Nhức nhối việc sử dụng thuốc trừ cỏ ở miền núi

(SK&MT) - Thực trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ trong nông nghiệp nước ta nhiều năm nay đã lên mức báo động. Đặc biệt ở miền núi, loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại này được dùng như một thứ “bùa phép” hữu hiệu.

“Hồn nhiên” trước chất độc

Đi dọc tít tắp nương ngô, chạy dài ven đường 518 từ ngã ba xã Cẩm Châu đến xã Cẩm Tâm của huyện Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa, ven chân đồi, bờ rẫy nào cũng nhan nhản bao bì, chai hộp có nhãn mác của thuốc trừ cỏ, trừ sâu. Cái cũ, cái mới lẫn lộn nhau nằm la liệt. Chúng hiện hữu như một tất yếu của nghề nông nơi đây.

Sau mùa thu hoạch ngô, người dân bản Dao, Sơn Lập xã Cẩm Châu bắt đầu làm sạch đất, chuẩn bị cho vụ mới. Vào lúc chiều mát hay sáng sớm, trên các đám nương thường thấy những chiếc lưng lom khom đeo bình thuốc trừ cỏ. Người người bận rộn, thoăn thắt tay bơm, tay lia vòi phun những làn nước trắng như sương lên đất. Hầu hết, không ai mặc trang phục bảo hộ. Thậm chí, có người mặc quần đùi áo cộc, chân đất, tay trần, không khẩu trang, mũ, nón. Họ “vô tư” vừa phun thuốc vừa cười nói với nhau.

Nhức nhối việc sử dụng thuốc trừ cỏ ở miền núi

Người dân phun thuốc trừ cỏ không đeo khẩu trang.

Thấy chị Quách Thị Chinh ì ạch đeo bình thuốc lên lưng, tôi hỏi, sao không để chồng làm công việc nặng nhọc này? Chị Chinh “hồn nhiên” trả lời: “trước toàn chồng làm, nhưng dạo gần đây nó dị ứng thuốc trừ cỏ, cứ đi phun về là chóng mặt, đau đầu, buồn nôn nên mình làm thay”. Nói rồi chị phăm phăm đeo bình thuốc ngược rẫy. Trên gương mặt đang độ thanh xuân ấy, không có nổi mảnh khẩu trang mỏng che chắn. Và hình như, chị cũng không mảy may nghĩ đến độc tố của thuốc, cả với chồng mình trong câu chuyện vừa kể.

Không chỉ phun cho những đám nương rẫy rộng lớn, người dân miền núi đã quen sử dụng thuốc trừ cỏ như một thứ “bảo bối” nhanh gọn và hiệu quả, có thể dùng mọi lúc mọi nơi.

Ngược lộ 518, ra đường mòn Hồ Chí Minh, đi độ 25 km đến bản Ngù, xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá. Đây là một bản nhỏ, nằm men theo chân núi cao nên người dân không có nhiều đất canh tác. Như hộ anh Lê Thọ, ông Phạm Cần, ông Phạm Văn Huynh… nhà nào cũng chỉ có vài sào đất nhỏ quanh nhà. Trước đây, để làm sạch đất, người dân chỉ bỏ ra 2-3 ngày dọn, nhổ cỏ. Bây giờ thì nhà nào cũng sử dụng thuốc trừ cỏ như một nhu cầu không thể thiếu. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh Lê Thọ chuẩn bị phun cho đám đất rộng chỉ chừng 20-30 m2 lại pha hẳn một bình đầy 16 lít thuốc trừ cỏ. Quan sát về sau tôi mới biết, không những phun cho đất màu, anh Thọ còn phun cho cả các đám cỏ hoang, mọc ở quanh nhà, góc sân, cạnh chuồng bò, chái bếp, ngõ vào...

Theo anh Thọ, người dân trong bản, nhà ai cũng dùng thuốc trừ cỏ như cách gia đình anh vừa làm, ở đâu có cỏ ở đó có thuốc trừ cỏ. Điều đáng nói, với loại thuốc “cỏ cháy” chứa hoạt chất Paraquat rất độc hại, đã bị cấm lại được bà con “ưa dung”. Như nhà ông Phạm Cần, mua một lúc khoảng hai chục lọ dùng dần. Khi được hỏi tại sao lại lựa chọn loại thuốc cháy này, ông Cần cho biết, thuốc “cỏ cháy” có tác dụng nhanh, rút ngắn được thời gian làm đất, chỉ sau 3 ngày phun là cỏ đã chết và có thể làm màu ngay.

Nhức nhối việc sử dụng thuốc trừ cỏ ở miền núi

Tích trữ nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong nhà.

Hầu như, người dân dùng thuốc trừ cỏ chỉ quan tâm đến hiệu quả mà không hề để ý, bận tâm đến tác hại của hoá chất đối với sức khỏe và hệ luỵ cho môi trường. Khi tôi bày tỏ băn khoăn về vấn đề này, ông Cần bảo: “chúng tôi không nghe ai khuyến cáo gì cả, thấy tốt và tiện là dùng thôi. Cả bản, cả xã nhà nào cũng dùng, bao năm quen rồi, chẳng thấy ai bị làm sao, mình có uống đâu mà sợ”.

Quản lý lỏng lẻo

Ngày 8/2/2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, thuốc trừ cỏ có chứa các độc tố này vẫn được bày bán ở hầu hết mọi cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, cửa hàng giống cây trồng hoặc phân bón.

Đến cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật “Dung Nhân” tại phố 1, Thúy Sơn, Ngọc Lặc, trong vai khách lần đầu mua hàng, tôi hỏi thuốc trừ cỏ. Chị Dung giới thiệu một loạt các nhãn hiệu và thông tin, “Cỏ cháy” đang là thuốc được người dân sử dụng nhiều nhất vì hiệu quả nhanh. Vào thời điểm dọn cỏ cho đất đầu vụ, mỗi ngày cửa hàng chị có thể bán từ 40-50 lọ thuốc loại này.

Cách đó khoảng vài trăm mét là cửa hàng bán cây giống Phượng Mai, ở đây có bán thêm các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tôi quan sát thấy, có đủ loại thuốc trừ cỏ mang các nhãn hiệu như: Nimaxon 20SL, Cỏ cháy 20SL, Gfaxone 20sl, Volcan, Pesle…. Đặc biệt, “Cỏ cháy” chiếm số lượng áp đảo tại cửa hàng. Khi hỏi về việc bán những loại thuốc đã bị cấm, chị Mai bình thản trả lời: “thì nói là cấm vậy, nhưng cũng không có ai kiểm tra, với nữa, người dân vẫn cần mua nhiều thì chúng tôi vẫn bán thôi”. Chị Mai cho biết thêm, từ khi có quyết định cấm thì thuốc trừ cỏ cháy nhập vào khó hơn, giá thành đã tăng lên gấp đôi, gấp ba nhưng vẫn không làm giảm sức mua của người dân, thậm chí có giai đoạn khan hiếm, người dân còn săn lùng, tranh nhau.

Nhức nhối việc sử dụng thuốc trừ cỏ ở miền núi

Việc bán thuốc trừ cỏ chưa được quản lý chặt chẽ.

Đề cập đến vấn đề này, ông Trịnh Quốc Huy, Trưởng Phòng Thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, cho biết. Mặc dù đã thực hiện các giải pháp giảm thiểu việc lạm dụng thuốc BVTV, song do hạn chế về kinh phí, nên các giải pháp chủ yếu mới dừng lại ở công tác tuyên truyền, còn việc kiểm nghiệm, xác định lượng tồn dư hóa chất trên các loại cây trồng và trong đất chưa hiệu quả.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2011 đến nay, bình quân nông dân Thanh Hóa sử dụng 233,5 tấn thuốc BVTV/năm. Trong đó thuốc trừ cỏ chiếm tỉ lệ trên 70%. Đây là con số đáng suy ngẫm về tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ trên địa bàn tỉnh.

Các giải pháp

Dù không đem cái chết ngay tức khắc, nhưng ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ đến sức khỏe và cuộc sống của con người là vô cùng lớn. Việc nhiễm độc thuốc trừ cỏ biểu hiện ở nhiều mức độ: giảm sút sức khỏe, gây rối loạn các hoạt động ở hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa hô hấp, bài tiết, gây các tổn thương bệnh lý ở các cơ quan, từ mức độ nhẹ tới nặng, thậm chí tàn phế, ung thư hoặc tử vong. Đối với môi trường xung quanh, thuốc diệt cỏ diệt cả những côn trùng và động vật hữu ích cho môi trường đất, có thể làm biến đổi thế cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái, gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Mặc dù đã có nhiều văn bản, quy định, hướng dẫn về quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc trừ cỏ trên toàn tỉnh nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh. Đặc biệt, công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn chưa được thường xuyên và sâu sát. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần có các giải pháp đồng bộ và chế tài kiên quyết cũng như những hướng dẫn cụ thể, sát sao để người dân có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc diệt cỏ an toàn và hữu hiệu.

TÚ ANH

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/nhuc-nhoi-viec-su-dung-thuoc-tru-co-o-mien-nui-14681.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.