WHO không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi.
WHO không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đến nay, hơn 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên 75 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Theo WHO, đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vaccine đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa/ đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2,3) để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Tính tới thời điểm 18/7/2022, WHO không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi do virus đậu mùa khỉ không dễ dàng lây lan. Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vaccine phòng đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.
Việt Nam đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch đậu mùa khỉ
Theo WHO, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ. Theo US-CDC, tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến nhóm virus đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi là 1%, và có thể cao hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.
Trong đợt dịch bệnh này, chủ yếu các ca bệnh được báo cáo là nam giới. Họ là đồng giới nam, lưỡng giới (99% xảy ra tại Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada) và những người có quan hệ đồng giới nam. Đối tượng này ở khu vực thành thị, và là những người tham gia trong nhóm trong mạng xã hội, tình dục ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ. Ngoài ra, cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng ca bệnh tại các quốc gia khu vực Tây, Trung Phi.
"Tại Việt Nam, nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào là rất lớn"- đại diện Cục Y tế dự phòng nhận định.
BS Đỗ Hồng Hiên, Chuyên gia dịch tễ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết: Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng.
Đại diện WHO tại Việt Nam cũng thông tin, bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần tuy nhiên cũng có biến chứng. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến phổi, nhiễm trùng máu, mất nước, viêm não.
Hiện nay, tốc độ lây lan của dịch nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Tại Việt Nam, nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào là rất lớn.
Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý để khi có ca bệnh sẽ hạn chế tối đa lây lan cũng như tử vong.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Trọng Lân, ngay từ tháng 5/2022, Việt Nam đã liên tục liên hệ với WHO, US-CDC, cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và các tổ chức khác để cập nhật trao đổi, tin tức về tình hình dịch bệnh nhằm báo cáo lãnh đạo Bộ, cung cấp thông tin đến các cơ quan truyền thông, người dân.
Đến nay, Cục Y tế dự phòng đã xây dựng Dự thảo Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, đang chờ lãnh đạo Bộ ký ban hành. Cục Quản lý khám chữa bệnh đã xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị.
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, trước mắt cần tập trung triển khai một số nội dung chính như sau:
Kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (PHEOC) của Bộ Y tế tại Cục Y tế dự phòng và 04 Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur.
Theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin hàng ngày diễn biến tình hình dịch bệnh, báo cáo kịp thời; điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Tăng cường mạnh mẽ công tác truyền thông tới người dân, cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ về từ vùng dịch, người lưỡng giới, hoặc quan hệ đồng giới, khuyến cáo người dân, chủ động phòng chống bệnh dịch với phương trâm truyền thông đi trước một bước...
Đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu (cân nhắc việc khôi phục khai báo y tế trở lại tại một số quốc gia ghi nhận ca bệnh lớn), giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng...
MẠNH HIỆP
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/da-co-vaccine-phong-benh-dau-mua-khi-the-he-moi-15504.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.