Ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

(SK&MT) - Ô nhiễm môi trường biển là một vấn đề cấp bách, đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái, kinh tế và sức khỏe con người.

Ô nhiễm môi trường biển là hiện tượng nước biển bị biến đổi tính chất do các nguyên nhân khác nhau tác động nên. Từ đó, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số sinh hóa của nước biển. Không chỉ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực mà còn gây hại cho sức khỏe con người và gây hại cho những động vật sinh sống ở biển.

Ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Ô nhiễm môi trường biển là tác nhân hàng đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đe dọa hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản.

Khi nước biển bị ô nhiễm, đồng thời làm cho những sinh vật sinh sống dưới biển cũng có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Điều này cũng kéo theo hệ sinh thái biển, cảnh quan biển có những ảnh hưởng tiêu cực cùng với những hậu quả nặng nề.

Ô nhiễm môi trường biển là tác nhân hàng đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đe dọa hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản. Từ đó, tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam. Thực trạng ô nhiễm môi trường biển còn là thách thức trong triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Điều quan trọng là phải biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể thiết thực ở mỗi cấp mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân. Như vậy, chúng ta mới giữ gìn và bảo vệ được môi trường biển, nguồn sống và không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững.

Sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km (không tính bờ các đảo) với 114 cửa sông đổ ra biển, trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa, Trường Sa cùng vùng biển rộng lớn gấp khoảng 3 lần diện tích đất liền, trải dài 15 vĩ độ từ Bắc xuống Nam, nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, biển Việt Nam là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên rất đa dạng, phong phú. Đây là nền tảng cho việc phát triển các ngành kinh tế biển cũng như phát triển các lĩnh vực xã hội vùng biển đảo. Tuy nhiên, những năm qua, dưới áp lực phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nguyên nhân khác nhau khiến cho môi trường biển Việt Nam có chiều hướng xấu, đa dạng sinh học giảm, hệ sinh thái suy yếu.

Ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Lượng rác thải nhựa đổ ra biển ngày càng tăng, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Những năm qua, dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như tính chất ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến môi trường biển, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường những vùng biển ven bờ, suy giảm các hệ sinh thái biển.

Nguyên nhân gây ô nhiễm

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có hai nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường biển gồm nguyên nhân tự nhiên và nguyên nhân từ con người.

Nguyên nhân tự nhiên: Do ảnh hưởng bởi sự phun trào nham thạch của núi lửa ở dưới lòng biển. Điều này khiến cho các sinh vật dưới biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chết hàng loạt và các hệ sinh thái cũng bị ảnh hưởng. Do đó, dẫn tới nguồn nước bị biến đổi và gây ô nhiễm môi trường biển. Do sự bào mòn và sự sạt lở của đồi núi. Sự phun trào của núi lửa, làm cho khói bụi có những khí hại bốc lên cao tạo thành mưa rơi xuống mặt đất cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển. Do triều cường dâng cao và sâu từ đó gây ô nhiễm cho các dòng sông. Hòa tan nhiều chất muối khoáng trong tự nhiên có nồng độ quá cao, trong đó có chất gây ung thư như Asen và các chất kim loại nặng...

Nguyên nhân từ con người: Do hoạt động đánh bắt thủy sản không hợp lý, do sử dụng chất nổ, điện và các chất độc hại để đánh bắt khiến cho các sinh vật biển chết hàng loạt, dẫn đến biến đổi tính chất của nước và khiến cho một số loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng. Các vùng nước lợ, rặng san hô và rừng ngập mặn không được bảo toàn tốt, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái dưới biển và ảnh hưởng đến môi trường sống của một số loài lưỡng cư. Các chất thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp từ các khu đô thị, khu công nghiệp, các nhà máy không được xử lý sạch rồi đổ thẳng ra sông, biển gây nên ô nhiễm môi trường biển. Ô nhiễm môi trường biển do tràn dầu gây ra, do sự khai thác và nhu cầu sử dụng cao dẫn đến một lượng lớn dầu bị rò rỉ ra bên ngoài môi trường biển, dầu tràn từ các hoạt động tàu thuyền, chìm đắm tàu chở dầu, do sự cố từ lỗ khoan thăm dò khai thác dầu. Do hành động vứt, xả rác sinh hoạt bừa bãi ra sông, biển.

Thực trạng ô nhiễm môi trường biển tại Việt Nam

Ở khu vực ven biển là nơi đang phải chịu nhiều tác động do rác thải, trong đó tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và ven bờ biển đang có xu hướng gia tăng đáng báo động ở Việt Nam. Theo báo cáo của ngân hàng thế giới vào cuối tháng 7 vừa qua, tại Việt Nam, chất thải nhựa chiếm tới 94 % tổng lượng rác thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông, ven biển, trong đó 60 % các loại rác thải là nhựa dùng một lần.

Theo báo cáo, hiện Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách những nước có tình trạng ô nhiễm rác thải biển cao trên thế giới. Trong đó, tình trạng rác thải nhựa chiếm tỷ trọng cao, một số khu vực ven biển và cửa sông xuất hiện tình trạng ô nhiễm dầu. Một số rừng ngập mặn bị ô nhiễm, xuất hiện nhiều rác thải nilon.

Lượng rác thải nhựa đổ ra biển ngày càng tăng, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải nhựa trôi nổi trên biển, phân rã thành các mảnh vi nhựa, gây hại cho sinh vật biển và xâm nhập vào chuỗi thức ăn.

Tình trạng môi trường biển Việt Nam hiện nay xuất hiện tình trạng ô nhiễm dầu, chủ yếu là do các vụ tràn dầu từ tàu chở dầu gây ra. Các sự cố tràn dầu, hoạt động khai thác và vận chuyển dầu mỏ gây ô nhiễm dầu trên biển, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và các loài sinh vật biển.

Ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Tràn dầu là một thảm họa về môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái biển. (Ảnh minh họa).

Tính từ năm 1987 đến nay, Việt Nam có đến hơn 90 vụ tràn dầu gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho hệ sinh thái và nguồn tài nguyên biển. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế biển, kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo đó, tại các vùng biển quần đảo Trường Sa và các khu vực biển có tuyến hàng hải quốc tế, qua ảnh chụp vệ tinh cho thấy tại những khu vực đó hàm lượng dầu trong nước chiếm tỷ lệ cao. Xuất hiện nhiều vệt dầu loang trên các tuyến hàng hải quốc tế dọc theo hải phận của Việt Nam.

Trong đó, một số những tai nạn gây tràn dầu ô nhiễm môi trường biển nổi bật như: Tháng 9 - 2001, tàu Formosa (Liberia) đâm vào tàu Petrolimex 01 (Việt Nam) đã làm tràn 1000 lít dầu, gây nên ô nhiễm môi trường biển tại vịnh Gành Rỏi thuộc Vũng Tàu; Năm 2003, tàu Hồng Anh của Việt Nam trên đường từ Cát Lái đi đến Vũng Tàu chở 600 tấn dầu bị sóng đánh chìm gây tràn dầu làm ô nhiễm vùng biển Cần Giờ; Năm 2007, ở vùng biển Tuy An thuộc Phú Yên, tàu New Oriental bị đắm tạo ra dầu loang trên biển lên đến 25ha; Năm 2017, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, 9 tàu chở hàng va đập và chìm khiến tình trạng dầu loang rộng trên vùng biển Quy Nhơn.

Nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị và nông nghiệp chứa các chất ô nhiễm như kim loại nặng, hóa chất độc hại và chất dinh dưỡng dư thừa, gây ô nhiễm nước biển và làm suy thoái các hệ sinh thái biển.

Việc nuôi trồng thủy sản không đúng quy trình cũng gây ô nhiễm môi trường biển. Các chất thải từ các ao nuôi tôm, cá thải trực tiếp ra môi trường biển, gây ra ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cho các loài sinh vật biển.

Ô nhiễm môi trường biển dẫn đến suy thoái các hệ sinh thái biển như rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển, làm giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Có thể thấy rằng ô nhiễm môi trường biển tại Việt Nam chủ yếu là tràn dầu, rác thải nhựa, rác thải nilon.

Giải pháp tháo gỡ

Giảm thiểu rác thải nhựa: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Chung tay bảo vệ môi trường biển.

Kiểm soát ô nhiễm dầu: Tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác và vận chuyển dầu mỏ, có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố tràn dầu.

Xử lý nước thải: Xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra biển.

Quản lý nuôi trồng thủy sản: Áp dụng các biện pháp nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiểu chất thải và ô nhiễm môi trường.

Bảo tồn các hệ sinh thái biển: Thành lập các khu bảo tồn biển, tăng cường quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái biển quan trọng.

Tăng cường hợp tác quốc tế: Hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường biển mang tính toàn cầu.

Nâng cao năng lực quản lý: Đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý môi trường biển, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường biển.

Tăng cường luật pháp và chế tài: Ban hành và thực thi các quy định pháp luật nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường biển, tăng cường chế tài xử phạt các hành vi vi phạm.

Bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm của toàn xã hội. Chỉ khi có sự chung tay của tất cả mọi người, chúng ta mới có thể bảo vệ được "lá phổi xanh" của hành tinh và đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.

Kim Dung

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/o-nhiem-moi-truong-bien-o-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap-25935.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.