi cần có sự tuyên truyền, vận động, nên có các tờ rơi phát về tổ dân phố. Trên cơ sở đó, tổ dân phố sẽ thông báo tới từng hộ gia đình để nắm bắt quy trình phân loại rác. Nếu không có hướng dẫn, rất nhiều người sẽ không nhận biết được đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ, rác có thể tái chế và từng loại rác thì bỏ vào đâu... dẫn đến quy định sẽ không đi vào cuộc sống.

Tại Hà Nội, công tác bảo vệ môi trường với nhân tố cốt lõi từ các hộ gia đình vẫn luôn được các cấp, ngành TP quan tâm và triển khai nhiều công tác thí điểm, mô hình mẫu về phân loại rác thải trên địa bàn các huyện. Không ít chương trình mang lại tín hiệu khả quan, cho thấy ý thức người dân đang dần thay đổi.

Tuy vậy, khi chế tài xử phạt có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về cách làm, tránh việc người dân vô tình bị phạt oan vì thiếu thông tin.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) Lê Thị Thùy Dương cho biết, về quy định xử phạt theo Nghị định 45/NĐ-CP, các cơ sở trên địa bàn huyện đã được nắm bắt thông qua một số hội nghị, thông tin báo chí, đồng thời Hội Phụ nữ xã cũng đã thực hiện nhiều bước để thông tin tới người dân.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường từ gốc cũng được Hội Phụ nữ xã thực hiện thí điểm theo chỉ đạo của các cấp UBND xã Kim Sơn, UBND huyện Gia Lâm nhằm đẩy mạnh hiệu quả thay đổi tư duy của người dân.

“Tuy vậy, trước thời điểm Nghị định có hiệu lực, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân đối với việc xử phạt. Ngoài tuyên truyền về chính sách mới, cơ sở chưa được định hướng về phương pháp triển khai, người dân phải làm như thế nào để tránh bị xử phạt... là những khó khăn phát sinh trong thời gian qua. Do đó, tôi mong muốn các cơ quan cấp trên sớm có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thực thi” - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Sơn chia sẻ.

Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng việc ban hành chế tài xử phạt người dân không phân loại rác là hợp lý. Tuy nhiên, các địa phương hiện nay chưa có quy định cụ thể theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nên chưa thể có cơ sở để phạt vi phạm sau ngày 25/8.

Kinh nghiệm các nước cũng như một số đợt thí điểm ở Hà Nội trước đây chỉ ra việc phân loại rác sẽ giúp giảm 30% tổng lượng rác thải phát sinh, giảm áp lực thu gom, vận chuyển rác đi xử lý. Việc này cũng sẽ tăng lượng rác được tái chế thay vì chôn lấp, hay để nó trôi dạt ra đại dương.

Theo ông Tùng, cơ sở vật chất, nhân lực ở Việt Nam hiện nay chưa đảm bảo cho việc phân loại rác tại nguồn đồng bộ từ người dân, thu gom, tập kết đến vận chuyển và xử lý. Minh chứng là các đợt thí điểm ở Hà Nội, TP HCM kết quả đều không thành công. "Ở những nơi thí điểm có thể thấy người dân rất hồ hởi phân loại, nhưng đơn vị thu gom lại chưa chuẩn bị xe để chở từng loại rác phù hợp, cuối cùng bao nhiêu rác phân loại lại đi chôn chung", ông Tùng nói.

Để quy định đi vào cuộc sống, ông Tùng cho rằng thời gian tới cần tổ chức đào tạo cho người dân cũng như đội ngũ thu gom để họ nắm được quy tắc, cách thức phân loại, thu gom rác hợp lý.

Theo điều 75, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

HUYỀN ANH

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/xu-phat-khong-phan-loai-rac-tai-nguon-nguoi-dan-boi-roi-lo-lang-13554.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.