Doanh nghiệp hào hứng khi nhận tiền thưởng canh tác lúa giảm phát thải

(SK&MT) - Ngày 18/3, tại Cần Thơ, Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ NN&MT cùng với Tổ chức Phát triển Hà Lan đã trao thưởng cho các doanh nghiệp tham gia trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính. Cơ chế trao thưởng nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, đẩy mạnh việc ứng dụng trên quy mô lớn nhằm mang lại giá trị kinh tế cho nông dân và hợp tác xã, góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Dự án "Chuyển đổi Chuỗi giá trị Lúa gạo ứng phó với Biến đổi khí hậu và Phát triển Bền vững tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)” (TRVC) được triển khai từ năm 2023 – 2027 tại 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Dự án được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), quản lý và triển khai bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tại ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, khu vực có diện tích sản xuất lúa lớn nhất ĐBSCL.

Doanh nghiệp hào hứng khi nhận tiền thưởng canh tác lúa giảm phát thải

Trao giải thưởng cho doanh nghiệp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính.

Đánh giá kết quả vụ Hè Thu 2024 của đơn vị kiểm định độc lập tính toán và tổng hợp các kết quả từ từng ô ruộng đăng ký tham gia dự án của các công ty, cho thấy, thông qua việc triển khai quy trình sản xuất lúa bền vững, lúa được canh tác đạt mức phát thải thấp, lợi nhuận của người dân ở các địa phương tăng lên: Đồng Tháp 64%; An Giang 56%; Kiên Giang 54%; tổng lượng giảm phát thải đạt hơn 27.161 tấn CO2. Về hiệu quả xã hội, 100% các doanh nghiệp tham gia thực hành lồng ghép các chính sách và thực hiện các biện pháp đảm bảo công bằng xã hội trong chính doanh nghiệp và tại các chuỗi liên kết của dự án.

Tổ chức Phát triển Hà Lan cho biết, dự án đặt ra mục tiêu đạt mức lợi nhuận tối thiểu là 30% cho các nông hộ sản xuất nhỏ, nhưng trên thực tế, mức lợi nhuận của nông hộ vượt ngoài kết quả mong đợi. Trong vụ Hè Thu 2024, lợi nhuận trung bình của nông dân đạt hơn 59%. Nông dân tham gia dự án được chia sẻ tiền thưởng từ doanh nghiệp. Điển hình công ty TNHH Angimex - Kitoku đã chia sẻ 95% tiền thưởng cho tất cả các nông hộ tham gia trong chuỗi liên kết.

Doanh nghiệp hào hứng khi nhận tiền thưởng canh tác lúa giảm phát thải

Sản phẩm gạo làm ra đạt chất lượng.

Trong vụ Hè Thu 2024, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính ở Đồng Tháp là đơn vị đạt giải thưởng cao nhất với hơn 1.500 hecta diện tích đăng ký dự thi, đạt mức giảm phát thải khí nhà kính trung bình là 6,57 tấn CO2/ hecta, lợi nhuận trung bình của nông hộ đạt hơn 68%.

Bà Christie Getman, Giám đốc Quốc gia SNV Việt Nam cho biết, với vai trò là một tổ chức phát triền quốc tế, SNV cam kết hỗ trợ các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam về bền vững khí hậu, đặc biệt là trong ngành lúa gạo. Dự án mong muốn nỗ lực thúc đẩy mục tiêu "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", giúp nông dân áp dụng các phương pháp sản xuất giảm phát thải carbon và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Doanh nghiệp hào hứng khi nhận tiền thưởng canh tác lúa giảm phát thải

Sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ NN&MT cho biết, dự án đã mang lại kết quả cao về mặt kinh tế, và tác động tích cực tới môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, gạo sản xuất ra được đảm bảo, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Điều này chứng minh dự án đang đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy mô hình sản xuất lúa gạo giảm phát thải, nâng cao giá trị, phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Phó Cục trưởng Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt cũng chia sẻ, dự án còn hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính và tối ưu hóa tài nguyên nước trong sản xuất lúa, tăng cường năng lực cho nông dân và doanh nghiệp, giúp tiếp cận các mô hình canh tác bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường quốc tế. Cùng với đó, dự án còn góp phần vào đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng sông vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Doanh nghiệp hào hứng khi nhận tiền thưởng canh tác lúa giảm phát thải

Vùng ĐBSCL đóng góp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu.

Bà Madeleine Plocki, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã gửi lời chúc mừng đến các doanh nghiệp tham gia, những thành công đạt được trong vụ Hè Thu 2024 của dự án. Những giải thưởng được trao là sự ghi nhận xứng đáng cho cam kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp đối với dự án, đồng thời khẳng định những nỗ lực không ngừng của các công ty trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.

Doanh nghiệp hào hứng khi nhận tiền thưởng canh tác lúa giảm phát thải

Doanh nghiệp đang nỗ lực để chuyển đổi tư duy sản xuất, tiếp cận các thị trường khó tính.

Dự án đã đi tiên phong sử dụng cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả để khuyến khích và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo, nhằm đẩy mạnh việc mở rộng ứng dụng trên quy mô lớn các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các nông hộ nhỏ và toàn thể tác nhân trong chuỗi, nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Tổ chức Phát triển Hà Lan, vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025 (Vụ 2), diện tích đăng ký tại ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang tăng gấp 5 lần so với vụ 1, đạt hơn 33.300 hecta, đây là dấu hiệu tích cực, phản ánh tiềm năng mở rộng mô hình và tính hiệu quả của dự án.

Doanh nghiệp hào hứng khi nhận tiền thưởng canh tác lúa giảm phát thải

Đề án 1 triệu ha lúa triển khai ở vùng ĐBSCL

Tại lễ trao thưởng đã có 8 doanh nghiệp nhận giải thưởng với số tiền 200.000 đô la Australia (tương đương hơn 3,1 tỷ đồng). Trong đó, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính ở Đồng Tháp nhận số tiền cao nhất với hơn 73.000 đô la Australia (tương đương hơn 1,1 tỷ USD).

Dự án "Chuyển đổi Chuỗi giá trị Lúa gạo ứng phó với Biến đổi khí hậu và Phát triển Bền vững tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)” (TRVC) đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu của Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Minh Tuấn - Hải Yến

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/doanh-nghiep-hao-hung-khi-nhan-tien-thuong-canh-tac-lua-giam-phat-thai-26028.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.