Con đường lên với điểm trường Bản Hành – xã Làng Giàng – huyện Văn Bàn – tỉnh Lào Cai là như vậy. Có đi mới biết được những nỗi gian truân của giáo viên vùng cao, và câu chuyện dạy – học mỗi nơi mỗi khác…
Sáng mãi nụ cười
Lớp học của thầy Hoàng Mạnh Hoàn
Dừng xe ở một bãi đất trống để tiếp tục đi bộ tới điểm trường, thầy Hoàng Mạnh Hoàn cười tươi tếu táo: “Thế nào cô phóng viên? Đã thấy xóc lộn ruột lên chưa, bây giờ thì luyện chân leo núi nhé!”. Chúng tôi dừng lại không lâu thì thấy bốn cô giáo nữa lái ba chiếc xe máy bám đầy bụi đất khác cũng vừa mới đến và nhập đoàn leo núi với chúng tôi. Không cần nghỉ ngơi, các cô giáo sắp xếp hành lý lên đường ngay, có lẽ việc dạy học ở đây dường như làm cho ai cũng có thể trở nên rắn giỏi như những tay lái đường trường lão luyện.
Vừa tiếp tục hành trình, các thầy cô vừa trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống cũng như chuyện dạy học nơi này. Thầy Hoàn cho chúng tôi biết, đây là con đường mới được mở mấy tháng trước men theo dự án của thủy điện nên mới có thể lái xe tới tận đây, đường tuy vẫn còn tạm bợ nhưng vẫn tốt hơn đường cũ nhiều. Ngày trước lên trường phải đi bộ tới 5 – 6 cây, một bên là núi, một bên là vực, không thể đi xe máy được; những người đàn ông H’Mông bạo gan và quen tay lắm mới lái những chiếc Win đi được một nửa lại lấy đá chèn giữ xe ngay vệ đường vứt đó mấy ngày đêm rồi đi bộ về (khi nào xuống chợ huyện thì mới đi tiếp).
“Bãi đỗ xe” giữa rừng núi của các thầy cô vùng cao
Tôi buột miệng hỏi: “Thế không lo bị mất xe ạ?”. Các thầy cô cười vang: “Ai lấy hả em, người dân ở đây thật thà, hiền lành lắm, ai cũng sống tốt cả em ạ”, rồi một cô khác tiếp lời: “Nếu mà lo mất xe thì đã chẳng để được xe ở kia mà không lo lắng rồi đúng không?” – nói xong cô chỉ tay về phía chúng tôi vừa dựng cả 4 chiếc xe phía dưới.
Các thầy cô vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ, tưởng như những nỗi vất vả khi phải vượt chặng đường xa, dạy học ở nơi heo hút này là chuyện rất bình thường, thậm chí tất cả đều trở thành niềm vui. Cô Nguyễn Kim Nga – giáo viên dạy lớp ghép 2 – 5 nói: lớp cô có tất cả 6 học sinh, trong đó có hai em tàn tật, hoàn cảnh gia đình các em còn khó khăn, nhưng các em chăm chỉ và chịu khó, vừa đi nương, vừa cố gắng đi học đầy đủ. “Ở đây toàn bộ các em là người dân tộc H’Mông, lên đây dạy học cũng như việc gánh chữ lên ngàn, vất vả, nhưng mà vui lắm em” – rồi cô cười với sự so sánh về công việc của chính mình.
“gánh chữ lên ngàn”
Vui buồn chuyện học trò
Khi tôi hỏi về việc các em có đi học đầy đủ hay không, thầy Hoàn chia sẻ rằng: Đi học có đầy đủ, nhưng mà phải nhắc không thôi, chỉ vì các em bỏ học chăn trâu và làm nương, buổi sang thầy cô lên đến nơi mới đánh trống trường, thấy em nào dắt trâu ngang qua là phải “quát” thả trâu xong quay lại học, rồi các thầy cô lại đi một vòng các nhà trong bản để bảo các em tới lớp và ở đây các hộ gia đình sống tập trung thành một khu nhỏ.
Tôi đi một vòng thăm bản, thấy chị Thào Thị Dợ “ chi hội trưởng hội phụ nữ bản” đang tìm cách dỗ con gái đi học, hỏi ra mới biết không phải em không muốn đi, mà do tối qua đi chơi, không biết ai mang nhầm mất dép, làm hôm nay em không có dép nên ngại, không dám đi học nữa. Chị Dợ cười bảo: “Chưa xuống chợ huyện để mua cho nó được, nó buồn, anh nhà đi vắng nên chẳng có ai đi, đường lại xa quá”. Cuối cùng phải nhờ tới sự thuyết phục của cô giáo em nhỏ cũng chịu đi học – với đôi chân trần…
Em Chư mãi mới chịu đi học vì không có dép
Chị Dợ nói trong bản hộ gia đình nào cũng có con trong độ tuổi đi học, các e đều thích đến lớp, có hai hộ gia đình là ở xa hơn – phía trên đập Au, chị thật thà tâm sự: “Nó cũng thích đi học đấy, nhưng đường gập ghềnh 1 tý, cũng không xa lắm, trời mưa, suối to không xuống được thì cũng phải thông cảm cho nó, suối to thì nó xuống, nó cũng lại trôi suối thì chết”…
Các em ăn vội vàng bát cơm để tới lớp
Thấy cô Phượng đi gọi học sinh, tôi cũng mon men đi theo, đến một nhà thì bắt gặp cảnh 4 em nhỏ ngồi xúm quanh chiếc bàn có đúng một bát canh lõng bõng rau, bên cạnh có nồi cơm to và một ấm nước sôi – để chan cơm. Các em ngước lên nhìn, rồi lại ăn rất nhanh và như “rất ngon” để kịp đến lớp. Giờ này người lớn gần như đã đi nương hết, chỉ còn lác đác 2,3 người ở lại, nhà nào các em cũng tự ngồi mà ăn cơm như thế. Cô Phượng cho biết thêm: bố mẹ các em đi làm có khi tối mịt mới về, nấu sẵn nồi cơm to để đấy, trưa các em đi học về lại tự biết bảo nhau ăn thôi.
Câu chuyện buồn nhất mà tôi được nghe ngày hôm đó là chuyện của hai chị em Ma Thị Dúa – 9 tuổi và Ma Thị Chấu 8 tuổi. Bố mẹ đi làm thuê ở Trung Quốc, hai chị em hoàn toàn tự lo cho mình, tự ở nhà làm ruộng nương, tự nuôi nhau ăn, bảo nhau học. Nhà còn có một bà ngoại, đã ngoài 80 tuổi, và không nói được một câu tiếng Việt nào cả. Em Ma Thị Dúa mới hôm trước đi thu lạc trên nương, để con dao phía sau, lùi lại thế nào mà dẵm lên làm đứt chân bị đau, phải đi tập tễnh. Hôm nay em không đến lớp, nhưng chẳng phải vì cái chân đau kia, mà em nghỉ học để… lên nương gặt lúa một mình…
![]() |
Hoàng Trinh
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/loc-coc-leo-doc-ganh-chu-len-ban-hanh-21039.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.