Với vai trò là đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường (BVMT), dự thảo Luật đã bổ sung các quy định có tính nguyên tắc trong mối tương quan với các luật chuyên ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện từ 20-75 ngày. Đồng thời, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về BVMT. Có thể kể dưới đây bốn điểm mới căn bản.
Thứ nhất, dự thảo Luật hướng đến tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của các chính sách hiện hành; thay đổi phương thức quản lý hành chính hiệu quả chưa cao và phức tạp sang quản lý dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng; giảm thủ tục hành chính đối với các đối tượng thân thiện môi trường, tăng cường kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Ảnh minh họa.
Thứ hai, đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào dự thảo Luật, nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; đưa các chức năng quản lý nhà nước về BVMT đang phân tán ở một số bộ, ngành về Bộ Tài nguyên và Môi trường như quản lý chất thải rắn; xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất; phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Thứ ba, tiếp cận phương pháp quản lý khoa học dựa trên thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ; quản lý liên thông các giai đoạn phát triển từ chủ trương, quy hoạch, xây dựng, triển khai và kết thúc dự án.
Thứ tư, xây dựng nền tảng thể chế phục vụ kiến tạo các mô hình phát triển bền vững. Dự thảo Luật nhấn mạnh việc xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các-bon trong quy hoạch, thiết kế sản xuất, thương mại, tiêu dùng và tái chế, xử lý chất thải. Hình thành các ngành kinh tế mới như đầu tư vào vốn tự nhiên, công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường...
Với dự thảo này, cơ quan soạn thảo đánh giá, đây là lần đầu chính sách môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với pháp luật quốc tế; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, EVIPA, CPTPP, …; góp phần phòng vệ, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu từ nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.
Một số quy định mới bổ sung trong dự thảo sửa đổi Luật BVMT như sửa đổi bảo vệ môi trường không khí; phối hợp ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về khí thải đối với các phương tiện giao thông; về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; Rà soát sự phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó bỏ quy định việc giữ lại 50% số tiền xử phạt vi phạm môi trường theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bổ sung thêm các biện pháp bảo vệ môi trường nơi công cộng…
HOÀNG ANH
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/huong-toi-mot-dao-luat-dong-bo-thong-nhat-14666.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.