Hội làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội: Nơi lưu giữ văn hóa làng xã

(SK&MT) - Lễ hội làng Định Công diễn ra vào dịp 12 tháng Hai âm lịch hàng năm để tưởng nhớ các vị Thành hoàng có công với dân với nước. Lễ hội là dịp để nhân dân Định Công khắp nơi tụ hội về làng, thắp hương kính ngưỡng các vị thần che chở cho dân làng được yên ấm, đồng thời cũng là dịp tụ hội, thắt chặt tình đoàn kết, lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy những truyền thống tốt đẹp của người dân nơi đây. Sự kết hợp giữa đình với chùa Liên Hoa phía sau tạo ra một quần thể di tích đẹp, với một không gian khá rộng, gần gũi mà cũng hết sức trang nghiêm.
Hội làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội: Nơi lưu giữ văn hóa làng xã
Lễ hội làng Định Công diễn ra vào dịp 12 tháng Hai âm lịch hàng năm để tưởng nhớ các vị Thành hoàng có công với dân với nước.

Lễ hội làng Định Công được tổ chức vào ngày 11, 12 tháng 2 âm lịch. Trong những ngày diễn ra lễ hội, đông đảo người dân sẽ rủ nhau nô nức về dự lễ cũng như tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí khác mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc. Lễ hội không chỉ là dịp để người dân sinh sống trong làng Định Công bày tỏ lòng biết ơn thành kính đến các vị tổ tiên, cha ông đã có công khai khẩn và dựng nên vùng đất trù phú này mà còn là dịp để mọi người quây quần lại sau một năm bôn ba, vất vả. Chính vì thế, lễ hội làng Định Công không chỉ là lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa của con người Tràng An xưa và giá trị đặc sắc của truyền thống nơi đây mà còn là dịp dạy dỗ con cháu phải luôn đoàn kết, gắn bó và thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Chính vì ý nghĩa nhân văn này nên dù ở xa đến đâu thì vào những ngày tổ chức lễ hội, những người con của làng Định Công vẫn sẽ luôn cố gắng tề tựu đông đủ bên gia đình, người thân, chòm xóm, láng giềng để chia nhau chén rượu, mâm cỗ đầy và gửi đến nhau những lời chúc phúc chân thành nhất.

Định Công là một trong những làng cổ của huyện Thanh Trì, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, là một trong những vùng đất cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội. Nơi đây cũng là một trong những địa danh cổ có nhiều làng nghề truyền thống phát triển như nghề kim hoàn, nghề đóng giày,…

Làng Định Công xưa nổi tiếng hiếu học, có nhiều người đỗ đạt cao như Bùi Xương Trạch (1438-1516), đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478) thời vua Lê Thánh Tông, được cử đi sứ Trung Quốc, sau được thăng làm Thượng thư, Chưởng lục bộ sư, Quốc tử giám Tế tửu, Tri kinh diên sự, Thái phó, tước Quảng Quốc công. Đến cuối thời Lê có Bùi Huy Bích (1744-1818) thi đậu Hoàng giáp khoa thi Kỷ sửu (1769), được thăng chức Hành Tham tụng, tước Kế Liệt hầu, sau thăng lên Đồng bình chương sự kiêm Quyền Tham tụng…

Hội làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội: Nơi lưu giữ văn hóa làng xã
Hát chèo trên thuyền tại ao đình làng Định Công Hạ.

Ngôi đình và ngôi đền làng Định Công hạ thời Lê thuộc xã Bình Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín; cuối thời Nguyễn thuộc thôn Hạ, xã Định Công, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông; hiện tọa lạc tại số 16 làng Định Công hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Đây là cụm di tích thờ thần Thành hoàng làng và thờ Mẫu có liên quan chặt chẽ với nhau. Ngôi đình thờ hai vị Thành hoàng là chàng Công Sơ thời Hùng Vương và Đoàn Thượng tướng quân thời Lý. Ngôi đền thờ bà Phương Nghi Hoàng Hậu, là mẹ của chàng Công Sơ.

Thần phả làng Định Công kể về chàng Công Sơ rằng: Vào thời vua Hùng Vương thứ 17 là Hùng Nghị Công vốn đức rộng, tài cao, chăm lo cho đời sống của nhân dân nên thiên hạ được thái bình. Một hôm, ông cùng quân lính đi săn bắn ở phủ Gia Lương thì gặp nàng Xuyến Nương vô cùng xinh đẹp, mắt phượng, mày ngài, vua bèn lấy làm vợ. Một lần, bà Xuyến Nương nằm mộng thấy một con rồng xanh, tâu lên vua, vua liền bảo: nhà ta giống rồng thì nàng sẽ sinh ra thần thánh. Nàng Xuyến Nương có mang, 14 tháng sau, vào ngày mùng 1 tháng Hai khi đang ngồi thuyền rồng du ngoạn ở vùng Thanh Đàm (tức đất huyện Thanh Trì) chợt dừng ở bến nước cạnh trang Đình Công, thấy hào quang toả sáng, Xuyến Nương sinh hạ được một người con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú. Gia nhân về tâu với vua, vua rất vui mừng, ra lệnh đổi tên đất Đình Công thành Định Công như ngày nay. Hoàng tử ra đời được 100 ngày thì đặt tên là chàng Công Sơ. Năm 9 tuổi, Công Sơ đi học, 13 tuổi nổi tiếng về tài văn võ. Đến năm Công Sơ 16 tuổi, trời đại hạn, nhân dân nhiều nơi đói khổ, trộm cướp nổi lên, vua sai Công Sơ đi tuần tra trấn giữ, lập đàn tràng làm lễ cầu mưa. Công Sơ đi đến đâu thì cuộc sống ở đó trở nên yên ổn, nhân dân ấm no, người người phấn khởi, tin yêu.

Chàng Công Sơ về sau đã nhiều lần tỏ rõ tài năng giúp dân giúp nước, được ban tặng nhiều chức tước. Sau khi mất, được vua phong cho làm Thượng đẳng phúc thần và lập đền thờ tự tại Hoàng cung. Riêng với trang Định Công, cho trùng tu cung miếu, xuân thu nhị kỳ hàng năm các quan đến làm lễ.

Hội làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội: Nơi lưu giữ văn hóa làng xã
Trò chơi bắt vịt tại lễ hội được mọi người hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình.

Cũng theo thần phả làng Định Công thì vào thời vua Lý Cao Tông, ở vùng Hồng Châu, trấn Hải Dương có ông tên là Đoàn Hiền, vợ là Trương Thị Thưởng vào ngày mùng 2 tháng Hai năm Bính thìn sinh được một người con trai đặt tên là Thượng. Đến 8 tuổi thì đi học và học rất giỏi, đi 7 bước có thể làm một bài thơ. Ngoài ra Đoàn Thượng còn có tài võ nghệ, kiêm thông lục thao tam lược. Năm 15 tuổi, cha mẹ đều qua đời, lúc đó nhà vua mở khoa thi chọn người hiền tài giúp nước, Đoàn Thượng thi và đỗ đầu, được vua ban chức Tham nghị. Bấy giờ ở châu Đại Man có giặc, vua phong cho Đoàn Thượng chức Thống chế nguyên soái đại tướng quân đi dẹp giặc, bắt chém được tướng giặc. Vua mở tiệc khao mừng, phong cho ông chức Binh bộ Thượng thư, Đốc bộ Hoan Châu. Được 3 năm, thiên hạ thái bình, sau đó ông lại làm Đốc bộ Sơn Nam. Lúc này ở trang Định Công có bệnh dịch, người vật chết nhiều, nhân dân lo sợ ra đền Đông Hỷ làm lễ, được mộng báo phải mời ông Đoàn Thượng về làng thì mới khỏi bệnh. Đoàn Thượng về làng ai ai cũng vui mừng đón rước, bệnh dịch theo đó cũng tiêu tan. Ông cho xây một am cung nơi chính quán để đi về nghỉ ngơi. Khi vua Huệ Tông lên ngôi phong cho ông là: Tiết chế thuỷ bộ Đại tướng quân, sau đó là Tổng quốc binh sự. Cuối thời Lý, nhà Trần mưu sự cướp ngôi, Đoàn Thượng không thuần phục, ông liền đem quân về đất Hồng Châu xây đắp thành luỹ chống lại nhà Trần, phù nhà Lý. Vào ngày 20 tháng Giêng, Đoàn Thượng về trang Định Công, truyền mở yến tiệc ăn mừng, ông nói: Việc đời ngày nay được, thua do trời định, nếu thành công thì đã vậy, nếu thua thì nhân dân theo hiệu lệnh cũ, khắc thêm 2 chữ Đồng Hỷ để phụng thờ.

Nhà Trần giành ngôi nhà Lý, biết Nguyễn Nộn thân với Đoàn Thượng nên sai lính dùng vàng mua chuộc Nguyễn Nộn giết Đoàn Thượng. Sang thời Lê sơ, khi Lê Lợi đánh giặc Minh đã đến trang Định Công làm lễ cầu đảo, thần Công Sơ và Đoàn Thượng đều hiển linh phù giúp. Lê Lợi lên ngôi phong cho các ngài là Thượng đẳng phúc thần. Các đời vua sau đó đều ban sắc phong thần.

Ghi nhớ công ơn của hai vị phúc thần, nhân dân Định Công vào ngày 12 tháng Hai hàng năm tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công lao của các ngài.

Một số hình ảnh tại lễ hội:

Hội làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội: Nơi lưu giữ văn hóa làng xã
Hội làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội: Nơi lưu giữ văn hóa làng xã
Hội làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội: Nơi lưu giữ văn hóa làng xã
Hội làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội: Nơi lưu giữ văn hóa làng xã
Hội làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội: Nơi lưu giữ văn hóa làng xã
Hội làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội: Nơi lưu giữ văn hóa làng xã

Cô trò Trường mầm non Định Công tham gia hội làng.

Diệp Phương

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/hoi-lang-dinh-cong-hoang-mai-ha-noi-noi-luu-giu-van-hoa-lang-xa-25985.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.