Nối thành công các ngón tay bị đứt gần lìa do tai nạn lao động

SK&MT - Trong khi làm việc, anh Bùi Thanh Nh. (sinh 1977) ngụ tai xã Cam Lập, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) bị lưỡi cưa gỗ máy cắt vào bàn tay trái. Khi bị tai nạn, do có kiến thức bảo tồn phần cơ thể đứt gần lìa chi thể, nên anh Nh. đã tự garô tay trái cũng như bảo quản các ngón tay bị đứt.

Anh Bùi Thanh Nh. được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa lúc 15 giờ 00 ngày 5/9/2019, trong tình trạng dấu hiệu sinh tồn ổn định. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán: Vết thương đứt gần lìa ngón 2, 3 và đứt gân gấp nông sâu các ngón 4, 5 tay trái do tai nạn lao động. Sau 3 giờ vi phẫu nối động mạch gân ngón chung các ngón tay 2, 3, 4 khâu nối các gân gấp sâu bị đứt, cố định xương gãy. Kiểm tra các ngón tay hồng, miệng nối động mạch thông tốt

Lãnh đạo khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng (BVĐK tỉnh Khánh Hòa) cho biết: Vừa qua bác sĩ CK1. Trần Ngọc Khanh đã khâu nối các ngón tay thành công, giúp phục hồi lại khả năng lao động cho bệnh nhân Bùi Thanh Nh. Sau mổ bàn tay trái được thay băng, chăm sóc sưởi đèn. Đến sáng ngày 11/9/2019 bệnh nhân Nh. được xuất viện.

Nối thành công các ngón tay bị đứt gần lìa do tai nạn lao động

Theo bác sĩ CK1. Trần Ngọc Khanh: Để giúp bác sĩ thành công trong phẫu thuật nối lại chi thể cho bệnh nhân, thì việc bảo quản phần đứt lìa hoặc gần lìa khi xảy ra tai nạn rất quan trọng. Đối với bệnh nhân cần làm ngay, như: Rửa vết thương bằng nước chín nguội hoặc nước muối sinh lý 0,9%, sau đó băng vết thương bằng vải sạch hay gạc vô trùng rồi chuyển lên cơ sở y tế gần nhất, hoặc nơi có phẫu thuật nối chi. Đối với tai nạn đứt lìa ngón thì chỉ cần băng ép lên vết thương. Nếu đứt lìa bàn tay bàn chân thì cần làm thêm garô để tránh chảy máu. Chú ý cứ 1 giờ nới garô 5 phút nếu di chuyển đoạn đường dài. Đối với phần chi đứt lìa, bệnh nhân cần chú ý: Cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước chín nguội. Không được rửa bằng xà phòng hay hóa chất; Quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào một túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại. Không để phần chi đứt lìa tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh; Đặt túi vào thùng đá lạnh hoặc đơn giản có thể cho túi vào túi đá lạnh khác. Chuyển tất cả theo bệnh nhân.

Còn đối với phần chi đứt gần lìa, nên thực hiện các bước sau: Rửa phần chi đứt và băng chung với vết thương; Đặt các túi nhựa nhỏ chứa đá lạnh lên phần đứt gần lìa khi chuyển viện; Chuyển viện thật nhanh để việc khâu nối có cơ hội thành công, bác sĩ CK1. Trần Ngọc Khanh chia sẻ.

X.B

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/noi-thanh-cong-cac-ngon-tay-bi-dut-gan-lia-do-tai-nan-lao-dong-16919.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.