Gã “khùng” hai mươi năm nhặt xác người tai nạn vì chữ tâm

SK&MT - Mỗi lần chứng kiến những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra trên quốc lộ 1A, những ký ức về vụ tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của cha anh gần hai mươi năm trước cứ ùa về. Chính điều đó thôi thúc anh làm công việc mà hầu như chẳng ai muốn làm – lượm lặt thi thể của nạn nhân. Bất kể họ là ai, xảy ra ngày hay đêm, nắng hay mưa khi nghe tin có tai nạn giao thông anh đều có mặt để sống chọn với chữ tâm của mình bởi vì: “họ cũng như mình, dù có chết cũng phải được toàn thây…”, đó là anh Võ Như Hiền.

Hiền “nhặt xác”

Vừa đặt chân đến thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam cũng là lúc những cơn mưa đầu mùa ào ạt kéo đến. Chúng tôi vội chui vào một quán nước nhỏ ven đường ở ngay ngã tư Hà Lam để tránh mưa. Trong lúc chờ mưa tạnh, chúng tôi tranh thủ bắt chuyện với những người xung quanh với hi vọng mọi người ở đây ít nhiều biết về anh.

Vừa nghe chúng tôi nhắc đến cái tên Võ Như Hiền mọi người ở đây cười lớn rồi vui vẻ hỏi: “Chú hỏi thằng Hiền “nhặt xác” hả?” Thấy chúng tôi gặng hỏi thêm vì sợ nhầm lẫn, thì bác xe ôm đang đứng đón khách ở gần đó khẳng định chắc nịch: “Đúng người rồi đó chú. Thằng Hiền thì ai lạ gì, cả cái tỉnh này chí có nó là người duy nhất, ngoài nó ra không ai có gan làm công việc đó thì lấy đâu ra người thứ hai để mà nhầm”. Rồi ông vui vẻ cho biết thêm: “Ở cái tỉnh này một năm xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn thì bấy nhiều lần thằng Hiền được người khác tức tốc thông báo công an gọi đến nhờ nhặt xác, khâm niệm thi thể nạn nhân”.

Vừa nói đến đó, thì Hiền “khùng” bất ngờ xuất hiện cùng chiếc cần câu cơm của mình là chiếc xe máy cà tàng. Phải gặng hỏi mãi, anh mới ngần ngại kể về cái nghề của mình. Anh bảo lần đầu tiên mình làm công việc “có một không hai” đó từ hồi 19 hay 20 tuổi gì đó. Lần đó, khi đang đứng chờ đón hàng cho khách thì bất ngờ xảy ra tai nạn nghiêm trọng ở gần đó. Ai cũng xót xa khi chứng kiến cảnh bà cụ bị xẻ tải tông chết tại chỗ. Trong lúc mọi người gần đó chẳng ai dám lại gần thì anh Hiền lặng lẽ tiến lên nhặt nhạnh từng mảnh thi thể của người đã khuất rồi chờ cho đến khi người nhà nạn nhân đến anh mới chịu về nhà nghỉ ngơi.

Sau này nhớ lại, anh bảo lúc đó trong đầu mình nghe được tiếng ai đó thúc dục mình phải làm cái việc đó. Từ đó đến nay, cứ mỗi khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại về người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thì anh lại nhận được điện thoại lúc thì của người dân, khi thì của các đồng chí CSGT nhờ đến làm công việc có một không hai đó.

Anh Hiền lý giải nguyên nhân bén duyên với cái nghề không giống ai.

Ngót hai mươi năm làm công việc này anh cũng không nhớ hết. Nhưng vụ tai nạn xảy ra cuối năm 2012, cướp đi sinh mạng của một thai phụ cứ ám ảnh anh mãi không thể nào quên được. Lần đó, sau khi giúp người nhà nhặt nhạnh những phần thi thể cho người xấu số anh trở về nhà. Dù người mệt mỏi, nhưng anh trằn trọc hết xoay qua trái rồi qua phải mãi không ngủ được. Kiệt sức, anh nằm ốm liệt giường một tuần.

Chứng kiến cảnh đó, mọi người trong nhà cho rằng anh bị người âm theo quấy phá nên khuyên anh bỏ nghề. Nghe vậy anh lắc đầu bảo: “Mình thương cho số phận người phụ nữ xấu số đó nên trằn trọc mất ngủ thành ra kiệt sức. Chứ họ cũng như mình khi chết đi không muốn phải hổ thẹn với những linh hồn xung quanh vì hình hại dị dạng không giống như lúc mẹ cha sinh ra. Vậy thì cớ gì họ lại đi theo hại mình chứ”.

Nỗi lo ế vợ

Khi hỏi về thù lao cho mỗi lần nhặt xác, anh hiền lắc đầu bảo: “Chứng kiến cảnh người thân mình chết không toàn thây họ đau đớn vô cùng nên đâu còn đủ bình tĩnh mà để ý đến người nhặt xác như mình. Lúc tang gia bối rối, nên mình cũng cảm thông với họ. Mình làm việc này vì cái tâm của mình, phần vì muốn giúp họ, phần vì muốn để lại chút công đức cho các con các cháu mình sau này. Nhiều gia đình sau khi lo ma chay cho người thân xong tìm đến tận nhà cầm theo một số tiền lớn cảm ơn, nhưng tôi từ chối vì tiền chõng tre, hương đèn đã có CSGT chi trả cho mình. Chứ nhiều lần trong lúc nhặt xác mình phát hiện trên người nạn nhân có rất nhiều tiền vàng. Nếu làm vì tiền thì tôi có thể giấu đi cũng chẳng ai biết, nhưng lương tâm không cho phép mình làm thế”.

Ngoài “công việc” trên, thời gian còn lại để có tiền trang trải cho cuộc sống của bản thân mình anh thường nhận chở hàng hóa thuê, hoặc ai gọi đi xe ôm thì anh chở. Cuộc sống không bon chen, tranh giành với ai như cái tên mà cha mẹ đã đặt cho anh. Dù đã hơn 30 tuổi anh vẫn đi về một mình lẻ bóng. Nói về chuyện hạnh phúc riêng của mình, anh thở dài: “Mình cũng từng quen nhiều cô gái, thế nhưng cứ mỗi lần nhắc đến chuyện cưới xin thì các cô ấy đều bỏ chạy. Chắc tại mình nghèo, rồi suốt ngày dính đến chết chóc nên các cô ấy sợ không dám lại gần”.

Mưa gió cũng không cản được anh.

Thế nhưng khi chúng tôi hỏi, có bao giờ anh nghĩ đến chuyện bỏ nghề không? Anh thật thà: “Dù cái nghề này chẳng có giờ giấc cụ thể. Có nhiều đêm đang ngủ say mà nhận được tin có tai nạn tôi rất ngại đi. Nhưng nếu mình không đi, nhỡ nạn nhân sẽ bị bỏ quên bộ phận nào đó của cơ thể thì tội họ lắm. Thế là tôi lại đi dù ngoài trời đang mưa to gió lớn”. Anh Hiền vừa nói đến đây thì điện thoại của anh đổ chuông. “Lại có tai nạn nữa rồi”, vừa thở dài, anh vừa vội vã đứng lên để đến với “công việc” mà nhiều người không dám chứng kiến.

Chúng tôi xin mượn lời nói của ông Võ Như Thanh, nguyên tổ trưởng tổ 8, thị trấn Hà Lam, về anh Hiền thay lời kết: “Anh Hiền là một chàng trai có tấm lòng Bồ Tát. Anh làm công việc không ai dám làm, không mong lợi lộc cho bản thân, chỉ bằng chữ tâm. Trong vùng, người dân chúng tôi không ai không biết đến anh Hiền và gọi anh là người thanh niên dũng cảm”.

Nguyễn Cường

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ga-khung-hai-muoi-nam-nhat-xac-nguoi-tai-nan-vi-chu-tam-20393.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.