Tại buổi giám sát, ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng đoàn Chuyên trách, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, Trưởng đoàn giám sát cho biết: Đoàn giám sát đã làm việc với các đơn vị có liên quan về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực để đánh giá thực trạng thu gom, quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Thông qua buổi làm việc để tìm ra những tồn tại, vướng mắc và đề xuất giải pháp để xử lý để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường trong thời gian tới trên địa bàn thành phố.
![]() |
Ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi giám sát. |
Theo báo cáo của UBND các quận, huyện trên địa bàn Cần Thơ, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai, thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo thói quen của nhân dân trong giữ gìn, bảo vệ môi trường, phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt.
Theo đánh giá của các quận, huyện, đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả như: Mô hình "ngôi nhà xanh", "phụ nữ thu gom phế liệu"; lắp đặt các thùng chứa rác thải tái chế ở trường học, khu vui chơi công cộng, tạo thuận lợi cho người dân để rác đúng nơi quy định. Các hoạt động này đã góp phần hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong sinh hoạt và người dân đã thay đổi nhận thức trong xử lý rác thải và bảo vệ môi trường, chủ động phân loại rác thải.
Tuy nhiên, theo UBND các quận, huyện thì việc đầu tư hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt đặt ra cấp bách trong khi nguồn vốn còn hạn chế, các chính sách xã hội chưa hiệu quả. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý còn thấp chưa tưng xứng với tốc độ phát triển. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về lĩnh vực môi trường còn ít chưa đáp ứng đủ nhu cầu công việc, đa phần đều phải kiêm nhiệm nhiều công tác. Ngoài ra, các quận, huyện cũng kiến nghị sớm đầu tư, mở rộng phạm vi thu gom nước thải tập trung; sớm ban hành quy định chi tiết giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Cùng với đó, tổ chức triển khai tập huấn cho cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực môi trường tại địa phương về công tác quản lý chất thải, phân loại rác thải và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các hành vi đổ, thải, vứt, bỏ chất thải không đúng quy định; thúc đẩy vai trò giám sát của cộng đồng trong bảo vệ môi trường.
![]() |
Ðoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ giám sát thực hiện môi trường. |
Trong chương trình giám sát, Đoàn đã làm việc với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan. Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ báo cáo công tác quản lý môi trường sau khi Luật bảo vệ môi trường năm 2020 ban hành và có hiệu lực. Cùng với đó, công tác thanh kiểm tra, phòng chống tội phạm về môi trường đã được đẩy mạnh, kiểm soát tốt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; giám sát và xử lý kịp thời các vấn đề môi trường, nhất là các giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn; tích cực lồng ghép hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo Sở NN&MT thành phố Cần Thơ, sau khi luật có hiệu lực, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân được nâng cao, ngày càng đi vào khuôn khổ. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường có nhiều điểm mới, được đông đảo người dân tham gia.
![]() |
Giám sát bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ. |
Tuy nhiên, theo Sở NN&MT, sau 3 năm triển khai thi hành luật bảo vệ môi trường năm 2020 vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc triển khai các chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm ở các bãi rác chôn lấp vẫn chưa triển khai, xử lý triệt để (bãi rác tại huyện Cờ Đỏ, quận Ô Môn và Thốt Nốt). Cùng với đó, hạ tầng quan trắc, giám sát môi trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; chưa kịp thời giám sát việc xả nước thải vượt quy chuẩn ở một số cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trong thời gian tới Sở NN&MT Cần Thơ sẽ tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn liền với chuyển đổi số, cải cách hành chính; phòng ngừa hiệu quả ô nhiễm môi trường, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; xử lý các vấn đề liên quan đến phân loại rác tại nguồn, cải thiện phương tiện, thiết bị, hạ tầng thu gom, vận chuyển, tập kết rác, nâng cao năng lực xử lý rác với công nghệ hiện đại.
![]() |
Một điểm xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Cần Thơ. |
Sở NN&MT Cần Thơ cũng kiến nghị thành phố quan tâm ưu tiên, phân bổ ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Đồng thời đề xuất tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mang tính chất cấp vùng để bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, kiến nghị Bộ NN&MT chủ trì, tháo gỡ khó khăn giữa các địa phương trong triển khai phân loại rác tại nguồn.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/can-tho-y-thuc-trach-nhiem-cua-nguoi-dan-trong-bao-ve-moi-truong-duoc-nang-cao-26018.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.