Kinh nghiệm từ các quốc gia
Công cụ kinh tế có tính điều tiết đối với các hành vi, hoạt động của con người, đây cũng là công cụ quan trọng trong quản lý môi trường.
Tham khảo một số quốc gia, các loại phí bảo vệ môi trường về nước thải, khí thải đã được áp dụng. Phí về nước thải được Việt Nam áp dụng song đối với khí thải còn khá mới.
Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được áp dụng tương đối rộng ở nhiều nước như: Mỹ, Đan Mạch, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungari, Nga... Theo quy định, có thể sử dụng các hệ số phát thải để tính toán thải lượng đối với các phương tiện giao thông, và có thể sử dụng thải lượng thực tế để tính toán cho các nguồn thải cố định. Ngoài ra, mức phí phải phù hợp điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phải có tính khả thi cao; trước hết, nên xem xét áp dụng đối với các nguồn thải là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí để kiểm soát, điều tiết các nguồn thải này.
Ngoài công cụ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc còn áp dụng giá thu gom, xử lý chất thải rắn. Công cụ này được tính toán phù hợp, bảo đảm hiệu quả điều tiết của kinh tế đối với hành vi của cộng đồng, nhằm hướng đến giảm thiểu chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải.
Ngoài ra, nhiều quốc gia (các nước EU, Canada, Hàn Quốc...) đã triển khai hiệu quả các cơ chế kinh tế (ví dụ cơ chế đặt cọc), để bảo đảm trách nhiệm của nhà sản xuất đối với việc thu gom, tái chế, xử lý sản phẩm thải bỏ. Việc áp dụng từng bước, với mức đặt cọc phù hợp nhằm bảo đảm trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với quản lý chất thải.
Ảnh minh họa.
Đề xuất quy định về áp dụng công cụ kinh tế
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa quy định để áp dụng một cách có hiệu quả việc áp dụng các công cụ về thuế, phí và các công cụ kinh tế khác trong BVMT; chưa góp phần hữu hiệu trong việc điều chỉnh, thay đổi các hành vi theo hướng có lợi cho môi trường; chưa quy định đối tượng chịu thuế là chất thải vào thuế BVMT.
Vì vậy, tại lần sửa đổi năm 2020, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra nhiều điểm mới.
Cụ thể, về công cụ kinh tế, dự thảo Luật bổ sung đối tượng chịu thuế là chất thải vào thuế bảo vệ môi trường và quy định lộ trình chuyển đổi một số loại chất thải từ phí bảo vệ môi trường sang thuế bảo vệ môi trường. Bổ sung quy định về đặt cọc và hoàn trả bao bì, sản phẩm, trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm khó có khả năng tái chế, chứa các chất độc hại hoặc ảnh hưởng quá trình thu gom, xử lý chất thải; mở rộng đối tượng ký quỹ phục hồi môi trường.
Dự kiến sẽ bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí, vay vốn, hạ tầng cho các hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi và khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, mua sắm xanh.
Dự thảo Luật sẽ quy định về chính sách phát triển ngành kinh tế môi trường, trọng tâm là thúc đẩy các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên.
Để gia tăng nguồn lực bảo vệ môi trường, dự thảo Luật dự kiến bổ sung quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, thực hiện đối tác công tư trong một số lĩnh vực…
Bên cạnh đó, dự thảo Luật tập trung hoàn thiện các quy định chi hoạt động sự nghiệp BVMT, chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường. Đặc biệt, để bổ sung nguồn lực, dự thảo đề xuất quy định ngân sách nhà nước có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường, tăng chi để bảo đảm mức chi tối thiểu 02% tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước từng giai đoạn.
BẢO CHÂU
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/can-ap-dung-triet-de-cac-cong-cu-kinh-te-14683.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.