![]() |
Muối trắng Bạc Liêu |
Lâu nay khi nói đến Bạc Liêu là nhiều người nghĩ ngay đến “vương quốc” của những cánh đồng muối bạt ngàn thẳng cánh cò bay, bởi địa danh “muối ba thắt” vốn một thời nổi danh khắp Nam kỳ lục tỉnh. Muối Bạc Liêu không chỉ ngon, mà còn trở thành một sản phẩm giàu tính văn hóa, nó giống như cái tình, cái nghĩa của con người Bạc Liêu lúc nào cũng mặn nồng, keo sơn.
Nghề muối Bạc Liêu đã hình hành và phát triển trên 200 năm qua. Với điều kiện sinh thái đặc thù và giáp với biển đã tạo thuận lợi cho Bạc Liêu phát triển mạnh nghề làm muối. Muối Bạc Liêu thường có vị đậm đà, độc đáo vì trong muối có hàm lượng magiê, canxi, sunfat... rất thấp, không gây vị đắng, chát. Điều này đã làm cho muối Bạc Liêu nổi tiếng từ xưa đến nay. Với diện tích sản xuất gần 1.500ha, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, tập trung ở hai huyện Hòa Bình và Đông Hải, sản lượng hằng năm trung bình hơn 27.000 tấn.
Trải qua bao thăng trầm, những cánh đồng muối vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, độc đáo. Có rất nhiều hộ gia đình nhiều thế hệ vẫn nối tiếp nhau giữ nghề. Tuy nhiên, ánh hào quang đã không còn như quá khứ, nhiều diêm dân đã rời xa ruộng muối khi nghề này đã không thể mang lại sinh kế đủ đầy cho họ.
Ông Lê Thanh Bình (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Nghề làm muối hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên. Năm nào may mắn gặp trời nắng tốt thì trúng mùa. Nhưng hễ trúng mùa thì rớt giá, đời sống của diêm dân chúng tôi cũng vì thế mà vẫn mãi bấp bênh”.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Theo đó, tỉnh xây dựng và phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.
Nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối tỉnh Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã hỗ trợ thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) với tổng nguồn vốn hơn 127 tỉ đồng. Theo đó, Dự án sẽ cải tạo, xây dựng mới hơn 14 km đường giao thông và thay mới 20 cây cầu, phục vụ cho diện tích sản xuất muối hơn 1.300 ha tại 2 xã Điền Hải và Long Điền Đông.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản suất muối, việc chế biến nâng cao giá trị hạt muối hướng đến xuất khẩu cũng phải được quan tâm, bởi đây là khâu quyết định giá trị hạt muối.
Hiện tại, Bạc Liêu có 2 nhà máy chế biến muối có tổng công suất thiết kế trên 36.000 tấn/năm; đã chế biến ra nhiều sản phẩm muối phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, đáp ứng thị trường trong nước và cung cấp cho hơn 300 cửa hàng, siêu thị từ Bắc vào Nam với các hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart, Satra, Lotte Mart, VinMart… đặc biệt, một số sản phẩm muối đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, mỗi năm 2 doanh nghiệp này chỉ tiêu thụ khoảng 50% sản lượng muối của toàn tỉnh.
Ngoài ra, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ nghề muối truyền thống, 2 doanh nghiệp chế biến muối trên địa bàn tỉnh đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hiện có 10 sản phẩm muối đã được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, gồm 7 sản phẩm của Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đạt 4 sao (muối tinh Bạc Liêu, muối tôm Bạc Liêu, muối chay Bạc Liêu, muối hạt Bạc Liêu, muối Iod Bạc Liêu, muối ớt Bạc Liêu, muối tiêu Bạc Liêu) và 3 sản phẩm của Công ty Cổ phần Muối Đông Hải đạt 3 sao (muối hạt sạch, muối hạt sạch sấy, muối tinh sấy Iod).
![]() |
Diêm dân Bạc Liêu thu hoạch muối |
Có thể nói, bên cạnh giá trị kinh tế, nghề muối ở Bạc Liêu còn hàm chứa giá trị văn hóa đặc biệt. Như trong năm 2022, Bạc Liêu tổ chức sự kiện Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang, trong đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức “Không gian tinh hoa ẩm thực tôm và muối Bạc Liêu”; lễ công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 122 món ăn được chế biến từ tôm và muối Bạc Liêu. Sự xác lập kỷ lục lần này là niềm tự hào, cũng là động lực để Bạc Liêu tiếp tục quảng bá văn hóa, du lịch thông qua ẩm thực tôm và muối.
Bên cạnh những mặt thuận lợi thì ngư dân tỉnh Bạc Liêu cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức của biến đổi khí hậu. Theo đó, đặc điểm của nghề làm muối phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết tự nhiên, nên việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ nét trong sản xuất muối, trong những năm gần đây thường xuyên xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa gây thiệt hại lớn về sản lượng muối của diêm dân, từ đó dẫn đến năng suất muối giảm.
Chính vì vậy, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất muối là một nhu cầu tất yếu, giúp nâng cao sản lượng, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường cả trong lẫn ngoài nước. Những năm gần đây, diêm dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất muối chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt nhựa trên sân kết tinh. Ứng dụng phương pháp sản xuất này không chỉ mang lại năng suất gấp đôi mà muối cũng được bán với giá cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống vì chất lượng tốt hơn.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, chủ trương của tỉnh là phải giữ cho được nghề muối truyền thống. Điều đó đã được thể hiện bằng việc phê duyệt Đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối” giai đoạn 2021-2030. Hiện nay, sản phẩm muối Bạc Liêu đa dạng, diêm dân cần cù, chịu khó, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối và có thể tạo ra loại muối rất tốt cho sức khỏe con người, khi dùng làm thức ăn hàng ngày. Với ưu điểm này, hiện nay, sản phẩm muối của Bạc Liêu đã chinh phục thành công các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc...
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/bac-lieu-giu-gin-hat-ngoc-tren-dong-trang-22864.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.