Tạo lập vị thế và bảo vệ uy tín gạo Việt

(SK&MT) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông - Xuân, vụ lúa chính trong năm. Trong bối cảnh thị trường gạo trên thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp và nông dân cần bình tĩnh liên kết để có giải pháp bình ổn giá và bảo vệ uy tín gạo Việt.

Nắm bắt nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường còn nhiều dư địa

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị về sản xuất, thị trường lúa gạo; phòng chống hạn mặn vùng ĐBSCL. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành lúa gạo cùng lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) cho biết, diện tích sản xuất lúa năm 2025 dự kiến đạt 7 triệu ha, giảm 132.000 ha so với năm 2024. Trong đó, sản lượng lúa khu vực ĐBSCL năm 2025 dự kiến đạt hơn 24 triệu tấn với diện tích dự kiến là 3,79 triệu ha. Trong đó, vụ Đông Xuân 2024-2025 dự kiến sản lượng đạt gần 10,8 triệu tấn trên diện tích 1,5 triệu ha. Tính đến hết tháng 2/2025, sản lượng lúa đã thu hoạch của vùng ĐBSCL đạt gần 4,2 triệu tấn; dự kiến sản lượng còn lại hơn 6,5 triệu tấn. Quy mô diện tích sản xuất lúa gạo có giảm nhưng năng suất tăng nên sản lượng không có nhiều biến động.

Tạo lập vị thế và bảo vệ uy tín gạo Việt
Các doanh nghiệp ĐBSCL đang mở rộng xuất khẩu gạo sang các thị trường còn nhiều dư địa

Theo Thứ trưởng Bộ NN-MT Trần Thanh Nam, mặt hàng gạo vẫn duy trì sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng ổn định trong các năm qua. Riêng năm 2024, xuất khẩu đạt mức đột phá trên 9 triệu tấn và giá trị xuất khẩu đạt mức cao 5,75 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2023 và tăng 84,2% so với năm 2020. Giá gạo xuất khẩu trung bình từ trên 300 - đến trên 500 USD/tấn, riêng năm 2024 đạt 627 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1,1 triệu tấn (tăng 5,9%), giá trị đạt 613 triệu USD (giảm 13,6%). Giá gạo xuất khẩu trung bình ước đạt 553,6 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ. Đầu tháng 3-2025, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh ở mức: gạo 100% tấm 310 USD/tấn; gạo 5% tấm 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 367 USD/tấn. Philippines, Bờ Biển Ngà và Gana là 3 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Giá gạo giảm do nguồn cung gạo thế giới tăng tạo áp lực lên thị trường toàn cầu; nhu cầu nhập khẩu giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi trong thời gian ngắn hạn; Ấn Độ kết thúc lệnh cấm xuất khẩu gạo và quay lại thị trường xuất khẩu với sản lượng dồi dào.

Bộ NN-MT đang tập trung chỉ đạo các địa phương vùng ĐBSCL xuất đảm bảo sản lượng và diện tích theo kế hoạch; theo dõi sát sao lịch thời vụ và tình hình hạn mặn nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất lúa… Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường để có giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là sự điều chỉnh chính sách của các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan… Đồng thời, nắm bắt nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường còn nhiều dư địa như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Châu Phi… cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời tới các địa phương, doanh nghiệp để có những điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp với diễn biến thị trường.

Bảo đảm sản xuất và hoạt động thu mua lúa gạo

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình mua bán của các doanh nghiệp đầu mối, thương lái, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để ép giá nông dân nhằm trục lợi; cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thu mua, vận chuyển lúa, gạo về kho chứa của các doanh nghiệp trong các thời điểm có lợi về giá thu mua cho nông dân. Về lâu dài, nghiên cứu, tổ chức sản xuất theo nhu cầu của thị trường và đặt hàng của doanh nghiệp; các địa phương chủ động điều chỉnh cơ cấu mùa vụ theo đặc thù địa phương, bảo đảm thuận lợi cho sản xuất và hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Tạo lập vị thế và bảo vệ uy tín gạo Việt
Nông dân An Giang thu hoạch lúa

Ông Đồng Văn Cảnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX New Green Farm (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Hiện nay xã viên và nông dân trong HTX đã thành thạo các kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Mong muốn của HTX là liên kết chặt với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho hạt lúa để giảm rủi ro khi thị trường có biến động. Đây được xem là “mắc xích” quan trọng nhất trong chuỗi ngành hàng lúa gạo hiện nay”. Được biết, HTX New Green Farm hiện có 101 hộ dân tham gia liên kết sản xuất lúa gạo, với diện tích canh tác 148ha. HTX sản xuất lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp.

Tạo lập vị thế và bảo vệ uy tín gạo Việt
Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa Đông- Xuân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng chính sách cho vay ưu đãi tương tự như chính sách vay mua nhà xã hội. Đồng thời, xem xét miễn thuế thu nhập cho lĩnh vực nông nghiệp trong hai năm, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển. Vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam Bộ NN-MT phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng chiến lược ngăn chặn việc các nước khác sử dụng trái phép nhãn hiệu gạo Việt Nam. Mục tiêu là xác lập vị thế và bảo vệ uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng các diện tích đất nông nghiệp; tập trung phát triển những vùng có năng suất cao và khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, có thể điều chỉnh từ ba vụ xuống còn một hoặc hai vụ để nâng cao chất lượng sản xuất.

Minh Tuấn - Tử Văn

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/tao-lap-vi-the-va-bao-ve-uy-tin-gao-viet-25954.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.