Cán bộ bộ phận một cửa xã Lãng Công, huyện Sông Lô sử dụng phần mềm điện tử để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Xác định chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ bắt buộc mà còn là cơ hội để bứt phá vươn lên, vì vậy, ngay khi được lựa chọn là địa phương thí điểm thực hiện chuyển đổi số, Đảng ủy, UBND thị trấn Tam Đảo đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, từng bước xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu này.
Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo Nguyễn Duy Dũng cho biết: “Với thế mạnh về phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), số hóa cơ sở dữ liệu du lịch và các yếu tố nền tảng phục vụ chuyển đổi số, tạo lợi thế giúp thị trấn nâng cao hiệu quả giới thiệu, quảng bá, phát triển du lịch thông minh.
Không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế số, chuyển đổi số còn góp phần nâng cao hiệu quả xã hội số, đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số".
Bước đầu thực hiện chuyển đổi số, địa phương có một số thuận lợi về hạ tầng CNTT với hệ thống mạng nội bộ đã được đầu tư đồng bộ. Từ năm 2014, toàn thị trấn được phủ sóng Wifi miễn phí phục vụ người dân và khách du lịch có khả năng phục vụ hàng chục nghìn lượt truy cập cùng lúc.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thị trấn luôn chú trọng nâng cao trình độ CNTT; tích cực sử dụng các phần mềm công vụ điện tử, hòm thư điện tử, chữ ký số…
Hiện nay, một số website, fanpage, nhóm zalo như “Người Tam Đảo”, “Review Tam Đảo”, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà thu hút đông đảo thành viên tham gia đã giúp thị trấn nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp quảng bá du lịch, dịch vụ.
Từ cuối năm 2021, lực lượng công an thị trấn tiến hành ứng dụng phần mềm khai báo quản lý lưu trú qua mạng internet, góp phần giảm bớt giấy tờ hành chính và tạo thuận lợi, nâng cao sự hài lòng cho du khách khi đến du lịch, nghỉ dưỡng…
Lãng Công là xã thuần nông còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng CNTT, hệ thống viễn thông chưa được đầu tư đồng bộ; trình độ tiếp cận CNTT của người dân trên địa bàn xã còn hạn chế, song với quyết tâm thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số, mới đây, địa phương phối hợp với một số đơn vị liên quan để đánh giá và xây dựng định hướng triển khai mô hình “xã thông minh”.
Bước đầu, địa phương đã thực hiện tốt việc ứng dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh và các phần mềm hỗ trợ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền để xử lý công việc, tiếp nhận và trả lời phản ánh kiến nghị của công dân; thiết lập fanpage Lãng Công - Đất và người; các nhóm zalo, đường dây nóng để cung cấp thông tin về các hoạt động của chính quyền, quảng bá hình ảnh, các nét văn hóa đặc trưng của địa phương; phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, chăm sóc F0 tại nhà.
Từ năm 2020, Lãng Công cũng là địa phương được lắp đặt thí điểm hệ thống truyền thanh thông minh. Trong năm 2021, UBND xã chủ động nâng cấp hệ thống mạng LAN nội bộ cơ quan, bổ sung máy tính, máy in, máy scan, máy photo coppy phục vụ hoạt động công vụ.
Phần lớn các điểm, đại lý, cửa hàng, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn xã hiện đã chủ động tạo mã QR code để khai báo y tế và phục vụ giao dịch hằng ngày. Cán bộ Trạm Y tế xã tích cực tư vấn chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn người dân khai báo y tế qua điện thoại và các phần mềm thông minh…
Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Công Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, địa phương sẽ tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số; khuyến khích học sinh các cấp trên địa bàn xã tiếp cận internet, kho học liệu trực tuyến, thư viện số; vận động bà con nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo thói quen giao dịch thương mại điện tử…".
Cùng với thị trấn Tam Đảo và xã Lãng Công, 2 địa phương còn lại được lựa chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số là thị trấn Thổ Tang và xã Hướng Đạo cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác này.
Nhìn chung, cùng với những thuận lợi và nền tảng sẵn có, các địa phương cần tiếp tục được quan tâm, tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất để thực hiện hiệu quả việc nắm bắt, tiếp cận và xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, phát triển các dịch vụ thông minh, kinh tế số theo định hướng của tỉnh.
Thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục phối hợp với 4 địa phương để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về chuyển đổi số, phấn đấu thực hiện thành công mô hình trong năm 2022. Từ đó, tạo nền tảng để nhân rộng mô hình ra tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đảm bảo tính khả thi, nhanh, thiết thực và hiệu quả.
NGỌC ÁNH
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/chuyen-doi-so-co-hoi-de-cac-dia-phuong-but-pha-169.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.