Tại hội nghị Tổng kết hoạt động chương trình phòng, chống lao năm 2013 và phương hướng hoạt động năm 2014 được Bộ Y tế tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đức Chính cho biết nhu cầu ngân sách để mua một năm thuốc chống lao cho khoảng 100.000 bệnh nhân lao phát hiện và điều trị hàng năm là khoảng 117 tỷ đồng. Kinh phí phòng, chống lao phân bổ về cho các địa phương giảm chỉ còn 30% của năm trước, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động chống lao tại các địa phương. Nếu năm 2015 CTCLQG được đưa ra ngoài Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế thì nguy cơ tái phát bệnh lao trong cộng đồng rất lớn. Người bệnh phải dừng điều trị do thiếu thuốc sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, đa kháng thuốc rất cao. Trong khi đó, mục tiêu của CTCLQG đến năm 2015 sẽ giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2000 (từ 375/100.000 dân xuống còn 187/100.000 dân) xa hơn là chung tay vì Việt Nam không có bệnh lao. Đây thực sự là khó khăn đối với những cán bộ thực hiện CTCLQG.
![]() |
Bác sĩ Bệnh viện lao và phổi Bình Định khám cho bệnh nhân lao. Ảnh: Thùy Giang. |
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, kiểm soát bệnh lao là một trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng thế giới, đó là vào năm 2015 giảm 50% số mắc và tử vong do lao so với năm 2000. Qua phân tích hiện tại, chương trình cần phải có đầu tư và chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để vượt qua các khó khăn, thách thức thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu MDGs về phòng, chống bệnh lao. Để thực hiện được, CTCLQG đang đứng trước các khó khăn, thách thức chủ yếu là dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, một số lượng lớn ca bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, tiếp tục là nguồn lây; lao đa kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp do sự gia tăng của y tế tư nhân thực hành điều trị chưa đạt chuẩn, diện bao phủ dịch vụ kiểm soát lao kháng thuốc còn thấp (25% năm 2013), nguồn lực cho lao đa kháng thuốc hoàn toàn từ ngân sách viện trợ; đại dịch HIV, tuy bước đầu đã được khống chế nhưng số ca nhiễm HIV tích lũy tiếp tục tăng lên và đến lúc có nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội xuất hiện mà lao là bệnh phổ biến nhất ở người nhiễm HIV, chẩn đoán lao/HIV còn khó khăn, kết quả điều trị lao/HIV còn chưa cao do tỷ lệ được điều trị ARV còn thấp.
Đặc biệt, thách thức rất lớn về nguồn lực do sự giảm nhanh nguồn viện trợ quốc tế trong những năm tiếp theo đối với các nước có thu nhập trung bình và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, nếu không có các giải pháp đầu tư đột phá từ chính phủ về nhân lực và tài chính sẽ không giải quyết được vấn đề bệnh lao.
Triển khai mạnh phác đồ điều trị mới
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hiện nay trên cả nước đang triển khai phác đồ điều trị mới, rút ngắn thời gian điều trị còn 6 tháng. Việt Nam là nước áp dụng đầu tiên thuốc chống lao mới cho các trường hợp lao tiền siêu kháng thuốc vào năm 2014. Hiện có 2 loại thuốc chống lao mới được phê duyệt. Hứa hẹn đủ thuốc mới sẽ có phác đồ hoàn toàn mới, sẽ không còn khái niệm kháng các thuốc hiện tại nữa mà có thể áp dụng phác đồ mới không cần xét nghiệm kháng sinh đồ ngay lúc phát hiện. Có như vậy việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có tình trạng bệnh lao nặng nề nhất trên thế giới, trung bình 1 giờ có 2 người chết vì bệnh lao. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 130.000 người mới mắc bệnh lao và chúng ta mới chỉ phát hiện được 100.000 người. Ước tính mỗi năm có khoảng 18.000 người chết vì lao, khoảng 8000 người vừa mắc bệnh lao vừa nhiễm HIV, khoảng 6000 người mắc lao đa kháng thuốc. Trong khi bệnh lao có thể điều trị khỏi nếu người bệnh được điều trị kịp thời theo quy trình điều trị của bác sĩ.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của công tác phòng, chống lao là sự kỳ thị, định kiến bệnh lao của người dân còn lớn khiến cho bệnh nhân lao giấu bệnh, tự chạy chữa, bệnh càng nặng, khả năng lây chéo ra cộng đồng là rất lớn. Bệnh lao là bệnh của toàn xã hội, không phải của riêng ai, vì vậy “giúp một người chữa khỏi bệnh lao là giảm nguy cơ mắc lao cho chính mình”, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung khẳng định.
Theo QĐND
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/thuoc-chong-lao-se-het-vao-thang-6-2014-18248.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.