Tham dự có khách mời đặc biệt - Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) Alok Sharma nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam; bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, đại diện Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Ý cùng hơn 600 thanh niên Việt Nam tham gia bằng hình thức trực tuyến.
Điểm cầu phát trực tuyến Lễ công bố Báo cáo tại Hà Nội.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Thanh niên vì khí hậu” (Youth4Climate) do UNDP Việt Nam phát động năm 2020, nhằm tăng cường năng lực và nhận thức cho thanh niên về việc thực hiện nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015, cập nhật NDC năm 2020 của Chính phủ Việt Nam theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Lễ công bố được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” do 20 tác giả trẻ thực hiện. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, đại diện khoảng 900 thanh niên đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Báo cáo có quá trình chuẩn bị, thực hiện công phu với những nội dung thiết thực, đúc rút ra từ hoạt động thực tế của đội nhóm thanh niên trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian qua và được lấy ý kiến rộng rãi thanh niên cả nước.
Nội dung của Báo cáo trình bày một cách khoa học, rõ ràng, hấp dẫn với người đọc, sử dụng lời văn, câu chuyện và ý tưởng của Nhóm viết báo cáo là những thanh niên tham gia chuỗi chương trình tham vấn thuộc sáng kiến Youth4Climate, qua đó truyền thêm cảm hứng hành động mạnh mẽ hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Báo cáo đã chỉ ra 4 nút thắt lớn mà thanh niên phải đối diện khi hành động vì khí hậu: Hạn chế về tài chính; thiếu hỗ trợ từ các bên liên quan; hạn chế về năng lực, kỹ năng và hạn chế về công nghệ. Để giải quyết những nút thắt này, báo cáo đề xuất 10 hướng giải quyết chính, trong đó, nhấn mạnh việc cần phải thiết lập mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu và phát triển Cổng thông tin về biến đổi khí hậu cho thanh niên.
Các hướng giải quyết này được đưa vào Lộ trình hành động cho COP26 và các mục tiêu cho giai đoạn 2022-2025 nhằm nâng cao sự đóng góp của thanh niên vào việc hiện thực hoá Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại lễ công bố báo cáo.
Phát biểu tại Lễ công bố, bà Caitlin Wiesen-Antin, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cảnh báo, nếu chúng ta không có những tác động, ứng phó gì với biến đổi khí hậu thì mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao 1m; xuất hiện thường xuyên, nhiều hơn những đợt nắng nóng khắc nhiệt, ảnh hưởng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những cộng đồng ở vùng ven biển. Đây chính là bức tranh về thực tế và tương lai ở Việt Nam nếu không có những hành động vì khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường những nỗ lực thích ứng.
Theo Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, thanh niên ở Việt Nam là một trong những đối tượng dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu và thanh niên là thế hệ vô cùng quan trọng trong tiến trình hành động vì khí hậu. Do đó, UNDP đã hỗ trợ các bạn thanh niên viết Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu, với sự tham gia của hàng nghìn các bạn trẻ vào quá trình này, cũng như có những đóng góp tích cực vào tiến trình của COP26.
Đánh giá cao bản báo cáo đặc biệt, Chủ tịch COP26 Alok Sharma gửi thông điệp đến giới trẻ Việt Nam: “Đây là một báo cáo đầy nhiệt huyết nói lên tâm huyết của tuổi trẻ, đưa ra một số ý tưởng rất rõ ràng mà chúng ta nên làm cùng nhau để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tương lai quả thực thuộc về các bạn trẻ trên toàn thế giới. Đó là lý do tại sao các bạn phải được lắng nghe một cách đầy đủ và rõ ràng. Báo cáo này cũng nói lên niềm đam mê của tuổi trẻ. Các nhà lãnh đạo thế giới dù đưa ra chính sách gì, kế hoạch gì, họ phải luôn nghĩ đến việc bảo vệ hành tinh đầu tiên. Thành thật mà nói, đó cũng là thông điệp đến từ báo cáo của bạn: Hãy chọn sức khoẻ của hành tinh trên tất cả”.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma đánh giá cao nội dung bản báo cáo đặc biệt.
Bà Caitlin Wiesen cũng nhấn mạnh: “Tuổi trẻ là sức mạnh của đam mê sáng tạo và đổi mới. Như đã đề xuất trong báo cáo về thanh niên, chúng tôi mời tất cả các đối tác cùng chung tay trong việc sắp xếp các chương trình và cơ chế thúc đẩy môi trường thuận lợi, nơi thanh niên có thể đảm nhận đầy đủ vai trò như là tác nhân thay đổi các hành động vì khí hậu”.
Hoàng Ngọc Xuân Mai, Trưởng nhóm tác giả báo cáo chia sẻ quan điểm về biến đổi khí hậu.
Với lực lượng đông đảo 24 triệu người/100 triệu dân, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Ngô Văn Cương nhấn mạnh thanh niên Việt Nam là lực lượng rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu. Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, thời gian qua, Đoàn Thanh niên rất chú trọng các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, thu hút đông đảo thanh niên tham gia, tạo thành trào lưu tốt trong toàn xã hội như chương trình: Vì một Việt Nam xanh hưởng ứng lời kêu gọi trồng mới 1 tỷ cây cây xanh của Thủ tướng Chính phủ; “Hành trình thứ hai của lốp xe” tái chế lốp xe thành trò chơi cho trẻ em... và mới đây là Cuộc thi Thanh niên sáng tạo vì khí hậu.
KHÁNH AN
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/cong-bo-bao-cao-dac-biet-thanh-nien-viet-nam-hanh-dong-vi-khi-hau-20417.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.