Bài học về xây dựng thương hiệu ngân hàng - Môi trường văn hóa kinh doanh bị thả nổi: Techcombank “chây ì” thi hành án dân sự

(SK&MT) - LTS: Chuyện mà bấy lâu nay báo chí thường nhắc đến khi viết về những vụ ngân hàng xử lý nợ xấu, phát mại tài sản của khách hàng bằng kết quả phiên tòa dân sự.

Tuy nhiên, cũng từ kết quả của phiên tòa dân sự các cấp về xử lý tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng đã tuyên, nhưng vì lý do nào đó phía ngân hàng không thực hiện được nghĩa vụ thi hành án dân sự, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Thời gian qua, Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường nhận được đơn phản ánh về việc một khách hàng đang bị Ngân hàng Techcombank “câu giờ” không thi hành quyết định của tòa án các cấp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như quan hệ của khách hàng đối với chính Ngân hàng này.

Qua khảo sát thực tiễn, phân tích vấn đề, nhận thấy Techcombank đang có một số dấu hiệu tồn tại những vi phạm trong việc chấp hành phán quyết của tòa án các cấp, gây ảnh hưởng môi trường văn hóa kinh doanh trong hệ thống ngành ngân hàng nói chung.

Để cung cấp cho độc giả hiểu rõ về vấn đề này, Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường tiếp tục thực hiện chuyên đề “Bài học về xây dựng thương hiệu ngân hàng: Môi trường văn hóa kinh doanh bị thả nổi”. Qua đó, phân tích nghiên cứu, nhận định đánh giá chung về thực trạng trên, đồng thời đưa đến góc nhìn thực tiễn khách quan tại một số ngân hàng, làm minh chứng nổi bật cho Chuyên đề. Việc “chây ì” thi hành án dân sự” xảy ra ở Ngân hàng Techcombank là ví dụ điển hình.

Mặc dù Tòa án các cấp đã tuyên án buộc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) phải trả lại tài sản cho khách hàng, nhưng đến nay đã hơn 9 tháng trôi qua, dù các cơ quan thi hành án đã tiến hành thực hiện các thủ tục theo đúng quy định nhưng Techcombank vẫn chưa bàn giao lại tài sản cho khách hàng mà không có một lời hồi đáp.

>>> Bài liên quan:

Bài học từ xây dựng thương hiệu Ngân hàng – Bài 1: Ứng xử kiểu “xã hội đen” khi khách hàng chậm xử lý nợ

Bài học từ xây dựng thương hiệu Ngân hàng: Khi niềm tin bị đánh cắp - Bài 2: Sự “cẩu thả” trong nghiệp vụ và mối nguy

Bài học từ xây dựng thương hiệu Ngân hàng: Techcombank “ép” không cho khách trả nợ?

Tòa tuyên Techcombank phải trả tài sản

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/7/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, sau khi tiến hành các công đoạn xem xét hồ sơ, ghi nhận lời khai tại tòa của các bên có liên quan, thẩm phán chủ tọa phiên tòa là bà Trần Thanh Hà đã tuyên bố các hợp đồng thế chấp 05 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ngân hàng Techcombank mang tên ông Lưu Tiến Sơn và bà Vũ Thị Nga là vô hiệu.

Nội dung quan trọng nhất là Tòa án buộc Techcombank phải trả tài sản nêu trên cho ông Lưu Tiến Sơn và bà Vũ Thị Nga (phần tài sản do ông Đào Phước Bình đại diện theo ủy quyền).

Bài học về xây dựng thương hiệu ngân hàng - Môi trường văn hóa kinh doanh bị thả nổi: Techcombank “chây ì” thi hành án dân sự

Tòa án tuyên buộc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam phải trả lại tài sản cho khách hàng

Theo nội dung Bản án, do có nhu cầu về vốn để sản xuất kinh doanh, nên Công ty CP thép Hương Thịnh có ký hợp đồng tín dụng vay vốn với Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Bắc Giang. Hợp đồng ký ngày 19/4/2011, hạn mức vay là 100 tỷ đồng. Công ty Hương Thịnh và bên thứ 3 thế chấp các tài sản bao gồm: Dây chuyền thiết bị (là tài sản của Công ty) và nhiều thửa đất, trong đó có 5 thửa đất của ông Lưu Tiến Sơn và bà Vũ Thị Nga (là tài sản của bên thứ 3).

Đến nay do làm ăn thua lỗ Công ty Hương Thịnh không có khả năng trả nợ nên còn nợ lại Ngân hàng Techcombank 14,783 tỷ đồng.

Theo lời khai của ông Chu Văn Lương, đại diện Công ty Hương Thịnh tại Tòa, ông xác nhận số nợ gốc và nợ lãi này là đúng, đồng thời đồng ý để Ngân hàng kê biên phát mại tài sản của Công ty nhằm thanh toán số nợ nêu trên. Hiện nay, giữa Công ty và Ngân hàng đã tiến hành thi hành án kê biên phát mại tài sản đảm bảo của Công ty.

Theo lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì số tiền vay hơn 14 tỷ đồng mà Công ty nợ Ngân hàng nằm trong giới hạn Hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng và Công ty, vì Công ty thế chấp tài sản trị giá 49 tỷ đồng và được phép giải ngân lên đến hơn 24 tỷ đồng. Điều đó thể hiện Ngân hàng chưa dùng đến tài sản của bên thứ 3.

Đương nhiên, chỉ khi nào Ngân hàng giải ngân vượt quá số tiền 24 tỷ thì mới phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của bên thứ 3.

Như vậy có thể thấy rằng 5 thửa đất là tài sản đảm bảo của ông Sơn và bà Nga không được giải ngân, không liên quan đến dư nợ của Công ty Hương Thịnh.

Quyết định của Tòa án cũng thể hiện rõ nội dung này.

Mặt khác, trong tờ trình báo cáo và đề xuất phương án xử lý nợ của Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Bắc Giang ngày 26/11/2014 do ông Nguyễn Văn Miền, giám đốc Chi nhánh cũng cho rằng, 5 thửa đất của ông Sơn và bà Nga không hề liên quan đến dư nợ của Công ty Hương Thịnh. Trong tờ trình này, Chi nhánh Bắc Giang cũng đề nghị Hội đồng xử lý nợ của Ngân hàng Techcombank trả lại các tài sản đảm bảo cho ông Sơn và bà Nga.

Techcombank trốn tránh

Tòa đã tuyên, tài liệu chứng cứ cũng đã rất rõ ràng nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì, sau rất nhiều lần đi lại, trải qua các trình tự thi hành án, Ngân hàng Techcombank vẫn chưa chịu thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ông Đào Phước Bình, người được ông Sơn và bà Nga ủy quyền khẳng định: “Việc Ngân hàng Techcombank chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ không những ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng này trong mắt khách hàng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc thi hành án của Chi Cục thi hành án huyện Việt Yên (Bắc Giang) sau đó được ủy thác thi hành án cho Chi Cục thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đối với Ngân hàng Techcombank là rất khó khăn. Lý do Ngân hàng Techcombank đã nại ra nhiều lý do để không chấp hành thi hành án việc nêu trên.

Đến mức, ngày 25/11/2020 Chi Cục thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng đã ra Quyết định cưỡng chế trả giấy tờ để buộc Ngân hàng Techcombank trả lại tài sản. Ngày 03/12/2020 Cơ quan này đã thực hiện việc cưỡng chế nhưng không đạt kết quả, do phía Ngân hàng đã nại ra nhiều lý do không có căn cứ pháp luật để không thực hiện việc giao trả số giấy tờ trên, đồng thời không hợp tác và cố tình không có mặt để thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Bài học về xây dựng thương hiệu ngân hàng - Môi trường văn hóa kinh doanh bị thả nổi: Techcombank “chây ì” thi hành án dân sự

Văn bản của Chi Cục thi hành án quận Hai Bà Trưng gửi UBND huyện Yên Hưng đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Techcombank đang nắm giữ

Văn bản của Chi Cục thi hành án quận Hai Bà Trưng cũng khẳng định: Việc không thi hành án trả giấy tờ của Ngân hàng theo bản án tuyên đã vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự, xâm phạm đến quyền của người được thi hành án là ông Lưu Tiến Sơn và bà Vũ Thị Nga.

Vấn đề đặt ra là khi Bản án đã có hiệu lực, phía Ngân hàng chưa thi hành án, tổ chức cưỡng chế không có kết quả thì quyền lợi của khách hàng sẽ được xử lý như thế nào? Nguyên nhân chậm trễ trong việc bàn giao tài sản cho khách hàng khi Bản án của Tòa án các cấp đã có hiệu lực? Trách nhiệm của Ngân hàng Techcombank trong việc thực hiện Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, các Quyết định về việc thi hành án đối với Ngân hàng Techcombank? Trong các bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập những vấn đề trên, đồng thời làm rõ sự thiếu minh bạch trong việc thực hiện nghiệp vụ của Ngân hàng Techcombank với hợp đồng tín dụng này.

NHÓM PV

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/bai-hoc-ve-xay-dung-thuong-hieu-ngan-hang-moi-truong-van-hoa-kinh-doanh-bi-tha-noi-techcombank-chay-i-thi-hanh-an-dan-su-19691.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.