Những ngày này, nhân viên các trạm y tế ở huyện Cam Lâm, nhất là những vùng bị ngập lụt do cơn bão số 9 gây ra tiến hành cấp phát Cloramin B cho những hộ gia đình có giếng nước để khử khuẩn. Y sĩ Bùi Văn Dung – phụ trách mảng nước sạch, vệ sinh môi trường Trạm Y tế xã Cam Tân cho hay, toàn xã có gần 2.500 hộ, đợt mưa lũ vừa qua khoảng 40% hộ bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 200 giếng nước bị ngập. Ngay sau khi nước lũ rút, trạm phối hợp với y tế thôn bản và các phó, trưởng thôn đi khử khuẩn các giếng nước, vừa cấp phát Cloramin B hướng dẫn bà con tự thực hiện tại nhà. Đồng thời, thông báo trên loa truyền thanh hướng dẫn các hộ có giếng nước bị ngập tới tại trạm y tế để nhận hoá chất khử khuẩn. Đến nay, trạm đã cấp phát 10kg Cloramin B, tiếp tục nhận thêm 5 kg từ Trung tâm Y tế huyện. Tại trạm đang dự trữ 6 cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh, số cơ thuốc này được trạm dùng điều trị các bệnh dễ phát sinh sau mưa lũ. “Sau 2 cơn mưa lũ, từ ngày 18 đến nay, số ca bị tiêu chảy nhập trạm y tế để điều trị khoảng 10 ca, tăng gấp 3 lần so với những ngày trước đó. Hầu hết các ca bị nhẹ, đều được điều trị khỏi” – y sỹ Dung cho biết.
Nhân viên y tế đang xử lý giếng nước cho người dân huyện Diên Khánh.
Nhận gói Cloramin B từ tay cán bộ y tế, chị Nguyễn Thị Trúc Hân – thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm kể, qua 2 đợt mưa lũ, nhà và giếng nước của gia đình chị đều bị ngập. Chị Hân chia sẻ: “Trước đợt mưa lũ, nhân viên trạm y tế đã cấp phát Cloramin B cho gia đình và hướng dẫn cách phòng bệnh. Sau khi nước rút, gia đình theo hướng dẫn của trạm Y tế đã khử khuẩn và chỉ dùng nước giếng cho sinh hoạt, riêng nước nấu ăn và uống thì gia đình mua các bình nước sạch về dùng”.
Tương tự, xã Diên An, huyện Diên Khánh có hàng trăm giếng nước bị ngập. Ngay sau khi nước ở những vùng bị ngập lụt rút tới đâu, nhân viên trạm y tế xã, y tế thôn bản xuống ngay các hộ dân ở đó để thực hiện khử khuẩn; đồng thời hướng dẫn và cấp phát Cloramin B dạng viên và bột cho các hộ còn bị ngập nước. Theo nhân viên phụ trách mảng nước sạch vệ sinh môi trường Trạm Y tế xã Diên An, trước đợt mưa lũ, trạm đã được cấp 2.000 viên Cloramin B, cùng với 10 kg Cloramin B bột dự trữ trước đó, lượng hoá chất này đủ để xử lý các giếng nước bị ngập toàn xã.
Ngoài các hoạt động trên, các đội Y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, ra quân diệt lăng quăng ở một số nơi. Những ngày qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa thành lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát, các hoạt động trên ở các trạm y tế; đồng thời tiến hành giám sát nguồn nước ở các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, tất các nguồn nước máy đều đạt chỉ tiêu.
Theo số liệu từ các địa phương, đợt mưa lũ vừa qua toàn tỉnh có hơn 2.880 giếng nước bị ngập, trong đó, huyện Cam Lâm có số giếng nước bị ngập nhiều nhất gần 1.240 giếng, kế đến huyện Diên Khánh với 1.170 giếng, TP.Nha Trang 384 giếng... Đến nay, các địa phương đã tiến hành khử khuẩn hơn 50% số giếng bị ngập. Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Để chủ động và hạn chế dịch bệnh phát sinh sau bão lũ, trong tháng 10, trung tâm đã tiến hành tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ y tế ở trên toàn tỉnh về cách thức xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt, cách phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa… Đồng thời, cấp phát cho các huyện, thị, thành phố hơn 1.620 lít hoá chất diệt côn trùng; 800 chai diệt ấu trùng muỗi; gần 900 kg và 1.100 viên Cloramin B; 50 kg phèn chua; 16.000 viên làm sạch nước, 3.750 cục xà phòng Lifebuoy… Hiện nay, số lượng hoá chất, vật tư, cơ số thuốc trung tâm đang dự trữ đủ và dư cho công tác phòng, chống lụt bão từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, trung tâm vừa được Bộ Y tế cấp 40 cơ số thuốc, 500.000 viên Cloramin B và 200 phao cứu sinh các loại”.
Giám sát nguồn nước ở Nhà máy nước Võ Cạnh, TP.Nha Trang
Được biết, sau lũ lụt, có rất nhiều yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh tật. Theo đó, các nhóm bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng bão lụt như: nấm kẽ chân, nấm móng, viêm kẽ ngón tay, ngón chân, mẩn ngứa, viêm da…; viêm gan vi rút A, E, một số bệnh như: đau mắt đỏ, viêm tai giữa nhiễm khuẩn, tay chân miệng. Ngoài ra, nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm sau bão lụt tạo điều kiện cho muỗi và vi rút sinh sôi nảy nở gây bệnh sốt xuất huyết, sốt do vi rút, sốt rét… cho người. Đặc biệt, do sức đề kháng yếu, trẻ em dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa như: tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn. Vì thế, để phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt, người dân cần tuân thủ việc ăn chín, uống sôi; không tắm rửa ở ao hồ, sông ngòi và có thể chủ động tiêm vắc xin dự phòng một số bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao.
Vũ Nghĩa
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/khanh-hoa-chu-dong-phong-chong-dich-benh-sau-mua-lu-16618.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.