Làm vườn là sở thích giúp sống tới 100 tuổi ?

SK&MT - Ai cũng biết rằng để sống thọ hơn, làm vườn là cách dễ dàng để đạt điều này. Một loạt nghiên cứu xác nhận điều này và dẫn đến những lợi ích sức khỏe thể chất và tinh thần của việc làm vườn. Không có thuốc chống già, nhưng khoa học cho thấy, việc làm vườn có vẻ cải thiện chất lượng cuộc sống khi về già.

Trong một nghiên cứu gần đây của Hà Lan, các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia hoàn thành một nhiệm vụ căng thẳng, sau đó chia họ thành hai nhóm. Một nhóm đọc sách trong nhà và nhóm kia làm vườn ngoài trời trong 30 phút. Nhóm đọc sách báo cáo rằng tâm trạng của họ xấu đi, trong khi nhóm làm vườn không những có mức độ cortisol hormone căng thẳng giảm xuống, mà tâm trạng được hồi phục hoàn toàn.

Làm vườn là sở thích giúp sống tới 100 tuổi ?

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Australia theo dõi những đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi trên 60, phát hiện ra rằng những người thường xuyên làm vườn có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn 36% so với những người không làm vườn.

Và các nghiên cứu sơ bộ ở những người cao tuổi mắc các chứng về nhận thức (như mất trí và Alzheimer) cho thấy lợi ích của việc làm vườn và liệu pháp của việc trồng hoa quả. Thí dụ ánh sáng mặt trời và không khí trong lành giúp những người già cảm thấy bình tĩnh hơn, trong khi màu sắc và bề mặt của các loại thực vật và rau quả khác nhau có thể cải thiện khả năng thị giác và xúc giác.

Tác động không chỉ về sức khỏe: lợi ích xã hội của việc làm vườn cũng có thể làm tăng tuổi thọ. Tiến sĩ Bradley Willcox ở Đại học Hawaii (Mỹ) đang nghiên cứu về người trăm tuổi ở Okinawa, nơi có tỷ lệ người sống trăm tuổi cao nhất thế giới, khoảng 50 trên 100.000 người. Nhiều người vẫn duy trì vườn nhỏ cá nhân khi đã rất già. Ông nói rằng việc làm vườn giúp ta các yếu tố thiết yếu khác làm tăng tuổi thọ. “Ở Okinawa, người ta nói rằng bất cứ người già nào đều cần một ikigai, tức lý do để sống. Làm vườn cho bạn cái lý do để thức dậy hàng ngày”.

Willcox giải thích rằng: Trên hết, người Okinawa đánh giá cao khái niệm về yuimaru, tức mức độ cao về kết nối xã hội. "Tụ tập nhau ở khu chợ địa phương, mang sản phẩm đến và chia sẻ những sáng tạo mới nhất ở vườn nhà mình là một hoạt động lớn về xã hội", ông nói. Điều đó chắc chắn giúp người ta cảm thấy mình vững vàng và có quan hệ kết nối.

Cảm giác kết nối với người khác là rất quan trọng, kết nối cá nhân với thiên nhiên cũng vậy. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy những người được bao quanh bởi cây cối xanh tươi thì sống lâu hơn, ít có nguy cơ bị ung thư hoặc bệnh về hô hấp.

Các bác sĩ ở Scotland hiện có thể kê đơn đi bộ trong thiên nhiên để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, kể cả giảm huyết áp và lo lắng, và để cải thiện hạnh phúc tổng thể. Việc làm vườn - ngay cả trên một mảnh đất nhỏ ở đô thị - là một cách đơn giản để đưa thiên nhiên vào cuộc sống hàng ngày của bạn.

Cuối cùng, cũng có một thành phần về chế độ ăn để kéo dài tuổi thọ mà việc làm vườn có thể giúp ta. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ giữa "chế độ ăn uống Địa Trung Hải" - nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu&hạt, cá và dầu ô liu – với quá trình lão hóa chậm.

Tiến sĩ Willcox cho biết nguyên tắc cơ bản của việc ăn nhiều rau tươi, tốt nhất là từ các khu vườn và chợ địa phương, là rất quan trọng đối với tuổi thọ, cho dù chế độ ăn có theo kiểu Địa Trung Hải hay không. Ví dụ, ở Okinawa, hầu hết mọi người trồng các loại rau quả như mướp đắng và khoai lang trong vườn. "Khi bạn ăn rau do mình tự trồng thì mọi thứ thay đổi - nó ngon hơn và điều đó thực sự tạo ra sự khác biệt về chất lượng sức khỏe (vitamin, khoáng chất, hợp chất hoạt tính v.v.) của chính thực phẩm này.

Nếu làm vườn là tốt, liệu canh tác nông nghiệp có tốt hơn không? Nhiều yếu tố trong lối sống liên quan đến tuổi thọ - như sống ở nông thôn và hoạt động thể lực nhiều - cũng áp dụng với nông dân.

Một số bằng chứng cho thấy làm nông nghiệp là một trong những nghề lành mạnh nhất. Một nghiên cứu của Australia cho thấy nông dân bị mắc bệnh mãn tính ít hơn 1/3, và khả năng phải đến bác sĩ ít hơn 40% so với những người lao động phi nông nghiệp. Các nhà nghiên cứu Mỹ đã so sánh tỷ lệ tử vong ở nông dân so với tỷ lệ ấy của dân số chung và nhận thấy nông dân ít có khả năng tử vong vì ung thư, bệnh tim hoặc tiểu đường. Và các nghiên cứu ở Thụy Điển và Pháp cũng cho thấy người nông dân khỏe hơn những người không phải nông dân.

Tiến sĩ Masahiko Gemma của Đại học Waseda ở Tokyo (Nhật Bản) đã nghiên cứu những người nông dân tự canh tác ở tỉnh Saitama, có tuổi thọ cao hơn người phi nông nghiệp, và khi già họ vẫn còn làm việc. Nhiều người là những người nông dân làm việc bán thời hoặc người hưu trí, và Gemma mô tả rằng nhiều công việc của họ giống như công việc làm vườn. Ông phát hiện ra rằng những người nông dân tự canh tác có những thay đổi đáng kể và tốt về sức khỏe và tâm lý trước và sau khi tham gia vào những hoạt động canh tác nhẹ.

Will Willcox nói: "Tôi dùng hình ảnh cái ghế để ví von. Ăn kiêng, hoạt động thể chất, hoạt động về tinh thần và kết nối xã hội là bốn cái chân. Nếu bạn không có một trong số chân đó thì bạn mất cân bằng, và nó có thể rút ngắn tuổi thọ của bạn. Tuổi thọ cao không phải chỉ có một yếu tố- đó là đừng làm việc quá vất để làm sao có thể phân đều cho tất cả bốn yếu tố nói trên”.

Linh Đức

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/lam-vuon-la-so-thich-giup-song-toi-100-tuoi-16692.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.