SK&MT - Qua 10 năm triển khai phương pháp tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân cho những bệnh nhân tổn thương chi trên, Bệnh viện Đa khoa khu vực (BVĐKKV) Cam Ranh (Khánh Hòa) đã thực hiện hàng chục ca với tỷ lệ thành công đạt hơn 95%.
Giữa năm 2016, anh Nguyễn Văn T. (33 tuổi) trú tại phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) nhập BVĐKKV Cam Ranh do bị tai nạn giao thông trong tình trạng đau nhức vai phải, không cử động được. Qua thăm khám, các bác sĩ của BV xác định bệnh nhân T. bị gãy đầu ngoài xương đòn và đứt dây chằng quạ đòn vai phải. Bệnh nhân T. được chỉ định phẫu thuật cố định khớp và tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân. Qua 4 tháng tuân thủ theo đúng các hướng dẫn của bác sĩ, vai phải của bệnh nhân T. hoạt động lại bình thường như trước.
Các bác sĩ đang thực hiện một ca tái tạo dây chằng quạ đòn
Bệnh nhân Trần Hoàng L. (40 tuổi) trú tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh nhập viện trong tình trạng đau nhiều ở vai trái, cử động khó khăn. Theo lời của bệnh nhân L., 6 tháng trước bệnh nhân bị té ngã khi đang làm vườn, cứ nghĩ bị trật khớp bình thường nên bệnh nhân đến thầy lang để nắn và bó thuốc. Sau thời gian điều trị thấy không hiệu quả, tình trạng đau nhức vẫn kéo dài và nặng thêm, bệnh nhân mới nhập viện. Qua kiểm tra, các bác sĩ của BV phát hiện bệnh nhân L. bị trật khớp cùng đòn và đứt hoàn toàn dây chằng quạ đòn vai trái. Bệnh nhân L. được chỉ định điều trị bằng phương pháp trên. Sau phẫu thuật, bệnh nhân L. được hướng dẫn tập vật lý trị liệu theo từng giai đoạn. Qua 4 tháng điều trị, tay phải của bệnh nhân hoạt động trở lại bình thường.
Bác sĩ Phạm Văn Toàn - Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình, BVĐKKV Cam Ranh cho biết, trật khớp cùng đòn là một bệnh lý do chấn thương gây ra, chiếm phần nhiều là do tai nạn giao thông, chơi thể thao.... Hậu quả làm giãn hoặc đứt hoàn toàn dây chằng quạ đòn có hoặc không có gãy kèm đầu ngoài xương đòn. Bệnh lý này nếu không được điều trị đúng, sẽ để lại các di chứng như: đau khớp cùng đòn, hạn chế vận động khớp vai, dễ bị trật lại khớp...
Ở bệnh lý này, đối với những bệnh nhân bị trật khớp nhẹ (độ I, II) thường được điều trị bảo tồn (bó thuốc, bó bột, băng dính cố định, mang đai xương đòn, đai Desault); những trường hợp trật khớp nặng (độ 3) phải tiến hành phẫu thuật mới điều trị triệt để. Hiện nay, có 3 phương pháp phẫu thuật được áp dụng: cố định khớp cùng đòn không tái tạo dây chằng; tái tạo dây chằng quạ đòn từ dây chằng quạ cùng; hoặc cố định khớp cùng đòn đồng thời tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân.
Tại BVĐKKV Cam Ranh, trước kia đối với những bệnh lý này thường được áp dụng phương pháp mổ cố định khớp cùng đòn không tái tạo dây chằng. Kết quả sau mổ đạt không cao, đa số bệnh nhân bị trật lại nếu có những vận động mạnh (nhiều bệnh viện khác cũng cho kết quả tương tự). Nguyên nhân là do dây chằng quạ đòn (có chức năng giữ xương đòn ở vị trí khỏi trật) bị dứt chưa được phục hồi. Đây là nhược điểm lớn của phương pháp này.
Bác sĩ Phạm Văn Toàn cho biết thêm: "Năm 2008, sau khi nắm được thông tin Bệnh viện Đại Học Y Dược (TP. Hồ Chí Minh) đã triển khai điều trị thành công bệnh lý trật khớp cùng đòn bằng phương pháp nắn mổ có tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân cơ gan tay dài hoặc gân cơ mác dài (ở mắt cá chân) với kết quả 95,8% bệnh nhân sau phẫu thuật không bị trật khớp lại, BV đã cử người vào TP. Hồ Chí Minh để học. Từ tháng 10/2010, BV áp dụng phương pháp trên và điều trị cho 50 bệnh nhân mới đứt hoặc đứt lâu dây chằng quạ đòn. Kết quả, hơn 95% bệnh nhân không bị trật lại khớp sau mổ".
Ở phương pháp này, bệnh nhân sẽ được nắn, cố định khớp cùng đòn bằng 2 đinh Kirschner và chỉ thép. Đồng thời, tái tạo dây chằng quạ đòn bằng cách dùng gân cơ gan tay dài cùng bên luồn qua 2 đường hầm đã tạo từ mỏm quạ lên xương đòn, kéo căng và cố định gân bằng chỉ Daflon. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu phù hợp trong từng giai đoạn. Ưu điểm của phương pháp này là gân liền với xương sau 6 tuần, nhờ có dây chằng tái tạo giữ khớp nên bệnh nhân được vận động sớm. Riêng đối với gân cơ gan tay dài (dùng tái tạo dây chằng quạ đòn) chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ 1 phần trong gấp cổ tay nên nếu có cắt cũng không làm ảnh hưởng đến các chức năng ở tay.
Bác sĩ Toàn chia sẻ, trong 50 ca, chỉ có 2 ca bị tuột đinh phải làm lại. Nguyên nhân là do người bệnh thực hiện không đúng hướng dẫn của bác sĩ, cử động nặng quá sớm sau mổ. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật lại, 2 bệnh nhân đã phục hồi tốt các chức năng vận động ở vai.
Hiện nay ở Khánh Hòa, phương pháp này chỉ mới được triển khai tại BVĐKKV Cam Ranh.
Hoàng Bá
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/khanh-hoa-thanh-cong-voi-phuong-phap-tai-tao-day-chang-qua-don-bang-gan-tu-than-16343.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.