![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm đến làm việc với Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng - Ảnh: VGP |
Mục tiêu cao nhất của Đại hội XIV là quyết định những vấn đề chiến lược để bảo đảm ổn định, phát triển và nâng cao đời sống nhân dân
Mở đầu, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Đảng đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Nền kinh tế không phát triển thì khó thực hiện các mục tiêu khác. Vì vậy, Báo cáo Kinh tế - xã hội là báo cáo chuyên đề rất quan trọng, quyết định việc hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng sẽ được Đại hội XIV thông qua.
Định hướng thảo luận tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng, gợi mở 4 vấn đề. Thứ nhất, về tổng thể chung, mục tiêu cao nhất của Đại hội XIV là quyết định những vấn đề chiến lược để bảo đảm ổn định, phát triển và nâng cao đời sống cho nhân dân. Đây là mục tiêu bao trùm, cần phải được quán triệt. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các nội dung văn kiện là hướng đến 3 mục tiêu này.
Cần nhận thức đầy đủ mối quan hệ biện chứng giữa ổn định để phát triển và phát triển để ổn định, bền vững lâu dài. Đồng thời mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.
Thứ hai, chúng ta thống nhất về nhận thức và phải quyết tâm phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, chứ không phải phát triển bình thường, không thể đủng đỉnh, để khắc phục nguy cơ tụt hậu, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Vì vậy, phải có tư duy mới, cách làm mới mang tính cải cách, đột phá, vượt lên chính mình thì mới đạt được một cách hiệu quả.
Vì vậy, Báo cáo Kinh tế - xã hội phải làm rõ các giải pháp, nhiệm vụ khả thi để nước ta trở thành nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.
Thứ ba, bản chất của việc xây dựng Báo cáo này là hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội cho tương lai, cụ thể là giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ chính sách là liên tục, không cắt khúc, có những việc phải làm ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho giai đoạn tới, tránh lãng phí.
Thứ tư, yêu cầu cao nhất của giai đoạn tới là phát triển chất lượng cao. "Vậy phát triển bền vững, chất lượng cao là như thế nào, nội hàm là những gì, vấn đề gì? Các mục tiêu, chỉ số cần đặt ra ở mức độ nào, phải rất cụ thể, Tổng Bí thư đặt vấn đề.
Phải chủ động và tự chủ trong phát triển. Khó khăn, thách thức mà chúng ta phải đối mặt thì rất nhiều như thị trường thế giới, xung đột, chiến tranh trên thế giới, thiên tai… Đòi hỏi chúng ta phải chủ động như thế nào trong các tình huống đó, từng kịch bản xử lý và xử lý một cách chủ động.
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh VGP |
Chúng ta phải biến thể chế từ điểm nghẽn trở thành lợi thế cạnh tranh
Kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, vấn đề kinh tế - xã hội là vấn đề rất rộng, rất khó, chuyên môn sâu, thay đổi rất nhanh, cần cập nhật, bổ sung thường xuyên.
Nếu Báo cáo Chính trị là ngọn đuốc soi đường thì Báo cáo Kinh tế - xã hội là cẩm nang hành động để chúng ta thực hiện được các mục tiêu đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư đề nghị tiếp tục nghiên cứu các vấn đề mới để thực hiện những chủ trương tiếp tục tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập số tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập số xã. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh về sự phân công, phân cấp, điều chỉnh về phân bổ, kết hợp các nguồn lực kinh tế cho phát triển. Đồng thời, cần phải đánh giá lại quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch và định hướng phát triển các tỉnh, thành phố.
Tổ chức bộ máy là một vấn đề lớn, tác động nhiều khía cạnh, cần đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng để có những điều chỉnh, cập nhật, bổ sung trong Báo cáo Kinh tế - xã hội cho phù hợp.
Về mô hình tăng trưởng, Tổng Bí thư đề nghị cập nhật tư duy mới đã được đề cập trong Báo cáo Chính trị. Theo đó, chúng ta chuyển từ "đổi mới mô hình tăng trưởng" sang khẳng định mạnh mẽ hơn là xác định mô hình tăng trưởng mới.
Phải hình thành các vùng, cực tăng trưởng cùng với mục tiêu cụ thể đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước.
Về thể chế, Tổng Bí thư chỉ rõ, đây là điểm nghẽn; đang từng bước tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc của thể chế để tạo nền tảng phát triển. Việc xây dựng, ban hành pháp luật phải theo tình hình thực tiễn, không để tình trạng chờ luật, chờ cơ chế dẫn đến chậm trễ, mất cơ hội.
Phải nghiên cứu để cải cách mạnh mẽ hơn nữa quy trình ra chính sách thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển, phải xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí thấp, phải thực hiện cuộc cách mạng trong lĩnh vực này. Phải đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong cải cách hành chính, khởi nghiệp sáng tạo và có môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.
Một cái khía cạnh khác về thể chế là phải hết sức quan tâm việc thực thi chính sách của đội ngũ cán bộ. Cần nghiên cứu các giải pháp thực thi chính sách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp là cơ hội để chúng ta sẵn sàng sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Chúng ta phải biến thể chế từ điểm nghẽn trở thành lợi thế cạnh tranh.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nếu Báo cáo Chính trị là ngọn đuốc soi đường thì Báo cáo Kinh tế - xã hội phải là cẩm nang hành động - Ảnh: VGP |
Phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiềm năng con người Việt Nam không thua kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, cần nghiên cứu để có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, đột phá hơn nữa.
Về huy động nguồn lực để phát triển, Tổng Bí thư đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu làm sâu sắc hơn các giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực; nghiên cứu kỹ chiến lược thu hút vốn FDI cũng như vốn đầu tư gián tiếp trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; huy động nguồn vốn trong dân tham gia kinh doanh, đưa dòng vốn luân chuyển trong nền kinh tế. Phát triển kinh tế địa phương tự chủ, phân cấp, phân quyền phải bảo đảm công bằng, nuôi dưỡng nguồn phát triển.
Tổng Bí thư lưu ý, tiếp tục rà soát các nội dung Báo cáo để bảo đảm cân đối giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân; phải nghiên cứu những chính sách tăng trưởng, để mức sống của người dân tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và người dân được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế mang lại; phải lượng hóa được các chủ trương cụ thể để người dân có thể nhìn thấy được, đánh giá được…
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ngon-duoc-soi-duong-va-cam-nang-hanh-dong-26022.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.