Trẻ hay xem phim hoạt hình bị chậm nói hơn so với những trẻ khác

SK&MT - Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Hội Nhi khoa Canada cho thấy những em bé xem phim hoạt hình trung bình 30 phút mỗi ngày sẽ dễ bị chậm nói hơn 49% so với những em bé khác.

Thời gian vừa qua, trên các diễn đàn chia sẻ về cách nuôi dạy con cái trên mạng xã hội có rất nhiều bài viết của các thành viên với thái độ băn khoăn lo lắng về tình trạng chậm nói của con mình. Trên diễn đàn web trẻ thơ, chị Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ: “Khi được 18 tháng tuổi, bé Minh nhà mình có nói được một vài từ nhưng sau đó không chịu nói. Lên hai tuổi cháu cũng không nói được từ gì có nghĩa mà cứ xì xà xì xồ bằng một ngôn ngữ chẳng ai hiểu gì cả. Mình dạy cháu nói. ví dụ như cháu muốn uống nước, cháu chi tay vào bình nước thì mình bảo: "nước" nhưng cháu không nói theo mình mà nói "bô bô cha cha". cứ như vậy cho đến gần 3 tuổi mà cháu chẳng chịu nói một cách bình thường. Lúc đó mình rất lo là cháu bị mắc hội chứng tự kỷ. cứ lo âm ỉ một mình vậy thôi, chứ chẳng dám nói ra cho ai, kể cả người trong gia đình”, chị Ngọc kể lại.

Thấy cậu con trai, gần 3 tuổi nhưng vẫn không chịu nói bình thường mà cứ xì xà xì xồ tiếng "ngoại ngữ” chị Ngọc tỏ ra vô cùng lo lắng dù chị dạy nói kiểu gì cháu nhất quyết không chịu nói theo. Sau khi kiểm tra lịch sinh hoạt của con trai chị phát hiện nguyên nhân con mình chậm nói do thường xuyên xem phim hoạt hình. “Cu Minh nhà mình rất mê xem phim hoạt hình nhất là Tom và Jerry. Muốn cho cháu ăn hoặc uống sữa thì phải mở Tom và Jerry thì cháu mới chịu ăn. Cháu mê xem tom và jerry từ khi mới được 8 tháng tuổi. Mỗi khi xem phim cháu bật cười thành tiếng. Cho đến khi lên 15 tháng tuổi, mỗi lần cho cháu ăn giúp việc nhà mình toàn phải mở Tom và jerry thì cháu mới chịu ăn. Cho đến khi 2 tuổi, thấy cháu không chịu nói mà cứ xì xà xì xồ y như tiếng Tàu nên mình nghĩ là do cháu xem quá nhiều phim”, chị Ngọc cho rằng nguyên nhân con mình chậm nói là do xem hoạt hình quá nhiều. Khi chia sẻ bài viết trên diễn đàn chị cũng mong các thành viên chia sẻ xem có trường hợp nào giống với trường hợp của con mình hay không khi ở Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu nào về hiện tượng chậm nói ở trẻ. Qua tường hợp của con mình, chị cũng mong đây là bài học dành cho những người sắp làm bố mẹ về cách nuôi dạy con cái.

Sự lo lắng của chị Ngọc không phải không có căn cứ, khi mới đây trên trang Todaysparent đã dẫn chứng một nghiên cứu khoa học Canada được thực hiện tại SickKids City, Toronto cho thấy các bộ phim hoạt hình dành cho trẻ nhỏ và trẻ đang chập chứng biết đi được thiết kế với màu sắc và bài hát hấp dẫn với trẻ em để thu hút và làm xao lãng sự chú ý của trẻ. Không có gì ngạc nhiên khi các bậc cha mẹ thường dùng phim hoạt hình để dỗ khi em bé khóc.

Những em bé thường xuyên xem hoạt hình nhiều dễ bị chậm nói hơn những em bé khác.

Nghiên cứu gồm 900 trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 năm. Có khoảng 20% số trẻ bình thường xem phim hoạt hình ít nhất 28 phút mỗi ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy những em bé xem phim hoạt hình trung bình 30 phút mỗi ngày sẽ dễ bị chậm nói hơn 49% so với những em bé khác.

Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu thuộc Hội Nhi khoa Canada khuyến cáo cha mẹ không nên thường xuyên cho con xem phim hoạt hình.

Hội này cũng khuyến cáo các hộ gia đình có con nhỏ nên cho trẻ tương tác với người thân hoặc bạn bè sẽ tốt hơn nhiều việc xem phim hoạt hình trên các thiết bị. Những ảnh hưởng xấu ở trẻ nhỏ hay xem phim hoạt hình và chơi các thiết bị sẽ lớn hơn đối với cuộc đời sau này của trẻ.

Thanh Thu

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/tre-hay-xem-phim-hoat-hinh-bi-cham-noi-hon-so-voi-nhung-tre-khac-19555.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.