Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn

(SK&MT) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/07/2022.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn

Cụ thể, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050.

Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 2,5 - 3%/năm. Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Cùng với chuyển đổi 300 nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường, ngành nông nghiệp phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước.

Đồng thời, mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Để đạt mục tiêu trên, lĩnh vực trồng trọt sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu từng vùng, miền; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn.

Sử dụng đất lúa linh hoạt, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, gây ô nhiễm môi trường, làm thoái hóa đất canh tác và phát thải khí nhà kính.

Thực hiện các chương trình quản lý sức khỏe đất; quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp; áp dụng các phương thức tưới tiên tiến, tiết kiệm đối với cây trồng cạn.

Ngành chăn nuôi chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ.

Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo...

Ngành thủy sản tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Áp dụng đối tượng nuôi trồng thủy sản mới có hiệu quả cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu.

Ngành lâm nghiệp phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản theo tiêu chuẩn quản lý. Phục hồi rừng tự nhiên, phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ theo hướng sản xuất hàng hóa.

Phát triển thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí và thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ, chi phí và thủ tục cấp chứng nhận, trợ giá sản phẩm, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.

Thực hiện nghiêm truy xuất nguồn gốc nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng vùng nguyên liệu xanh.

MẠNH HIỆP

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-sinh-thai-huu-co-tuan-hoan-13584.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.