Thành phố Bắc Ninh thiếu đôn đốc, sát sao trong an toàn hành lang đê điều mùa mưa bão

(SK&MT) - Trong quá trình thực hiện chuyên đề: “Doanh nghiệp phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe đời sống người dân” nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, phóng viên Tạp chí điện tử Sức khỏe & Môi trường đã có cuộc khảo sát ghi nhận thực tế tại hành lang đê sông Cầu đoạn thuộc địa bàn TP . Bắc Ninh.

Bãi vật liệu xây dựng ngoài đê sông Cầu vẫn “phá đê, huỷ sông” từng ngày

Qua khảo sát của phóng viên từ đầu tháng 10/2022 đến nay thì tại đoạn đê thuộc địa phận hai phường Đáp Cầu và Kim Chân (thành phố Bắc Ninh), tình trạng lấn chiếm hành lang đê sông Cầu đã và đang diễn ra vô cùng phức tạp trong suốt một thời gian dài mà không hề thấy những biện pháp xử lý dứt điểm, kiên quyết của chính quyền cơ sở và UBND thành phố Bắc Ninh khiến an toàn đê sông Cầu đang đứng trước những nguy cơ “sống còn”.

Thành phố Bắc Ninh thiếu đôn đốc, sát sao trong an toàn hành lang đê điều mùa mưa bão

Xe tải, xe trộn bê-tông chạy bất kể ngày đêm trên đường đê sông Cầu đoạn qua địa phận hai phường Kim Chân, Đáp Cầu (TP Bắc Ninh).

Cụ thể, tại khu vực chân cầu Như Nguyệt và cầu Đáp Cầu thì hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, than, cát sỏi như Công ty Bình Định, Công ty Kinh doanh Than Hà Bắc, công ty Tuấn Thảo, Công ty Gia Hoa, Công ty QD56... vẫn ngang nhiên hoạt động với tổng diện tích sử dụng hành lang đê điều lên tới hàng nghìn mét vuông; nhiều đoạn chân đê, thân đê sông Cầu đã bị các đơn vị kinh doanh này xâm hại nghiêm trọng bất kể mưa nắng, ngày đêm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe người dân tại khu vực cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khi mỗi ngày có tới vài chục lượt xe trộn bê-tông, xe tải di chuyển từ các trạm trộn bê-tông, bãi tập kết vật liệu xây dựng di chuyển qua các khu dân cư, trường học.

Trong khi đó, theo Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể: Các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới theo quy định tại khoản 3, Điều 26 Luật Đê điều chỉ được xem xét đối với một số khu vực mà chiều rộng bãi sông (khoảng cách từ chân đê đến mép bờ của sông) lớn hơn 500m, vận tốc dòng chảy trên bãi tương ứng với lũ thiết kế nhỏ hơn 0,2 m/s (chi tiết các bãi sông theo Phụ lục V); diện tích xây dựng không được vượt quá 5% diện tích bãi sông. Các khu vực còn lại không được xây dựng công trình, nhà ở mới, trừ công trình được phép xây dựng theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 26 Luật Đê điều.

Thành phố Bắc Ninh thiếu đôn đốc, sát sao trong an toàn hành lang đê điều mùa mưa bão

Hàng loạt công trình kiên cố tại phía ngoài chân đê sông Cầu đoạn qua địa bàn TP Bắc Ninh.

Được biết, tỉnh Bắc Ninh nằm ở hạ du lưu vực sông Hồng - Thái Bình, có các con sông Đuống, sông Thái Bình và sông Cầu, do đó luôn chịu tác động đồng thời của dòng chảy lũ của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã chịu ảnh hưởng của nhiều trận mưa, lũ lớn gây thiệt hại và nguy hiểm đến an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Vì vậy, công tác phòng, chống lũ và đảm bảo an toàn đê điều luôn được coi là nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu, ưu tiên thực hiện hàng năm, từng thời kỳ.

Phải chăng là “trên nóng, dưới lạnh”?

Ngay tháng 5 vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh vừa phát lệnh báo động số 1 trên triền sông Cầu khi lũ sông Cầu đã lên báo động số 1.

Cũng trong tháng 5, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã có Công văn số 61/TB-STNMT thông báo dừng hoạt động, tập kết cát, sỏi và vật liệu xây dựng ở lòng sông nhằm tránh các tác động xấu tới đê điều, dòng chảy của các tuyến sông trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão.

Thành phố Bắc Ninh thiếu đôn đốc, sát sao trong an toàn hành lang đê điều mùa mưa bão

Các bãi vật liệu xây dựng, cát sỏi phía ngoài đê sông Cầu thuộc địa bàn TP Bắc Ninh vẫn ngang nhiên hoạt động dù đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan chức năng tỉnh.

Cụ thể, mọi hoạt động tập kết cát, sỏi và vật liệu xây dựng ở lòng sông đều phải tạm dừng từ 0 giờ ngày 15/5/2022 đến hết 24 giờ ngày 31/10/2022. Các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để siết chặt công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, góp phần bảo vệ vững chắc các tuyến đê trong mùa mưa bão năm nay.

Ông Đàm Đình Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chức năng, các xã, phường ven sông tăng cường công tác kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Tuyên truyền hướng dẫn các đơn vị thi công xây dựng, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các thủ tục cấp phép, đăng ký khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản trước khi nạo vét, đào đắp tại công trình xây dựng.

Chỉ riêng đoạn đê dài hơn 1km trên địa bàn phường Kim Chân đã có tới hàng chục doanh nghiệp gồm: Xí nghiệp vận tải thủy Sông Cầu, Công ty Tiến Hoài, Công ty Cổ phần gạch Đại Kim, Công ty Minh Vương, Công ty Hải Dương, Công ty Đào Hường, Công ty Toàn Thắng, Công ty Kim Đôi, Công ty Dũng Thắm... đang sử dụng trái phép hành lang an toàn đê sông Cầu làm nơi sản xuất và kho bãi vật liệu xây dựng, than, cát sỏi...

Đồng thời, Sở cũng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền đến các chủ bến bãi thực hiện nghiêm quy định của tỉnh, nhất là trong thời điểm mưa, bão, lũ, bảo đảm an toàn dòng chảy và hệ thống đê điều của tỉnh. Đối với các tỉnh có sông giáp ranh với Bắc Ninh, tỉnh không cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thực hiện việc khai thác cát hay nạo vét luồng đường thủy nội địa tận thu sản phẩm, rất cần các biện pháp phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý khai thác khoáng sản lòng sông là biện pháp tiên quyết để ổn định dòng chảy, luồng lạch, góp phần bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng, sản xuất của nhân dân trong mùa mưa bão năm nay khi các yếu tố thời tiết cực đoan, bất thường đã, đang và tiếp tục xảy ra.

Thành phố Bắc Ninh thiếu đôn đốc, sát sao trong an toàn hành lang đê điều mùa mưa bão

Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà dù khu vực cầu Như Nguyệt chỉ cách UBND thành phố Bắc Ninh chưa đến 4km nhưng những sai phạm kéo dài suốt thời gian qua của hàng loạt đơn vị kinh doanh trạm trộn bê-tông, bãi vật liệu xây dựng đang ngang nhiên lấn chiếm hành lang sông Cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang đê điều mùa mưa bão vẫn tồn tại kéo dài đến hiện tại?

Để có thông tin đa chiều và chính xác nhất liên quan đến sự việc hành lang đê sông Cầu bị “xâm hại” nghiêm trọng trong mùa mưa bão, phóng viên Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu giải tỏa toàn bộ các bến, bãi tập kết ngoài quy hoạch

Tháng 8 vừa qua, tại văn bản số 2266/UBND-XDCB, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) và xử lý hoạt động bến, bãi sông trái phép trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT, tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, khép kín địa bàn nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm người điều khiển, chủ phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện, “cơi nới” thành thùng. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý hoạt động bến bãi tập kết khoáng sản trái phép và hoạt động phương tiện chở quá tải trọng trên các tuyến giao thông trọng điểm, phức tạp. Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý đối với các phương tiện hoạt động đường thủy; thường xuyên kiểm tra, xử lý hoạt động bến thủy nội địa trái phép, nơi có hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng gây sạt lở bờ, bãi sông, đe dọa an toàn công trình đê điều. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện vận chuyển hàng hoá có dấu hiệu vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn, nhất là tại các đầu nguồn hàng như cảng thủy nội địa, bến bãi, nơi khai thác khoáng sản, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô...

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện hướng dẫn thực hiện thủ tục pháp lý về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai liên quan đến hoạt động bến bãi. Ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, phối hợp xử lý theo quy định với các vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai trong hoạt động bến bãi. Rà soát, lắp dựng hoàn thiện hệ thống biển báo hạn chế tải trọng trên các tuyến đê theo đúng quy định.

UBND các huyện, thành phố giao nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm đối với các ban, ngành, UBND cấp xã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước tại các bến, bãi hoạt động tập kết nguyên vật liệu, cát sỏi…

Tổ chức rà soát, kiểm tra, giải tỏa toàn bộ các bến, bãi tập kết ngoài quy hoạch; đình chỉ các bến bãi trong quy hoạch nhưng chưa đủ điều kiện hoạt động; chỉ đạo việc giải tỏa khối lượng cát, sỏi vật liệu xây dựng tồn trên bãi theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật nếu để tình trạng trên tiếp tục tái diễn.

Nhóm PV

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/thanh-pho-bac-ninh-thieu-don-doc-sat-sao-trong-an-toan-hanh-lang-de-dieu-mua-mua-bao-13612.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.