Hưng Yên: Xây dựng Nhãn hiệu tập thể phát huy tiềm năng từ trồng cây dược liệu của huyện Khoái Châu

(SK&MT) - Việt Nam có nguồn tài nguyên cây dược liệu rất lớn, nhiều loài đặc hữu quý hiếm, bên cạnh đó dược phẩm còn là một trong các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, góp phần giúp người dân, người lao động được đảm bảo sức khỏe, từ đó hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác thực hiện tốt các sứ mệnh của mình. Tuy đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển dược liệu, nhưng vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục để ngành dược liệu Việt Nam có những bước phát triển nhanh, mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Hưng Yên, hiện có trên 850 ha trồng cây dược liệu, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên (Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, 2021). Để phát huy giá trị cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Hội Đông y tỉnh sử dụng trên 60% sản lượng dược liệu thu hái từ tự nhiên và trồng tại địa phương để phục vụ công tác điều trị, chữa bệnh bằng thuốc nam cho bệnh nhân. Theo Hội Đông y tỉnh Hưng Yên cho biết: Ý thức được việc sử dụng đúng cách các nguồn dược liệu sẽ nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh bằng thuốc nam, hạn chế tác dụng phụ. Do đó, Hội Đông y tỉnh tích cực phát động phong trào trồng cây dược liệu trong nhân dân, khuyến khích hội viên, người dân đưa các loại dược liệu mới vào sản xuất nhằm giảm chi phí trong điều trị bệnh; chỉ đạo hội đông y các huyện, thị xã, thành phố xây dựng vườn thuốc nam với các loài dược liệu khác nhau để chủ động nguyên liệu cho việc chữa bệnh, tuyên truyền người dân về vai trò, tác dụng của các loại dược liệu trong điều trị một số bệnh như: cảm, ho, đau đầu…

Cánh đồng trồng cây dược liệu
Cánh đồng trồng cây dược liệu
Người dân chăm sóc cây dược liệu
Người dân chăm sóc cây dược liệu

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khoái Châu cho biết, cây dược liệu trên địa bàn huyện Khoái Châu không chỉ được trồng xen canh ở diện tích cây ăn quả chưa khép tán mà còn mở rộng, hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 1.580 mẫu (tương đương với 559 ha) trồng dược liệu với sản lượng khoảng 11.423 tấn dược liệu; trong đó, có 12 xã có diện tích trồng cây dược liệu trên 50 mẫu như: Thuần Hưng (103 mẫu), Thành Công (75 mẫu), Đại Hưng (110 mẫu), Chí Tân (367 mẫu), Tứ Dân (73 mẫu), Dạ Trạch (58 mẫu), Bình Minh (100 mẫu), An Vĩ (95 mẫu), Ông Đình (92,8 mẫu), Tân Dân (158 mẫu), Hàm Tử (220 mẫu)... Việc hình thành các vùng dược liệu tập trung đã tạo điều kiện cho người dân trong trồng mở rộng các loại dược liệu quý, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ dược liệu. Nhận thấy giá trị kinh tế từ dược liệu, nhiều gia đình đã mở rộng diện tích trồng và học hỏi, tìm tòi để đưa các loài dược liệu phù hợp thổ nhưỡng về trồng ở diện tích trang trại của gia đình. Hàng năm, nhiều hộ gia đình thu hoạch hàng tấn địa liền, doanh thu đạt trên 150 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khoái Châu phát biểu tại buổi tập huấn
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khoái Châu phát biểu tại buổi tập huấn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc, mỹ phẩm từ thảo dược, hợp tác xã thu mua dược liệu như: Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên, HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú, HTX Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu… nên nhu cầu về nguồn cung nguyên liệu dược liệu lớn, tạo tiền đề phát triển bền vững các vùng sản xuất dược liệu. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các địa phương trong việc đưa các giống cây dược liệu mới vào canh tác, chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Hệ thống kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh cùng với các cơ sở sản xuất, chế biến, bào chế, chiết xuất dược liệu… góp phần thúc đẩy sự phát triển các vùng trồng dược liệu của tỉnh Hưng Yên. Đây là động lực để dược liệu huyện Khoái Châu phát triển trong thời gian tới.

Hưng Yên: Xây dựng Nhãn hiệu tập thể phát huy tiềm năng từ trồng cây dược liệu của huyện Khoái Châu
Một buổi Hội thảo chọn logo cho nhãn hiệu tập thể "Dược liệu Khoái Châu

Theo Hội Nông dân huyện Khoái Châu, tuy dược liệu ở Khoái Châu đã được nhiều người tiêu dùng biết đến nhưng hiện chưa có nhãn hiệu để nhận diện và bảo hộ. Chính vì vậy, việc nhận diện thương hiệu và bảo hộ thương hiệu dược liệu Khoái Châu sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi người trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh. Đồng thời, tạo niềm tin, uy tín của sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hưng Yên: Xây dựng Nhãn hiệu tập thể phát huy tiềm năng từ trồng cây dược liệu của huyện Khoái ChâuHưng Yên: Xây dựng Nhãn hiệu tập thể phát huy tiềm năng từ trồng cây dược liệu của huyện Khoái Châuundefined

Hy vọng với việc được các cấp, ngành quan tâm triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể "Dược liệu Khoái Châu – Hưng Yên” thì tới đây, việc quy hoạch vùng trồng, quy định và kiểm soát ngay từ đầu về chất lượng các loại sản phẩm và dịch vụ của các hộ/hợp tác xã/doanh nghiệp khi tiến hành chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ cây dược liệu trong huyện. Điều này sẽ góp phần xây dựng danh tiếng, uy tín của sản phẩm từ các loại cây dược liệu huyện Khoái Châu phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ và bền vững hơn, tạo tiền đề góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trần Thị Mai Anh

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/hung-yen-xay-dung-nhan-hieu-tap-the-phat-huy-tiem-nang-tu-trong-cay-duoc-lieu-cua-huyen-khoai-chau-25773.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.