Bác sỹ - Nghề cứu người nhưng không có phao cứu mình

(Suckhoemoitruong.com.vn) - Bảo hiểm nghề nghiệp ở nước ta đã và đang được toàn xã hội quan tâm. Ngoài tính tương hỗ khi rủi ro xảy ra, nó còn tác động giảm bớt nỗi đau, mất mát của những người không may mắn giữa người làm nghề với người sử dụng dịch vụ nghề, nhất là đối với những nghề nghiệp mang tính nhạy cảm và rủi ro cao.


Bác sỹ vẫn luôn là một nghề cao quý


Bảo hiểm trách nghiệm nghề nghiệp mục đích là bảo hiểm cho người được bảo hiểm, là chuyên gia một số nghề nghiệp nhất định như: chuyên viên kế toán, tư vấn pháp luật, kiến trúc sư, giám định viên, môi giới chứng khoán, bác sỹ, người hành nghề y hoặc các tổ chức nghề nghiệp. Như vậy, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được công ty bảo hiểm bồi thường cho các trách nhiệm pháp lý đối với bên thứ 3, phát sinh từ bản chất nghề nghiệp của người được bảo hiểm hoặc nhân viên của họ dẫn đến tổn thất cho khách hàng (người được bảo hiểm hoặc người nhân viên của người được bảo hiểm đã không thực hiện kỹ năng và sự cẩn trọng cần thiết trong khi thao tác nghiệp vụ hoặc cung cấp dịch vụ mà các quy định nghề nghiệp yêu cầu dẫn đến thiệt hại cho bên khác mà họ có trách nhiệm bồi thường theo pháp luật).

+ Ví dụ trách nhiệm nghề nghiệp:

- Thiết kế công trình sai gây thiệt hại tài sản hoặc thương tật về người cho bên thứ 3.

- Bác sỹ chần đoán sai bệnh, phẫu thuật nhầm bộ phận cơ thể.

- Hiện nay, theo thông tư số 13/2012/TT-BTC của Bộ tài chính ngày 7/2/2012, mới quy định bảo hiểm bắt buộc nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ.

- Ngày 14 tháng 11 năm 2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2011/NĐ – CP về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám chữa bệnh. Bảo hiểm đối với tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra bởi lỗi sơ suất, bất cẩn của người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gây ra cho người bệnh. Các trường hợp khác do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và doanh nghiệp bảo hiểm tự thỏa thuận. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám chữa bệnh áp dụng cho các đối tượng quy định tại điều 3 nghị định, bao gồm:

1. “Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh gồm:

a) Bác sỹ, y sỹ.

b) Điều dưỡng viên.

c) Hộ sinh viên.

d) Kỹ thuật viên.

đ) Lương y.

e) Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

2. “Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” là người hành nghề trong biên chế, người hành nghề có hợp đồng lao động, người hành nghề được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mời từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác đến hỗ trợ chuyên môn.”

Tuy nhiên, nghị định này ban hành chỉ mang tính tự nguyện đối với các cơ sở khám chữa bệnh.

- Với nghề công chứng viên: Bộ tư pháp chỉ đạo các công chứng viên hành nghề tại các phòng công chứng, văn phòng công chứng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Số tiền bảo hiểm rất cao từ 3 tỷ đến 6 tỷ đồng.

- Bảo hiểm hành khách di chuyển bằng tàu bay là điều khoản bắt buộc phải thực hiện đối với hãng vận chuyển hàng không.

Phạm vi bảo hiểm do các Công ty bảo hiểm xây dựng. Có rất nhiều khác biệt trong quy định cụ thể của các loại sản phẩm đó, tuy nhiên cũng có một vài điểm chung rất cơ bản, đó là:

Thông thường, bảo hiểm có giới hạn cho người được bảo hiểm trách nhiệm bồi thường theo luật đối với thiệt hại về tài sản hoặc tính mạng sức khỏe của bên thứ ba và chi phí pháp lý liên quan.

Cơ sở xác định trách nhiệm bảo hiểm:

+ Phải là hành động bất cẩn, lỗi hay sai sót

+ Phải xẩy ra trong khi cung cấp dịch vụ chuyên môn

+ Phải hành động trong phạm vi ranh giới của nghề chuyên môn nêu trong giấy yêu cầu bảo hiểm

+ Phải xuất phát từ một bên thứ ba không liên quan

+ Trên cơ sở khiếu nại phát sinh

+ Trong thời hạn hồi tố

* Với những giao dịch dân sự mà số tiền bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp lên đến 6 tỷ đồng nhưng với người bị chết khi chữa bệnh do bác sỹ bất cẩn lại không được nhận một xu nào?

Đối với nghề thầy thuốc hiện nay, nước ta có hàng vạn y, bác sỹ, lương y hành nghề trực tiếp hàng ngày khám, chữa bệnh cho nhân dân dưới nhiều hình thức như: Hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế công lập, hệ thống phòng khám, phòng mạch, phòng khám tư nhân, trung tâm y tế dân lập, v…v…Nhưng chưa có thầy thuốc nào tham gia mua bảo hiểm nghề nghiệp. Đây là một lỗ hổng trong quá trình quản lý. Khi rủi ro xảy ra trong tình huống bất ngờ khác nhau mà người thầy thuốc không thể lường hết được cho dù chuyên môn, tay nghề rất cao, thiết bị, máy móc, khoa học công nghệ hiện đại nhưng cũng không thể kiểm soát được bởi những yếu tố ngoài khả năng của con người. Ví dụ: Người bệnh do đã bị những tác động cơ giới (còn gọi là ngoại phong) hay do cơ địa, dị tật bẩm sinh hoặc những tổn thương nội tại bên trong (hay còn gọi là nội phong) gây nên những chứng, bệnh lý khi bác sỹ đang can thiệp y học một bệnh lý khác như: Sản phụ bị chảy máu trong sau khi sinh đẻ, dị ứng thuốc chậm, bệnh tăng huyết áp đột ngột không rõ nguyên nhân hoặc tăng huyết áp làm suy tim, suy thận, nhồi máu não, say kim khi châm cứu, v…v…

Qua trao đổi với một số bác sỹ đang hành nghề trực tiếp tại các bệnh viện, các bác sỹ đều cho rằng: nếu chúng tôi có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, trong tình huống cụ thể ngoài khả năng, chúng tôi có trách nhiệm với người bệnh đến cùng chứ không phải chần chừ vì đã có bảo hiểm hay không có bảo hiểm. Chúng tôi không phải quá lo lắng, sợ hãi và cô độc như hiện nay trước cái chết do rủi ro nghề nghiệp. Ví dụ: Một sản phụ sau khi sinh đẻ bị chảy máu trong, chúng tôi có thể can thiệp về y học tất cả những gì đã có để mục đích cứu sống người bệnh. Việc can thiệp y học không đem lại kết quả sẽ nhận được sự chia sẻ của gia đình người bệnh và xã hội.

Tất cả những rủi ro xảy ra do tổn thương thứ phát hoặc biến chứng của người bệnh gặp phải đều đổ ập lên đầu bác sỹ, và người thầy thuốc phải gánh chịu trách nhiệm, gây nên những thông tin xấu, quan điểm trái chiều không tốt trong dư luận, thậm chí người nhà bệnh nhân bức xúc lăng mạ, đánh đập và giết chết bác sỹ. Những năm gần đây, số vụ việc gặp rủi ro trong khám chữa bệnh tăng lên đáng kể. Trong bài viết này, tác giả không có ý định bàn luận về y đức mà chỉ nhìn góc độ pháp lý, mong các cơ quan Nhà nước, nhất là Bộ y tế nên có chương trình tham gia mua bảo hiểm nghề nghiệp cho đội ngũ thầy thuốc và coi đây là điều kiện bắt buộc khi hành nghề khám, chữa bệnh của thầy thuốc. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là điều kiện cần để xây dựng niềm tin trong nhân dân, người bệnh khi họ có những vấn đề về sức khoẻ khác nhau cần đến bàn tay của người bác sỹ, người hành nghề y. Nó là một nhân tố cần được xây dựng và vun đắp, để góp phần quyết định sự phát triển ngành y học hiện nay.

Luật sư Huấn

Theo Sức Khỏe Cộng Đồng

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/bac-sy-nghe-cuu-nguoi-nhung-khong-co-phao-cuu-minh-17926.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.