(SK&MT) - Nước bẩn vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 5000 người chết vì bệnh tật phát tán từ nguồn nước bẩn và hiện có tới 3 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận nguồn nước an toàn cho sức khỏe. LHQ dự báo đến năm 2025, sẽ có khoảng 1,8 tỷ người sống tại các quốc gia hoặc khu vực "hoàn toàn khan hiếm nước" và 2/3 dân số sông trong điều kiện căng thẳng về nguồn cung nước.
Báo cáo của tổ chức từ thiện quốc tế Water Aid công bố ngày 22/3, cho thấy Ấn Độ là quốc gia có số người không được tiếp cận nguồn nước sạch cao nhất thế giới, có tới 75,8 triệu người Ấn Độ, chiếm 5% trên tổng dân số 1,25 tỷ người của nước này, buộc phải mua nước với giá cao hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Trung Quốc cũng có 63 triệu người không được tiếp cận nước sạch.
Nước bẩn và điều kiện vệ sinh nghèo nàn đã dẫn đến bệnh đường ruột ở nhiều trẻ em, theo ước tính của LHQ, tình trạng đó khiến mỗi ngày có tới 900 trẻ em dưới năm tuổi tử vong trên khắp thế giới.
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc nhiễm trùng do thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường dẫn tới cái chết thương tâm của nhiều trẻ sơ sinh trên khắp thế giới.
Theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki- moon, nếu nhân loại không cải thiện được hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp, thế giới sẽ thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến chống đói nghèo. Với gần 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói và 800 triệu người chưa được tiếp cận nguồn nước an toàn, cộng đồng quốc tế cần hành động tích cực hơn để tăng cường các nền tảng ổn định ở các địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Thiếu nguồn nước cũng là nguyên nhân chính dẫn tới nạn đói và suy dinh dưỡng ở nhiều nơi trên thế giới.
Sự gia tăng dân số nhanh chóng của thế giới sẽ khiến nhu cầu sử dụng nước tăng lên nhanh chóng và làm suy giảm nguồn nước ngầm. Thay đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán đang càng làm nghiêm trọng thêm tình hình hiện tại.
Khi Trái đất ngày một nóng lên, các nhà khoa học tiên đoán các vụ hạn hán sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Không phải tất cả vụ hạn hán là do biến đổi khí hậu, nhưng trong tương lai đó sẽ là nguyên nhân chính mà các nhà khoa học cảnh báo có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Tại nhiều quốc gia, việc khai thác và sử dụng một cách không hợp lý đang dẫn tới việc suy thoái tài nguyên nước, khiến người dân rơi vào tình cảnh khan hiếm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, đe dọa tới an ninh lương thực, làm gia tăng tình trạng nghèo đói và bất ổn xã hội.
Ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu không phải là lý do duy nhất để lo lắng về nguồn nước ngọt trong tương lai, điều đã được nhấn mạnh trong báo cáo của Chương trình môi trường LHQ (UNEP) năm 2015. Theo đó, sự tăng dân số trên toàn cầu đồng nghĩa với nhu cầu cao hơn cho hoạt động nông nghiệp, sử dụng nước cho tưới tiêu nhiều hơn và ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.
Theo Báo cáo Phát triển Nguồn nước 2016 của Liên hợp quốc, 3/4 việc làm trên thế giới phụ thuộc vào vấn đề nước. Tình trạng thiếu nước có thể hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Khoảng 1,5 tỷ người, chiếm 50% lực lượng lao động trên thế giới, đang làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề phụ thuộc vào nước, hầu hết là liên quan tới nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.
Các nghiên cứu cũng cho thấy đầu tư vào các dự án quy mô nhỏ sẽ mang lại cơ hội tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn. Một cơ sở hay hệ thống xử lý và cung cấp nước cho các cánh đồng lúa hay hoa màu sẽ tạo ra một tác động “cấp số nhân”, trong đó có tạo việc làm.
Linh Đức
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/3-ty-nguoi-khong-duoc-dung-nuoc-an-toan-cho-suc-khoe-19180.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.