Cần chiến lược bảo tồn và quản lý tổng hợp
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, hiện nay việc khai thác, sử dụng cảnh quan thiên nhiên tại Việt Nam vẫn có tính đơn ngành, chưa có đánh giá cụ thể về các đặc trưng để có chiến lược bảo tồn và quản lý tổng hợp. Việc cảnh quan bị phân mảnh đã ảnh hưởng đến các chức năng và đa dạng sinh học.
Một số trường hợp, do thiếu các đánh giá phù hợp về tác động của dự án đối với cảnh quan thiên nhiên, dẫn đến nhiều danh lam thắng cảnh, di sản bị phá vỡ, không thể phục hồi nguyên trạng. Hệ lụy để lại, đó là tổn thất sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đặc biệt đối với các hoạt động du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngoài ra, các quy định về nội dung đánh giá tác động đa dạng sinh học còn sơ sài, không cụ thể. Các giải pháp bảo vệ môi trường đề xuất trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng tập trung chủ yếu vào xử lý chất thải, giảm thiểu chất ô nhiễm mà chưa quan tâm thích đáng đến bảo vệ cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ảnh minh họa.
Bổ sung quy định pháp lý
Theo Tổng cục Môi trường, từ những bất cập nêu trên, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã bổ sung các quy định pháp lý và kiểm soát tác động bất lợi từ các dự án phát triển kinh tế-xã hội tới cảnh quan thiên nhiên quan trọng, thông qua hệ thống ĐTM.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung điều 147 về bồi hoàn đa dạng sinh học của cảnh quan thiên nhiên quan trọng. Theo đó, bù đắp cho các giá trị đa dạng sinh học bị mất đi do tác động của dự án đầu tư gây ra, sau khi đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và đa dạng sinh học.
Với quy định này, chủ dự án có tác động làm suy giảm đa dạng sinh học có trách nhiệm: đánh giá đa dạng sinh học của khu vực bị tác động bởi dự án; dự báo mức độ suy giảm của đa dạng sinh học (nếu có) do việc triển khai dự án gây ra mà không thể giảm thiểu được; đề xuất phương án bồi hoàn đa dạng sinh học.
Phương án bồi hoàn đa dạng sinh học đáp ứng các yêu cầu cơ bản như: đa dạng sinh học được bồi hoàn phải hơn hoặc tương đương với đa dạng sinh học bị suy giảm; ưu tiên thực hiện phương án bồi hoàn đa dạng sinh học tại khu vực bị mất đa dạng sinh học do thực hiện dự án. Trường hợp không thể thực hiện được tại chỗ thì chủ dự án có trách nhiệm đề xuất một địa điểm khác phù hợp theo quy định của pháp luật.
Thông qua cơ chế bồi hoàn, đa dạng sinh học được bảo toàn, nhờ đó giảm mất mát đa dạng sinh học, duy trì cân bằng sinh thái trong quá trình phát triển của loài người, góp phần phát triển bền vững.
Ảnh minh họa.
Đồng tình việc cơ quan soạn thảo Luật đưa vào quy định về cơ chế bồi hoàn, PGS.TS. Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết: Ở Việt Nam mới thí điểm bồi hoàn đa dạng sinh học tại hai địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang. Hiện nay, Kiên Giang đã bồi hoàn thành công, góp phần trả lại cho thiên nhiên những gì đã mất.
Chuyên gia Lê Xuân Cảnh nhận định, việc đưa vào quy định về bồi hoàn đa dạng sinh học là phương án kinh tế tốt. Thông qua cơ chế này, đa dạng sinh học sẽ được bảo toàn, giảm mất mát, duy trì cân bằng sinh thái trong quá trình phát triển của loài người, góp phần phát triển bền vững.
KHÁNH LINH
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/bo-sung-phap-ly-bao-ve-canh-quan-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-14682.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.