SK&MT - Dù đã 88 tuổi, Đại tá, Tiến sỹ sử học Nguyễn Văn Khoan vẫn miệt mài nghiên cứu, viết lách … về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, Đại tá, Tiến Sỹ Nguyễn Văn Khoan đã sở hữu một “kho” tư liệu hết sức quý giá về Bác Hồ và ông tham gia biên tập 3 bộ sách quý về Bác là “tiểu sử Hồ Chí Minh”, “biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh” và “Hồ Chí Minh toàn tập”.
Ở tuổi 88, Đại tá TS Nguyễn Văn Khoan vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ông tiếp tôi tại phòng khách tầng 1 và cũng là nơi làm việc và nơi nghỉ của ông.
Hỏi ông, vì sao ông say mê viết sách về Bác, Đại tá TS Khoan xúc động nói: "Tôi đi bộ đội từ năm 1949 lúc tôi 19,20 tuổi vì tôi là bộ đội cụ Hồ nên tôi rất kính trọng Bác và hứa với Bác vì nhân dân phục vụ chung với nước hiếu với dân nên tôi có ước mong tìm hiểu nhiều về Bác. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì tôi làm tin huấn, trong kháng chiến chống Mỹ tôi làm ở bộ đội thông tin thì tôi đọc được một quyển sách thấy Bác Hồ nói việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng vì chính nó quyết định sự thống nhất và bảo đảm thắng lợi thì tôi thấy hay".
Từ câu nói ấy, Bác Hồ viết cho bộ đội thông tin thì tôi tìm ra những câu nói khác của Bác và tôi thấy trên nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế,… thì lĩnh vực nào Bác cũng để lại những lời giảng rất chính xác, chân tình. Sau khi về hưu năm 1989, tôi được mời làm cộng tác viên ở Viện Mác – Lênin Hồ Chí Minh 10 năm.
Trong khoảng thời gian ấy, tôi có điều kiện để tiếp cận với các bài báo, bài viết của Bác và những sách vở ở nước trong, ngoài nước về Bác nên tôi đã tập hợp được những tư liệu ấy với tấm lòng kính yêu Bác và mong muốn truyền đạt nhưng tư tưởng, ý kiến, tác phong của Bác đến mọi người nên tôi đã viết khá nhiều sách về Bác.
TS Nguyễn Văn Khoan trọn đời dành tâm huyết nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Muốn viết được một cuốn sách về Bác, ông phải đọc hàng chục cuốn sách, bài báo có những mẩu chuyện, tư liệu về Bác Hồ chữ Việt, chữ Nga, chữ Trung Quốc và phải đi gặp các nhân chứng có những người ở tận Cao Bằng, Bắc Kạn, lại có những người ở Nghệ An, Thanh Hóa... Dù họ ở đâu, ông cũng đến tận nơi để xác minh và lấy thông tin. Những người ông tìm gặp ở đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, từ cựu chiến binh, giáo viên đến các cụ già... trong các sự kiện lịch sử để sưu tầm tài liệu một cách cụ thể và tỉ mỉ. Khi viết phải cân nhắc từng câu, từng chữ để vừa nêu bật nội dung, lại vừa giản dị, giúp bạn đọc dễ hiểu, dễ nhớ. Bản thảo viết xong phải nhờ một số đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm thẩm định, cho ý kiến sửa chữa rồi mới đưa xuất bản…
Chia sẻ về quyển sách yêu thích nhất trong bộ sách của mình, ông nói: "Tôi viết được 50 đến 60 quyển sách về Bác vừa biên tập vừa trực tiếp viết vừa làm chủ biên trong 120 quyển về đề tài khác. Tôi tham gia biên tập 3 bộ sách quý về Bác là tiểu sử Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử và Hồ Chí Minh toàn tập. Ngoài ra, tôi còn làm chủ biên, chủ khảo tham gia viết sách những quyển khác. Trong những quyển ấy, tôi thích nhất là quyển Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh 2 tập. Trong đó, tôi đề cập đến những vấn đề mà Bác Hồ đối với chủ nghĩa Mác – Lênin và qua lời phát biểu của Bác Hồ thì Bác đã sáng tạo, vận dụng chủ nghĩa Mác –Lênin vào Việt Nam rất khôn khéo chứ không áp dụng hoàn toàn chủ nghĩa Mác – Lênin".
Đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn như trước, nhưng Đại tá TS Nguyễn Văn Khoan vẫn làm việc không mệt mỏi, vẫn dành trọn thời gian cho tâm huyết của mình: Tìm hiểu, nghiên cứu, viết về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ.
Sách được in ra, nhà xuất bản trả nhuận bút, ông không lấy. Ông đề nghị quy đổi thành sách để tặng cho những người bạn là đồng đội cũ, những người làm nghề giáo hay những sinh viên, học sinh mà mình quen biết. Mục tiêu của Đại tá, TS Nguyễn Văn Khoan là mỗi năm viết được một cuốn sách về Bác.
Chị Nguyễn Lê Hoa đã nói về Đại tá TS Nguyễn Văn Khoan như thế này: "Theo dõi con đường nghiên cứu về Bác Hồ của bố mình, tôi nhận thấy đề tài lớn mà bố tôi luôn theo đuổi với tất cả nhiệt tình là "Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ". Nay tuy tuổi đã cao nhưng bố tôi vẫn lọc cọc đạp chiếc xe cũ tới cơ quan lưu trữ, gặp các nhân chứng lịch sử để khai thác tư liệu, rồi cho ra đời các tập sách nhỏ, mang tính phổ biến, có chất lượng phục vụ kịp thời cuộc vận động Học tập và làm theo lời Bác hiện nay".
Với những cống hiến của mình, Đại tá TS Nguyễn Văn Khoan đã được trao giải Bạc cho cuốn "Hồ Chí Minh tiểu sử" năm 2007 do Hội Xuất bản Việt Nam và Hội đồng Giải thưởng sách Việt Nam tặng; giải Nhì cho tác phẩm "Những năm tháng hào hùng sôi nổi" do Binh chủng Thông tin liên lạc tặng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Thông tin liên lạc (9/9/1945 - 9/9/2005) và rất nhiều giải thưởng khác.
Cũng như triệu triệu tấm lòng hướng về Bác, Đại tá TS Nguyễn Văn Khoan đã và đang âm thầm cống hiến những năm tháng còn lại của cuộc đời mình để viết về Bác. Ông đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp cho kho tàng văn học nước nhà những cuốn sách giá trị về Bác Hồ với mong muốn truyền lại cho thế hệ sau những tài liệu quý về một danh nhân văn hóa Thế giới, một chiến sỹ kiên cường trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đó là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Những con người như Đại tá TS Nguyễn Văn Khoan thật đáng để chúng ta học tập và noi theo.
Thiên Tuyến
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/nguoi-so-huu-kho-tu-lieu-quy-ve-bac-ho-20404.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.