(SK&MT) - Thời tiết đang dần chuyển mùa, mình xin giới thiệu 24 bài thuốc chữa ho từ nguyên liệu thiên nhiên, rất an toàn mà lại hiệu quả, các mẹ cùng ghi nhớ để chăm sóc gia đình nhé.
Tùy vào tình trạng bệnh và đặc điểm cơ thể mà các mẹ lựa chọn bài thuốc chữa ho phù hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất.
1. Chanh đào ngâm mật ong
- Công dụng của chanh đào ngâm mật ong các mẹ đều đã biết:
+ Vỏ chanh chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng trị ho,viêm họng, cảm cúm, hạ sốt… Ruột chanh chứa hàm lượng đáng kể acid xi-tric (khoảng 8% khối lượng khô) nên rất có tác dụng phòng trị ho, khản tiếng, khi ngâm với mật ong tăng hiệu quả trị ho hơn. Ngoài ra chanh đào chứa nhiều vitamin A, B1, B2, đặc biệt là vitamin C, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, kháng viêm, tiêu độc…
+ Mật ong có gần 200 chất như đường đơn, protein, các vitamin, muối khoáng, men có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn và bổ dưỡng cho cơ thể nên khi ngâm với chanh đào là bài thuốc công hiệu chữa các bệnh đường hô hấp.
- Cách ngâm chanh đào với mật ong rất đơn giản ai cũng có thể làm được:
Nguyên liệu:
- Chanh đào: 1 kg, loại hơi già, vỏ chanh bóng, ruột hồng. Nên lựa những quả tươi, chín vàng, mỏng vỏ. Chanh đào chín có vỏ màu vàng hanh, ruột hồng đào, rất mọng nước.
- Mật ong rừng: 1 lít.
- Đường phèn: 0,8 kg. (0,5 kg sẽ bị chua quá, các con rất khó uống)
- Bình thủy tinh có nút đậy.
- Nên có 1 chiếc vỉ nén như nén cà để cho chanh được ngập trong mật ong, không bị nổi váng.
Cách làm:
- Chanh rửa sạch, pha một ít muối với nước sôi để nguội, ngâm 30 phút rồi vớt chanh ra để thật khô. Nếu chưa đủ độ khô, lấy 1 cái khăn sạch và khô, lau kỹ từng quả chanh. Lưu ý là lúc làm, tay, thớt, dao phải thật khô không dính tẹo nước lã nào. Cắt chanh thành những miếng mỏng, ngâm cả hạt mới tốt.
- Đường phèn đập nhỏ, đổ một lớp đường vào lọ, đến một lớp chanh, 1 lớp đường, 1 lớp chanh. Cứ thế cho đến khi chanh hết. Trừ những cục đường to để cho lên trên cùng.
- Cuối cùng đổ mật ong vào. Lấy vỉ nan nén chanh xuống. Để khoảng 3 tháng sẽ dùng được.
Trong cách ngâm này mọi người cũng có thể cho chanh đào, mật ong, đường phèn vào máy xay sinh tố, xay nhỏ làm siro chanh, mật ong, đường phèn. Khi cho trẻ uống nên lọc bỏ bã cặn.
Lưu ý:
- Nên sử dụng bình thủy tinh. Mua bình to hơn lượng chanh ngâm một chút vì sau một thời gian bình sẽ lên men, nước chanh tiết ra nhiều. Cũng không nên bịt miệng bình quá chặt. Để bình ngâm ở chỗ mát (không cho vào tủ lạnh).
- Cách để nhận biết mật ong xịn là nhỏ 1 giọt mật ong lên tờ giấy. Mật ong xịn sẽ tròn vo và ko bị loang. Mật ong pha đường thì sẽ bị loang ngay sau khi nhỏ giọt.
Bài thuốc này thích hợp với nhà có con nhỏ. Mỗi sáng khi con húng hắng ho, mẹ chỉ cần lấy 1 thìa chừng 5ml cho trẻ ngậm trực tiếp hoặc hòa với nước ấm. Với trẻ dưới 1 tuổi hoặc người tiêu hóa kém nên hấp trước khi dùng.
2. Tỏi hấp mật ong
Trong tỏi có chứa allicin - một chất có khả năng tiêu diệt virus và vi khuẩn trong cơ thể, giúp long đờm, trị viêm họng, ho, cảm cúm.
Cách làm: Đập dập từ 4 – 5 nhánh tỏi, trộn đều mật ong, đem hấp cách thủy, tới khi ngửi thấy mùi tỏi hăng hắc là được (không cần để tỏi quá nhừ). Để nguội, uống 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 1 – 2 thìa cà phê. Mật ong khi hấp cùng với tỏi làm tăng tính kháng sinh tự nhiên, giảm viêm họng, tăng sức đề kháng.
Khi trẻ bị ho, pha từ 3 - 5ml với 15 - 30ml nước ấm, cho con uống 2 lần/ngày lúc sáng mới ngủ dậy và trước khi đi ngủ. Với bé từ 2 tuổi trở lên, mỗi lần chỉ pha 2 - 3ml mật ong tỏi thôi. Tỏi hấp chín ngấm mật ong sẽ có vị ngọt nên nếu bé uống và nhai được cả tỏi càng tốt, nếu không thì cứ để nguyên xác tỏi trong hũ, chắt riêng phần nước mật ong ra. Các mẹ áp dụng bài thuốc này với trẻ từ 2 tuổi trở lên vì trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ bị ngộ độc và dị ứng mật ong khá cao. Với các bé trên 1 tuổi một chút có thể cho uống với lượng nhỏ hơn 1ml/một lần với khoảng 5ml nước ấm. Không được tùy tiện áp dụng với các bé chưa từng uống hay ăn mật ong.
3. Gừng hấp mật ong
Theo Đông y, gừng tươi tác dụng vào các kinh phế, tỳ, vị, thận và đại tràng, có tác dụng làm ấm, chống lạnh, hồi dương, thông lạch. Có thể dùng gừng để chữa thổ tả, đau bụng, sình bụng, chân tay lạnh, mạch yếu, cảm lạnh, ho, thấp khớp do lạnh...
Cách làm bài thuốc này như sau:
- Cách 1: Vỏ quýt, vỏ gừng, vỏ chanh (hoặc vỏ cam) - mỗi loại từ 5-10 gr, cùng 3 trái ô mai, 30 gr mật ong. Tất cả để vào chung rồi đem chưng cách thủy lấy nước uống trong ngày.
- Cách 2: Dùng quả chanh để cả vỏ rửa sạch rồi cắt lát mỏng (độ 20 gr), nghệ vàng gọt bỏ vỏ rồi thái mỏng (20 gr), gừng tươi để cả vỏ rửa sạch cắt lát mỏng (20 gr), cùng một ít mật ong và đường phèn. Cho tất cả vào một cái thố đem chưng cách thủy để lấy nước uống trong ngày. Trường hợp ho lâu gây viêm họng, khàn tiếng dùng bài này rất hay.
- Cách 3: Một củ gừng nhỏ, rửa sạch, cho lên bếp ga nướng cho tới khi nóng cháy xém. Để nguội, lột vỏ, cắt nhỏ, giã cho ra nước, sau đó trộn một ít mật ong.
Uống nước gừng mật ong lúc còn ấm, bã gừng ngậm như mứt gừng. Có thể làm một lần để tủ lạnh, làm ấm trước khi dùng.
Đối với trẻ nhỏ: Đổ thêm nửa ly nhỏ nước sôi vào gừng vừa giã, để một lúc lâu cho gừng tan với nước, chắt bỏ bã gừng rồi hòa một chút mật ong. Nếu ho nhiều nên cho trẻ uống khoảng 2 lần ban ngày, 2 lần ban đêm.
(Còn tiếp).
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/tong-hop-cac-bai-thuoc-chua-ho-tu-nguyen-lieu-thien-nhien-phan-1-19226.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.