Cuộc chiến không súng đạn và sự hi sinh của những chiến sĩ áo trắng

(SK&MT) - Đại dịch covid 19 là một trận chiến không súng đạn nhưng quá nhiều hy sinh. Và lực lượng y tế là đội quân chủ lực của chiến dịch này. Suốt những tháng ngày Tổ quốc chao đảo trong tâm bão dịch, dù dịch vãn hay quá tải, họ đều không màng nguy hiểm, chẳng phút ngơi nghỉ. Một bộ phận thầm lặng trong số đó chính là y tế xã phường.

Cuộc chiến không súng đạn và sự hi sinh của những chiến sĩ áo trắng

Cuộc chiến phòng, chống Covid-19 tại Trạm Y tế Quang Trung, trung tâm y tế thành phố Thái Nguyên

Cơ cấu nhân sự của Trạm y tế thường có 5-6 người, phụ trách hàng vạn nhân khẩu. Công việc của họ trong mùa dịch là tuyên truyền, giám sát tới cư dân của địa bàn về phòng, chống dịch. Đồng thời, nắm bắt tình hình các ca bệnh mới, truy vết để khoanh vùng dịch tránh lây lan. Quan trọng hơn cả là điều trị các bệnh nhân đang mắc trên địa bàn phường/xã được phân công. Từ những việc nhỏ bé như lập danh sách, phân bổ lịch đến tiêm chủng, khử khuẩn, truy vết, cách ly, điều trị... đều dồn lên vai họ - những chiến sĩ thầm lặng. Thời gian dịch lên tới đỉnh điểm, trong tâm thế của F1 (vì thường xuyên tiếp xúc, điều trị F0), họ gần như kiệt sức và vô vọng trước những công việc quá sức. Có những ngày, cả Trạm chỉ còn 1 người làm vì có tới 4 nhân viên mắc Covid-19.

Cuộc chiến không súng đạn và sự hi sinh của những chiến sĩ áo trắng

Sự tử tế của lực lượng Y tế mãi là món nợ ân tình

Gác lại gia đình, gác lại nhu cầu cuộc sống, điều mà những nhân viên y tế xã phường gắn bó không chỉ là đồng lương mà lớn hơn, đó là trách nhiệm mà lương tâm nghề nghiệp không cho phép họ được rũ bỏ. Họ có thể chẳng lao vào với những ca F0 nguy kịch trong tâm dịch như Sài Gòn. Họ có thể không được chào đón, vinh danh khi trở về từ chiến trường của sự sống và cái chết, nhưng họ là những người suốt 2 năm qua dầm mưa trên các chốt cao tốc để kiểm soát đầu vào của dịch. Họ là những người trực tiếp cùng dân, giúp dân quản trị các ca nhiễm cộng đồng lên tới vài trăm, vài ngàn một ngày. Họ là những người ở những nơi vết máu đỏ hằn trên giác mạc vẫn chong đèn, kỳ cạch gõ bàn phím báo cáo ngay trong đêm, dù nhức mỏi hay đôi chân rã rời vì đường xa...

Cuộc chiến không súng đạn và sự hi sinh của những chiến sĩ áo trắng

Bác sĩ Ngô Thị Hồng công tác tại Trạm Y tế Quang Trung, trung tâm y tế thành phố Thái Nguyên

Họ là những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè, ướt đẫm mồ hôi, những bàn tay nhăn nheo… Đặc biệt là những cử chỉ ân cần, vỗ về, an ủi thậm chí chăm sóc thay người nhà bệnh nhân trong lúc cứu chữa bệnh... Nhưng có lẽ điều ám ảnh, day dứt nhất đối với họ là khi phải chứng kiến những giây phút lằn ranh giữa sự sống và cái chết… rồi cần mẫn, lặng lẽ giữ gìn những đồ đạc, kỷ vật để trao lại cho gia đình bệnh nhân khi họ ra đi mà không có người thân bên cạnh… Đó là mạch nguồn, là ánh sáng của lương tri, của lòng nhân ái, của đạo đức, của trái tim đôn hậu như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng căn dặn: "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu".

Cuộc chiến còn nhiều gian nan và lâu dài, hãy một lần thấu hiểu và ngưỡng cảm những sự hy sinh lặng thầm này. Để cùng hướng về một ngày sáng tươi.

MẠNH HIỆP

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/cuoc-chien-khong-sung-dan-va-su-hi-sinh-cua-nhung-chien-si-ao-trang-15408.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.