![]() |
Lực lượng An Giang tuần tra bảo vệ rừng. |
Đang vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài, làm nhiều cánh rừng ở An Giang nâng cấp báo động cháy rừng mức có nguy cơ cháy rất cao.
Lâm trường Bộ CHQS tỉnh An Giang có diện tích 1.700 ha, nằm trên địa bàn xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn. Đây là khu rừng tràm đặc dụng thuộc hệ sinh thái đất ngập nước, có nhiều loài động, thực vật đa dạng. Hiện nay, nhiều tuyến kênh, rạch trong rừng bị cạn kiệt nước. Lớp thực bì khô chuyển sang màu vàng đậm, chỉ một đốm lửa nhỏ là sẽ bốc cháy và cháy lan rất nhanh. Các lực lượng quyết tâm phòng cháy theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Theo ông Phạm Văn Hải, Trưởng ban quản lý Lâm trường Bộ CHQS tỉnh An Giang, ngay từ đầu mùa khô, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng chặt chẽ, với phương châm phòng là chính. Song song đó, Ban quản lý lâm trường thường xuyên phối hợp, trao đổi với các lược lượng trên địa bàn để thông tin về tình hình cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy; phối hợp tuần tra, kiểm tra các phương tiện phòng chống cháy. “Phương tiện được lâm trường trang bị đầy đủ, công tác kiểm tra cơ sở vật chất thường xuyên, đảm bảo khi có cháy hoạt động trơn tru, hiệu quả. Nguồn nước rất quan trọng, nên chúng tôi tham mưu với Bộ CHQS tỉnh nạo vét các kênh mương để đảm bảo nguồn nước cơ động vận chuyển phương tiện. Chúng tôi còn phân công nhiệm vụ từng bộ phận phụ trách từng vị trí, địa bàn cụ thể để bảo vệ rừng; xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, trực gác hằng ngày các khu vực được phân công, nhất là khu vực trọng yếu. Đặc biệt canh gác 24/24 ở các chốt tháp canh”, ông Hải giải thích thêm.
![]() |
Quan sát trên chòi canh. |
Được biết, để việc phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả cao thì công tác phối hợp rất quan trọng. Theo đó, Ban quản lý lâm trường đã hiệp đồng với lực lượng công an, dân quân và đoàn thể ở địa phương trong việc xử lý các vấn đề có liên quan; xây dựng mối đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn, nhất là xã Tân Tuyến, Tà Đảnh, thị trấn Cô Tô và ngành Kiểm lâm huyện Tri Tôn.
Ông Nguyễn Văn Guôl, nhân viên khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, huyện Tri Tôn nói: “Công tác phối hợp giữa lâm trường và khu bảo vệ cảnh quan rất nhịp nhàng. Thí dụ bên anh đó mà có sự cố thì bên đây có đầy đủ dụng cụ qua ứng cứu, còn bên đây có sự cố thì bên lâm trường qua hỗ trợ”.
Được biết, để chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống cháy nổ, cháy rừng và thường xuyên tổ chức luyện tập phương án; làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng, ngành chức năng của địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh đều ký kết quy chế phối hợp với các ngành chức năng địa phương, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn để triển khai các hoạt động bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
![]() |
Lực lượng chức năng triển khai các phương án bảo vệ, phòng, chống cháy rừng. |
Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh An Giang, khẳng định: "Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, tại khu vực rừng tràm do Bộ CHQS tỉnh quản lý, công tác phòng chống cháy rừng được đảm bảo, chưa xảy ra vụ cháy nào. Ngoài việc chủ động lực lượng, phương tiện nhanh chóng và kịp thời, chúng tôi sẽ chỉ đạo Ban quản lý lâm trường tiếp tục phối hợp với lực lượng tăng cường trực canh; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng, góp phần hạn chế rủi ro cũng như thiệt hại do cháy rừng có thể gây ra trong thời điểm nắng nóng hiện nay”.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/luc-luong-vu-trang-an-giang-chu-dong-phong-chong-chay-rung-22948.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.