![]() |
Các dự án điện gió ở Bạc Liêu |
Đột phá từ năng lượng sạch
Với đường bờ biển dài 56km, lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên từ lâu Bạc Liêu được xem là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng điện gió. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 dự án nhà máy điện gió hoàn thành đưa vào hoạt động, với tổng công suất 469,2 MW; nổi bật nhất là Nhà máy điện gió Bạc Liêu tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Đây là nhà máy điện gió ven biển đầu tiên của Việt Nam và lớn nhất cả nước, được xây dựng từ năm 2010. Tính từ năm 2015 đến tháng 3 năm 2024, lĩnh vực điện gió đã đóng góp cho mạng lưới điện quốc gia hơn 3,9 tỷ kWh.
Không chỉ tạo ra năng lượng sạch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án còn tạo ra những cánh đồng điện gió đẹp như tranh vẽ, trở thành điểm du lịch cuốn hút du khách.
Đồng thời Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, trong đó trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí.
Để phát huy và khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng, Bạc Liêu đã xác định năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và điện khí) là một trong năm trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án nhà máy điện gió đã và đang được đầu tư, trị giá 33.027 tỉ đồng (tương đương 1,4 tỉ USD) với tổng công suất 660,2 MW; trong đó có 8 dự án điện gió đang vận hành với tổng công suất 469,2 MW; 1.615 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 183.954 kWp.
Biển Bạc Liêu với hệ sinh thái đặc thù và nguồn lợi thủy, hải sản phong phú, nhất là trữ lượng con giống tự nhiên như: Tôm, cua, cá kèo, nghêu… rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy. Ngoài ra, toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 1.000 tàu cá với sản lượng khai thác trong năm 2023 là 118.405 tấn. Cùng với đó là các dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, các dự án phát triển năng lượng tái tạo và điện khí, các dự án phát triển thương mại-dịch vụ, du lịch; các dự án cảng cá, phát triển khai thác đánh bắt thủy, hải sản, chế biến xuất khẩu, dự án sản xuất muối chất lượng công nghệ cao…
Hiện tỉnh Bạc Liêu đang tập trung đẩy mạnh thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gồm: Phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chủ lực là tôm, lúa gạo; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và điện khí); phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, Bạc Liêu định hướng phát triển là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước; là một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia và trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Phạm Văn Thiều, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Thời gian qua, việc phát triển các dự án điện gió khu vực ven biển là rất phù hợp với điều kiện sẵn có và định hướng phát triển của Bạc Liêu, đồng thời góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đưa “Bạc Liêu phát triển theo hướng xanh” chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, vận hành ổn định. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư vào Bạc Liêu”.
Hướng đến nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường bền vững
Vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 8/12/2023.
Với chủ đề “Đánh thức tiềm năng, lợi thế, mở ra tầm nhìn mới”, quy hoạch lần này chú trọng phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; xây dựng Bạc Liêu phát triển toàn diện kinh tế biển, trung tâm công nghiệp tôm, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Quy hoạch cũng hướng đến việc phát triển hài hòa, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc con người Bạc Liêu gắn với bảo tồn giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động hội nhập quốc tế.
![]() |
Bạc Liêu đề ra mục tiêu đến năm 2023 sẽ phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển. |
Phấn đấu năm 2030, Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch; có hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng, cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bạc Liêu phấn đấu là tỉnh có kinh tế phát triển; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh, người dân có cuộc sống khá giả, hạnh phúc; môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, bảo tồn; hệ thống đô thị thông minh, sạch, xanh; nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái...
Ông Phạm Văn Thiều, cho biết thêm: Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/04/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, sẽ phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển theo thứ tự ưu tiên phát triển lần lượt là du lịch và dịch vụ biển; năng lượng sạch; kinh tế hàng hải; nuôi trồng khai thác thủy sản; nông, lâm, diêm nghiệp và ứng dụng khoa công nghệ.
Đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; phấn đấu tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đạt khoảng 90%; giảm thiểu 70% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị vứt bỏ được thu gom chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh thích ứng với biến đổi khó hậu, nước biển dâng.
Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu thực hiện quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển; duy trì tỷ lệ che phủ rừng; có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển; ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng; điều tra, đánh giá tiềm năng giá trị các tài nguyên biển quan trọng; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đảm bảo tích hợp, chia sẻ và cập nhật.
Về tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển sẽ được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển theo hướng tăng trưởng xanh; đa dạng sinh học biển được bảo tồn; môi trường biển trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/bac-lieu-chuyen-minh-vuon-ra-bien-lon-22852.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.