Y tế dự phòng – Ưu tiên đầu tư hoàn thiện thể chế luật pháp

(SK&MT) - Hiện công tác y tế dự phòng vẫn còn nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực, đặc biệt là hệ thống chính sách, pháp luật về phòng bệnh không còn bắt kịp với tình hình mới và chưa bao gồm các vấn đề phòng bệnh không lây nhiễm. Việc ưu tiên đầu tư hoàn thiện thể chế luật pháp là cần thiết.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tại các địa phương có tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, nên chưa thể đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung, nhất là Chương trình tiêm chủng mở rộng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ban hành năm 2007 đã phát huy được tác dụng nhưng bộc lộ một số hạn chế, ví dụ như công tác công bố dịch - khi nhiều nơi có dịch nhưng không công bố, hoặc vấn đề đáp ứng của các địa phương đặc biệt trong điều kiện khẩn cấp, hoặc việc sử dụng sinh phẩm y tế trong công tác phòng bệnh cũng gặp nhiều vướng mắc do quy định chưa rõ ràng và nhất quán tại các văn bản pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, các vấn đề khác như sức khỏe môi trường, nhất là bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng chưa có luật nào điều chỉnh mà mới chỉ có các chiến lược, văn bản hướng dẫn.

Các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư… là nguyên nhân gây ra 77% tổng số ca tử vong trên toàn quốc. Báo cáo của các bệnh viện cho thấy, 65-75% người bệnh nội trú là mắc các bệnh không lây nhiễm. Khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều rất đông bệnh nhân. Sức khỏe tâm thần cũng đang là một thách thức rất lớn. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

Y tế dự phòng – Ưu tiên đầu tư hoàn thiện thể chế luật pháp
Y tế dự phòng – Ưu tiên đầu tư hoàn thiện thể chế luật pháp

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm là vô cùng cấp thiết để kịp thời ban hành các quy định mới, giúp quản lý các bệnh truyền nhiễm linh hoạt hơn, tăng khả năng ứng phó khi có dịch bệnh mới xảy ra.

Bên cạnh đó, cần phải bổ sung và nâng cấp Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thành Luật phòng bệnh để đảm bảo quản lý các vấn đề y tế dự phòng đối với các bệnh không lây nhiễm – một vấn đề vô cùng nhức nhối hiện nay.

Các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm gia tăng, trình trạng già hóa dân số, Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho y tế dự phòng đầy đủ, phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao.

Nhìn ra thế giới, các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan cũng đã sớm hoàn thiện thể chế luật pháp, thực thi các kế hoạch quốc gia toàn diện để phòng ngừa các dịch bệnh không lây nhiễm. Từ năm 1978, Nhật Bản đã phát động và thực hiện kế hoạch 10 năm về nâng cao sức khỏe; Thái Lan thành lập và duy trì Quỹ Nâng cao sức khỏe; Hoa Kỳ thực hiện bài bản kế hoạch tổng thể "Vì sức khỏe nhân dân" từ năm 1990.

Thực tế cho thấy, theo sự phát triển của xã hội, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm có nhiều vấn đề đã bất cập và không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc xây dựng Luật Phòng bệnh dự kiến theo hướng kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các quy định của luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và bổ sung các quy định về phòng chống bệnh không lây nhiễm, các rối loạn sức khỏe tâm thần, bảo đảm dinh dưỡng phòng bệnh, dự phòng, bảo vệ sức khỏe trước các yếu tố nguy cơ môi trường, các điều kiện để phòng bệnh, sẽ đảm bảo khắc phục các hạn chế của luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành và bao quát toàn diện các vấn đề khác về phòng bệnh.

Đây là việc làm cấp thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và mục tiêu tổng quát mà Chính phủ đã đề ra trong Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đó là "nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam".

PV

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/y-te-du-phong-uu-tien-dau-tu-hoan-thien-the-che-luat-phap-25834.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.