Mục đích của Chuyên đề nhằm phổ biến những chính sách, quy định về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải xây dựng, bảo đảm khoa học, hợp lý, đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị và nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Chuyên đề cũng nhằm phát hiện những vướng mắc, chồng chéo và những hiện tượng tiêu cực trong việc tiếp nhận xử lý chất thải xây dựng có tác động xấu đến môi trường cảnh quan, cuộc sống của người dân, nhằm đưa ra các giải pháp để tháo gỡ.
Xe chở đất, bùn thải từ quá trình khoan cọc nhồi đi ra từ dự án nhóm nhà ở Đông Nam, đường Tố Hữu, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm
Trong quá trình thực hiện Chuyên đề, đã khảo sát thực tiễn tại một số nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tòa soạn nhận được ý kiến của người dân đang sinh sống trên địa bàn xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì phản ánh về việc, mấy tháng trở lại đây có nhiều phương tiện chở chất thải, phế thải đổ về khu vực Trang Trại Vạn An nhằm mục đích san lấp mặt bằng hạ tầng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị và nông thôn.
Trao đổi với PV, nhiều người dân xã Yên Mỹ bày tỏ sự lo lắng vì các loại xe tải nặng chở vật liệu, phế thải thường xuyên lưu thông qua tuyến đê trong tình trạng quá tải, không chỉ làm bùn, đất, rơi vương vãi trên mặt đường, mặt khác còn làm kết cấu hạ tầng giao thông, đê bao của Nhà nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để tìm hiểu thông tin, tối ngày 06/10/2022, nhóm PV có ghi nhận một chiếc xe tải Hovo biển số 29H 564.18, mang logo Châu Việt Phát chở bùn thải có chứa thành phần nguy hại (bentonia) đổ vào hồ lò gạch ngay bên trái cổng trang trại Vạn An để san lấp. Theo quan sát của PV, sau khi đổ thải, xe quay đầu di chuyển khoảng 20km về dự án nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội để lấy chất thải. Tại dự án lúc đó, có rất nhiều phương tiện xe trọng tải lớn đang chờ lần lượt vào lấy đất và bùn thải. Sau khi lấy đầy bùn, đất lên các thùng xe, các xe lần lượt di chuyển theo tuyến đường vành đai 3 rồi về khu vực đê Sông Hồng và tiến vào bãi đổ. Trong quá trình di chuyển, xe làm vương vãi bùn, nước bẩn xuống đường, gây mất vệ sinh. Đặc biệt là gây trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho người đi đường. Chỉ trong vài phút, vài chục tấn bùn thải trên thùng xe ngang nhiên xả xuống khu vực bên cạnh Trang trại Van An, xã Yên Mỹ.
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực san lấp có diện tích khoảng gần 10.000m2, trong đó đã san lấp tới 3/4 diện tích. Bao gồm hỗn hợp đủ các loại rác thải, phế thải như: rác sinh hoạt, trạc xây dựng, đất thải có chứa thành phần nguy hại (bentonia), rễ cây, gạch ngói, tấm bê tông mặt đường… Ngay bên cạnh khu vực san lấp là trang trại học đường Vạn An dành cho học sinh tham quan, trải nghiệm các dịch vụ thiên nhiên trong lành.
Do không chở bằng xe chuyên dụng nên quá trình di chuyển xe làm chảy nước bùn, đất ra bên ngoài mặt đường.
Để thông tin khách quan, kịp thời, PV đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trang trại Vạn An. Trao đổi về vấn đề này, bà Hằng cho biết: Khu vực đổ thải mà PV phản ánh là hồ lò gạch, nằm trong trang trại Vạn An, trước đấy tôi có thuê của xã Yên Mỹ để canh tác. Tuy nhiên năm 2018, xã đã chấm dứt hợp đồng với trang trại để chờ chủ trương đấu thầu của huyện.
Liên quan đến vấn đề này, PV tiếp tục liên hệ với UBND xã Yên Mỹ để làm việc. Ngày 10/10/2022, PV đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Xã Yên Mỹ. Ông Long cho biết: Việc đổ chất thải vào hồ lò gạch ở trang trại Vạn An là sai, tôi không nghĩ đó là chất thải có thành phần nguy hại mà tôi chỉ nghĩ đó là đất thông thường, anh em mua về để san lấp sau này làm khu vực trồng rau thủy canh. Khu đất này đang chờ huyện cho đấu thầu, tạm thời anh Hồng và chị Hằng ở trang trại Vạn An đang đổ đất vào để sau này làm nhà lưới trồng rau thủy canh. Tôi sẽ yêu cầu dừng việc đổ chất thải vào đây.
Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hồng - Người đứng ra mua đất đổ vào hồ lò gạch của Trang trại Vạn An. Ông Hồng chia sẻ: Trong quá trình chờ huyện cho đấu thầu, tôi thấy đất để không mấy năm nay, tôi có xin ý kiến cấp trên đổ đất vào đây để san lấp. Vì tôi rất tâm đắc với mô hình trồng rau thủy canh nên muốn mở rộng diện tích canh tác. PV tiếp tục đề cập: Được biết UBND huyện Thanh Trì chưa tổ chức đấu thầu, diện tích đất hồ lò gạch chưa được cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liệu rằng anh đầu tư vào đây có đảm bảo sau này là đất anh được sử dụng không?
Đủ các loại rác thải, phế thải như: rác sinh hoạt, trạc xây dựng, đất thải có chứa thành phần nguy hại (bentonia), rễ cây, gạch ngói, tấm bê tông mặt đường được đổ về hồ lò gạch-Trang trại Vạn An làm san lấp.
Ông Hồng quả quyết: Các bác ở trên có bật đèn xanh đồng ý thì tôi mới dám đầu tư cả tỷ đồng vào đó để mua đất san lấp. Chắc chắn sau này chỉ có tôi mới được sử dụng.
Được biết, bùn bentonite là một loại bùn cực độc chứa các loại hóa chất nguy hiểm, phát sinh từ quá trình khoan cọc nhồi. Theo các chuyên gia xây dựng loại bùn này chứa hàm lượng các nguyên tố hóa học cao hơn nhiều mức độ cho phép, rất độc hại nếu không được đưa vào các đơn vị có đủ điều kiện để xử lý đúng quy trình trước khi thải ra môi trường.
Như vậy với hành vi ngang nhiên đổ chất thải có chứa thành phần nguy hại vào san lấp hồ, điều này không chỉ ảnh hưởng đến quy hoạch của địa phương mà còn hủy hoại tài nguyên đất, gây ô nhiễm môi trường và tác động đến hệ sinh thái xung quanh: Tại Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng đất.
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 2 triệu - 5 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000 kg. Trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg: phạt tiền 5 triệu - 10 triệu đồng. Từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg: phạt tiền từ 10 triệu - 15 triệu đồng. Từ 100.000 kg trở lên: phạt tiền từ 200 triệu - 250 triệu đồng...
Toàn cảnh hồ lò gạch được san lấp tới 3/4 diện tích, với đủ thành phần chất thải .
Tuy nhiên, chế tài này vẫn chưa đủ sức răn đe. Theo cơ quan chức năng, để xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm này còn nhiều rào cản, nó tùy thuộc vào mức độ định lượng gây ra ô nhiễm môi trường đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Do đó, để thượng tôn pháp luật, đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì và các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm đối với hành vi đổ rác thải, chất thải, đặc biệt chất thải xây dựng có chưa thành phần nguy hại (bentonia) vào san lấp hạ tầng gây hủy hoại môi trường. Đồng thời, cần làm rõ nguyên nhân vì sao UBND huyện Thanh Trì chưa tổ chức đấu thầu, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà ông Hồng đã tự ý san lấp mặt bằng hạ tầng để trồng rau thủy canh.
Phương Thúy
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/yen-my-thanh-tri-ha-noi-can-xu-ly-nghiem-hanh-vi-ngang-nhien-san-lap-chat-thai-trai-phep-13605.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.