Dự án GIC Việt Nam là một hợp phần của chương trình các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm, thuộc sáng kiến toàn cầu “Một thế giới không nạn đói” (One World - No Hunger) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ, thực thi bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại 15 nước Châu Phi và Châu Á.
Dự án GIC Việt Nam là gói cam kết hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Đức, được phối hợp thực hiện bởi GIZ, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và chính quyền 6 địa phương: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng.
![]() |
Các đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị. |
Sau hơn 4 năm triển khai từ 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định dự án đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực, ý nghĩa. Những bài học kinh nghiệm cùng các đổi mới sáng tạo đã thực hiện từ Dự án GIC sẽ là những công cụ, giải pháp hữu ích thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam, trước mắt, những kinh nghiệm từ Dự án sẽ có đóng góp thiết thực cho việc triển khai thực hiện các Đề án quan trọng của ngành nông nghiệp, đặc biệt là Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng ĐBSCL đến năm 2030”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ cho biết: Dự án đã triển khai 10 giải pháp tiên tiến dành cho nông hộ, bao gồm 6 giải pháp cho chuỗi giá trị lúa gạo và 4 giải pháp cho ngành hàng xoài. Dự án mang lại nhiều kết quả tích cực và rất có ý nghĩa khi tăng thu nhập cho các hộ sản xuất nhỏ, nông dân có thêm nhiều việc làm và thu nhập, khả năng chống chịu của các chuỗi giá trị lúa gạo và xoài được nâng cao, các mô hình sản xuất kinh doanh có tính cạnh tranh cao hơn, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. |
Không chỉ dừng lại ở cấp nông hộ, Dự án cũng đã xác định các giải pháp đổi mới cho các hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm Quản lý kinh doanh cho hợp tác xã, canh tác theo hợp đồng, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh sản phẩm thương hiệu, quản lý thất thoát sau thu hoạch. Những đổi mới này giúp nâng cao năng suất, giảm tác động môi trường và tăng tính bền vững cho sản xuất nông nghiệp.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Theo ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, địa phương tham gia Dự án gồm “Huấn luyện nông dân, xây dựng mô hình và các hỗ trợ khác về sản xuất lúa”; “Lớp học kinh doạnh cho nông dân”, “Nâng cao năng lực kinh doanh cho các HTX lúa gạo” và “Nâng cao chuỗi giá trị xoài”. Các gói hỗ trợ này góp phần nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường...
Những kết quả đạt được của Dự án không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp Việt Nam mà còn đóng góp vào an ninh lương thực quốc gia và thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/can-tho-tong-ket-du-an-cac-trung-tam-doi-moi-sang-tao-xanh-25967.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.