Tham dự lễ khai mạc có PGS.TS NguyễnThị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế của các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam, Đại diện Tổ chức y tế thế giới khu vực Đông Nam Á, đại diện UNFPA, UNAIDS, Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đại diệnỦy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Lãnh đạo các Cục/Vụ/Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đại diện các Cơ quan, Ban ngành của tỉnh Lâm Đồng, Lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành trong cả nước…
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế của ASEAN diễn ra hàng năm theo cơ chế luân phiên tại các quốc gia thành viên ASEAN. Năm 2014, Việt Nam đã tổ chức rất thành công Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 và các Hội nghị liên quan tại Hà Nội và được các nước đánh giá cao. Năm nay, Việt Nam rất vinh dự được tiếp tục đăng cai tổ chức Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế của ASEAN lần thứ 10 và các Hội nghị liên quan. Điều này thể hiện cam kết của Việt Nam cùng đóng góp vào nỗ lực chung hướng tới mục tiêu Sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Kể từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã phát triển không ngừng và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ những nước nghèo nàn, lạc hậu, thu nhập thấp, các nước thành viên ASEAN đã có những thành tựu phát triển kinh tế quan trọng và ASEAN đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, được xem là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới. ASEAN ngày nay đã chuẩn bị bước vào giai đoạn hình thành Cộng đồng ASEAN, với mức độ liên kết và hợp tác ngày càng cao trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế. Hợp tác y tế ngày càng chặt chẽ, sâu rộng trong khu vực đã đóng góp hiệu quả cho việc bảo đảm an ninh và phát triển ở khu vực, tạo thế cho quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, tạo điều kiện để các nước thành viên mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian qua, lĩnh vực y tế luôn là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, ủng hộ và coi đây là trách nhiệm vụ của toàn xã hội và của cả hệ thống chính trị. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ngành Y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 (giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi) và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ). Với thế mạnh trong lĩnh vực y học cổ truyền, Việt Nam đã lồng ghép y học cổ truyền với y học hiện đại trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, ưu tiên công tác phòng bệnh.
Việt Nam hiện đang từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng Công bằng - Hiệu quả và phát triển, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách toàn diện, có chất lượng, bảo đảm hội nhập với quốc tế và các nước trong khu vực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.
Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị SOMHD 10 đã tiến hành phiên họp toàn thể để cập nhật và rà soát những nội dung chính tại các Hội nghị lớn trong thời gian vừa qua, đồng thời thảo luận về các Chương trình Phát triển Y tế sau năm 2015 của ASEAN với 18 lĩnh vực y tế ưu tiên được chia làm 4 nhóm chính, cụ thể:
Nhóm 1: Tăng cường lối sống lành mạnh với Mục tiêu đến năm 2020: Cộng đồng ASEAN có được sức khỏe tốt nhất thông qua tăng cường lối sống lành mạnh và Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả người dân ở mọi lứa tuổi. Các ưu tiên y tế gồm: Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCD); Giảm sự tiêu thụ thuốc lá và rượu bia; Phòng chống tai nạn thương tích; Phòng chống bệnh nghề nghiệp; Cải thiện sức khỏe tâm thần; Tăng cường sức khỏe và sự năng động cho người già và Tăng cường dinh dưỡng tốt, ăn kiêng lành mạnh.
Nhóm 2: Ứng phó với mọi nguy cơ và mối đe dọa bệnh dịch. Mục tiêuđến năm 2020: Tăng cường hệ thống y tế bền vững để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và truyền nhiễm mới nổi, các bệnh bị lãng quên và các bệnh nhiệt đới; Ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe môi trường, thảm họa và đảm bảo chuẩn bị ứng phó hiệu quả về quản lý y tế trong thảm họa ở khu vực.Các ưu tiên y tế gồm: Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các bệnh bị lãng quên; Tăng cường năng lực phòng thí nghiệm; Giải quyết vấn đề kháng thuốc; Sức khỏe môi trường và đánh giá tác động sức khỏe; Quản lý Y tế trong thảm họa.
Nhóm 3: Tăng cường hệ thống y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Mục tiêuđến năm 2020: Cộng đồng ASEAN sẽ được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, an toàn với chất lượng thuốc tốt bao gồm thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm thay thế; Đạt được và duy trì bền vững các Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế. Các ưu tiên y tế gồm: Y học cổ truyền; Các Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế (MDG 4,5,6); Chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC), Sức khỏe dân di cư; Phát triển dược phẩm; Tài chính trong chăm sóc sức khỏe; Phát triển nguồn nhân lực.
Nhóm 4: Đảm bảo An toàn thực phẩm. Mục tiêuđến năm 2020: Tăng cường tiếp cận với thực phẩm an toàn, nước uống an toàn và vệ sinh.Các ưu tiên y tế gồm: An toàn thực phẩm; Nước và vệ sinh nguồn nước.
Hội nghị này và các hội nghị liên quan sẽ kéo dài đến ngày 17/9.
PV
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/khai-mac-hoi-nghi-cac-quan-chuc-cao-cap-ve-phat-trien-y-te-somhd-lan-thu-10-va-cac-hoi-nghi-lien-quan-2060.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.