Hà Nội: Dân bức xúc vì quyết định của Tòa án

SK&MT - Sau khi kết hôn anh Nghị và chị Sách được bố mẹ cho ở trên mảnh đất của nhà chồng, mảnh đất này bà Lưu chưa tách riêng, chưa làm sổ đỏ riêng vì chưa cho hẳn vợ chồng anh Nghị. Thế nhưng khi li hôn, tòa yêu cầu bà Lưu (mẹ anh Nghị), phải bán cho chị Sách một mảnh đất trong tổng số đất đang ở trên. Tuy nhiên bà Lưu không đồng ý và dẫn đến khiếu kiện kéo dài.




Không đồng ý với quan điểm trên của TAND huyện Đan Phượng, bà Lưu làm đơn kháng cáo

“Tôi không đồng ý bán đất”

Vừa qua, Sức khỏe và Môi trường điện tử nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Lưu (SN 1950, trú tại cụm 4, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Tp. Hà Nội) phản ánh về việc bà không đồng tình với quan điểm của TAND huyện Đan Phượng và TAND TP. Hà Nội.

Theo đơn bà Lưu trình bày, bà có người còn trai tên là Trần Văn Nghị (SN 1972). Năm 1993, anh Nghị lấy vợ là chị Trần Thị Sách (Sn 1975, ở huyện Đan Phượng), sau khi xây dựng gia đình, anh Nghị và chị Sách được bà Lưu cho ở trong 1 căn nhà cấp 4, nằm trên thửa đất số 85, tờ bản đồ số 03, đội 4, xã Thọ An, để làm nơi sinh sống. Vì bà Lưu chưa cho hẳn vợ chồng con trai nên chưa tách hẳn mảnh đất ra làm riêng, cũng chưa chuyển nhượng và chưa làm sổ đỏ riêng cho mảnh đất này để vợ chồng anh Nghị đứng tên.

Trong quá trình sinh sống tại đây, do căn nhà xuống cấp, nên anh Nghị và chị Sách đã được bà Lưu đồng ý cho sửa sang, cải tạo lại căn nhà, và xây dựng thêm công trình phụ để tiện trong sinh hoạt. Anh Nghị và chị Sách, sống với nhau đến năm 2011, thì ly hôn. Đến thời điểm ly hôn, anh Nghị và chị Sách có 3 người con chung (2 gái, 1 trai) và vẫn đang ở trên đất do bà Nguyễn Thị Lưu đứng tên.

Vụ việc ly hôn đã được TAND các cấp tiến hành xử lý, giải quyết theo đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có một vấn đề, khiến bà Lưu tiến hành kháng cáo, đó là việc Tòa án yêu cầu gia đình bà phải nhượng lại 40m2 đất trên mảnh đất đang đứng tên của bà Lưu.

Bà Nguyễn Thị Lưu cho biết, nguồn gốc đất là do bà cùng với chồng mình (nay đã mất – PV), mua lại của một người khác, có giấy tờ hợp pháp, đã được các cơ quan nhà nước công nhận và trong các phiên tòa đều khẳng định đây là đất của bà.

Tại bản án số 01/2011/HNGĐ-ST, ngày 18/3/2011, của TAND huyện Đan Phượng đã xác định thửa đất số 85 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Lưu. Nhưng lại giao cho chị Sách được sử dụng 40m2 đất (có giá trị 224,922 triệu đồng), và yêu cầu chị Sách phải thanh toán cho bà Lưu số tiền sử dụng đất là 100 triệu đồng.

Không đồng ý với quan điểm trên của TAND huyện Đan Phượng, bà Lưu làm đơn kháng cáo. Tại bản án số 58/2011/HNGĐ-PT, ngày 25/5/2011 của TAND TP. Hà Nội, đã sửa một phần trong bản án sơ thẩm.

Trong đó, giao toàn bộ tài sản trên thửa đất số 85, tờ bản đồ số 03, cho bà Nguyễn Thị Lưu và chồng là ông Nguyễn Văn Phao sử dụng với tổng giá trị 202,059 triệu đồng. Bà Lưu và ông Phao có trách nhiệm thanh toán cho anh Nghị và chị Sách, mỗi người một nửa số tiền trên. Sau đó, anh Nghị về ở với bà Lưu, và thanh toán cho chị Sách số tiền như tòa án đã yêu cầu.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lưu bức xúc, đất là do bà mua của người khác, chỉ cho con trai và con dâu ở nhờ trong lúc khó khăn. Bà không tính toán đến chuyện cải tạo đất hay bất cứ việc làm gì trên đất.

Hiện tại, anh Nghị và chị Sách đã ly hôn, mọi tài sản trên đất đã được tòa án định giá và gia đình bà đã trả tiền cho chị Sách. “Anh Nghị và chị Sách không có quyền chia đất khi ly hôn, chỉ có quyền nhận công cải tạo và tài sản trên đất. Còn mọi vướng mắc thì do anh Nghị và chị Sách tự giải quyết, không liên quan đến tôi. Nay tòa yêu cầu tôi phải bán cho chị Sách 40m2 đất, thì hết sức vô lý”, bà Lưu chia sẻ.

Theo bà Lưu, việc Tòa án xử như vậy là có phần ép gia đình bà và không đúng đối tượng. Đối tượng phân xử ở đây là anh Nghị, nhưng trên thực tế anh Nghị không hề có đất. Còn việc có đồng ý bán lại đất cho chị Sách hay không lại thuộc thẩm quyền của bà Lưu. “Khi tòa án xử, chúng tôi đã đưa tiền cho chị Sách như yêu cầu về công cải tạo và tài sản trên đất. Chị Sách có thể dùng tiền ấy, mua đất ở vị trí khác, chứ bản thân tôi không có nhu cầu bán đất. Chính vì vậy tôi không chấp nhận với việc Tòa án yêu cầu gia đình tôi phải cắt đất bán lại cho chị Sách”, bà Lưu chia sẻ.

Luật sư nói gì?

Trao đổi với PV, Luật sư Đỗ Trung Kiên – Trưởng văn phòng Luật Đỗ Trung Kiên và Cộng sự nhận rằng: “Bản án Phúc thẩm số 22/2015/HNGĐ-PT ngày 31/03 & 06/04/2015 V/v tranh chấp tài sản sau ly hôn của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tồn tại nhiều thiếu sót, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Về quyết định chia cho chị Sách được hưởng 50 m2 đất: Hội đồng xét xử trong vụ án này đã chia tài sản trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo lợi ích của phụ nữ và trẻ chưa thành niên là rất nhân văn, tuy nhiên việc áp dụng nguyên tắc trong trường hợp này là sai đối tượng. Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn của vợ chồng, theo đó, nếu là tài sản chung của vợ chồng, khi chia cần xem xét đến các yếu tố như “hoàn cảnh của mỗi bên”, “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Qua rất nhiều phiên xét xử, Tòa án các cấp đều thống nhất nhận định rằng, 262,2 m2 đất thuộc quyền sử dụng của bà Lưu và ông Phao; chị Sách và anh Nghị chỉ có công sức tôn tạo, duy trì mảnh đất và có quyền sở hữu nhà ở trên đất. Tuy nhiên, phần tài sản chung của chị Sách và anh Nghị được xác định tách biệt hoàn toàn với phần tài sản của ông Phao bà Lưu. Do vậy, nếu không có sự đồng ý của chủ sử dụng (ông Phao bà Lưu), Tòa án cũng không có quyền quyết định đem một phần tài sản riêng của bố mẹ chồng để chia cho vợ chồng trong vụ án tranh chấp tài sản ly hôn. Điều này sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu, sử dụng tài sản hợp pháp của công dân.

Nếu như sau khi bị đòi lại nhà ở, bên ở nhờ “không có chỗ ở khác” hoặc “không có điều kiện tạo lập chỗ ở khác”, thì sẽ được bên cho ở nhờ tạo điều kiện tiếp tục cho sử dụng một phần nhà ở trong một khoảng thời gian nhất định (trên tinh thần của Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 Về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/07/1991 và Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC).

Tuy nhiên, xét trong trường hợp này, số tiền mà ông Phao bà Lưu phải thanh toán cho chị Sách là 242.980.000 đồng, với số tiền này, chị Sách hoàn toàn có thể tạo lập chỗ ở khác (đi thuê nhà ở); hoặc chị Sách cùng các cháu có thể ở nhờ nhà mẹ đẻ là bà Trần Thị Vọng. Nếu Hội đồng xét xử đưa ra căn cứ là hiện nay mẹ con chị Sách phải đi ở nhờ, ở thuê nên cần được chia đất (của ông bà Lưu) thì sẽ là bất bình đẳng với anh Nghị, bởi lẽ hiện nay anh cũng không có chỗ ở mà phải ở nhờ nhà của bố mẹ đẻ.

Bản án này cần được xem xét lại toàn diện, đưa ra được những cơ sở chứng minh công sức, tính toán lại phần giá trị mỗi người được hưởng và phân chia lại sao cho vừa đảm bảo được yếu tố nhân văn vừa tuân thủ được quyền bất khả xâm phạm về sở hữu, sử dụng tài sản của công dân.

Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Đức Duy – Việt Hồng

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ha-noi-dan-buc-xuc-vi-quyet-dinh-cua-toa-an-2269.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.