Khoảng 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá “đầu độc” môi trường sống trên Trái Đất

(SK&MT) - Thuốc lá không chỉ là "kẻ giết người thầm lặng," gây ra cái chết của hơn 8 triệu người mỗi năm mà còn làm mất 600 triệu cây xanh, 200.000 ha đất trồng trọt, tiêu tốn 22 tỷ tấn nước và thải ra 84 triệu tấn CO2.

Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố thông tin mới về tác hại của thuốc lá đối với môi trường và sức khỏe con người.

Trên cơ sở đó, WHO kêu gọi thế giới cần có biện pháp để ngành công nghiệp thuốc lá phải có trách nhiệm hơn đối với những hệ lụy mà nó đang gây ra.

Phần lớn thuốc lá được trồng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - những quốc gia thường rất cần nước và đất nông nghiệp để sản xuất lương thực cho khu vực. Thay vào đó, quỹ đất tại đây đang được sử dụng để trồng cây thuốc lá gây chết người.

Trong báo cáo “Thuốc lá: Đầu độc hành tinh của chúng ta,” WHO cho biết ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng nước, gỗ và thuốc trừ sâu nhiều hơn hầu hết các loại cây trồng khác.

Phần lớn thuốc lá được trồng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, là nơi thường rất cần nước và đất canh tác để sản xuất lương thực.

Khoảng 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá “đầu độc” môi trường sống trên Trái Đất

Tuy nhiên, mỗi năm trên thế giới có khoảng 3,5 triệu ha đất bị xòi mòn do hoạt động trồng cây thuốc lá. Trồng cây thuốc lá cũng góp phần gây nên nạn phá rừng. Hằng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá.

Nông dân trồng cây thuốc lá thường phát quang đất bằng cách đốt rừng và bỏ hoang đất chỉ sau vài mùa vụ, dẫn đến tình trạng hoang hóa, suy thoái đất và giảm năng suất của những loại cây trồng khác.

“Các sản phẩm thuốc lá xả nhiều rác thải nhất trên hành tinh, chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại - những chất sẽ xâm nhập môi trường của chúng ta khi chúng được thải ra. Khoảng 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá gây ô nhiễm đại dương, sông, vỉa hè, công viên, đất và bãi biển mỗi năm”, Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc Nâng cao sức khỏe của WHO, cho biết.

Các sản phẩm như điếu thuốc lá, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng góp phần làm tăng ô nhiễm rác thải nhựa. Đầu lọc thuốc lá chứa vi nhựa và tạo thành dạng ô nhiễm nhựa cao thứ hai trên toàn thế giới.

Dù ngành công nghiệp thuốc lá vẫn triển khai chương trình tiếp thị sản phẩm, nhưng không có bằng chứng cho thấy, đầu lọc có bất kỳ lợi ích nào cho sức khỏe con người. WHO kêu gọi các nhà hoạch định chính sách coi đầu lọc thuốc lá là loại nhựa sử dụng một lần và cân nhắc cấm sử dụng đầu lọc thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Điều đáng chú ý là người đóng thuế đang phải "gánh" chi phí dọn dẹp các sản phẩm thuốc lá vứt bừa bãi, mà không phải ngành công nghiệp thuốc lá. Ước tính, chi phí dọn dẹp mỗi năm tại Trung Quốc là khoảng 2,6 tỷ USD, Ấn Độ khoảng 766 triệu USD, trong khi Brazil và Đức là hơn 200 triệu USD.

Tuy nhiên, các nước như Pháp, Tây Ban Nha và các thành phố như San Francisco, California ở Mỹ, đã tuân thủ Nguyên tắc Người gây ô nhiễm trả tiền cũng như thực hiện thành công “luật trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng”, khiến ngành công nghiệp thuốc lá phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng ô nhiễm do chính ngành này gây ra.

Tại Việt Nam, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Theo số liệu của Bộ Y tế, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

Kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh tại Việt Nam do WHO thực hiện năm 2019 cho thấy: Tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm gần 50%).

Tuy nhiên, WHO cũng nhận định vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm soát thuốc lá khi đây vẫn là "thủ phạm giấu mặt" cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người mỗi năm.

WHO cảnh báo nếu các quốc gia không hành động quyết liệt, số người tử vong do thuốc lá mỗi năm sẽ tiếp tục gia tăng ngay cả khi tình trạng sử dụng thuốc lá có xu hướng giảm dần, đặc biệt khi số người sử dụng thuốc lá điện tử tăng mạnh.

Doanh số bán thuốc lá điện tử đã tăng tới 122,2% trong giai đoạn từ tháng 9/2014 đến tháng 5/2020. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Theo nghiên cứu của WHO, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong nhóm tuổi 13-17 tuổi ở Việt Nam chiếm 2,6% năm 2020. Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%), 45-64 tuổi (1,4%).

WHO chỉ rõ mỗi sản phẩm thuốc lá được sử dụng đều gây hại cho môi trường. Nói cách khác, thuốc lá đang đầu độc môi trường sống, nơi mà sự tồn tại của con người phụ thuộc vào, và ngành công nghiệp thuốc lá đang tạo ra lợi nhuận khổng lồ bằng cách hủy hoại môi trường và sức khỏe con người.

Do vậy, ngành này cần phải chịu trách nhiệm về môi trường, xử lý chất thải và thiệt hại, gồm cả chi phí thu gom chất thải.

Trong khi đó, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục theo đuổi hướng tiếp cận và sáu chiến lược đã được vạch ra trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (FCTC).

Đối với mỗi cá nhân, WHO nhấn mạnh thông điệp: từ bỏ thuốc lá vì sức khỏe của chính bạn và sức khỏe của hành tinh chúng ta.

THANH LAM

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/khoang-4500-ty-dau-loc-thuoc-la-dau-doc-moi-truong-song-tren-trai-dat-20616.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.