![]() |
Tất cả các bệnh viện phải triển khai bệnh án điện tử trước tháng 10/2025 |
Nguyên nhân triển khai chậm bệnh án điện tử
PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam cho biết, hiện nay, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS) và 100% các bệnh viện đã kết nối với bảo hiểm xã hội để thực hiện giám định bảo hiểm y tế điện tử.
Đến nay, đã có 142 (trong tổng số khoảng 1500) bệnh viện công lập và tư nhân trên toàn quốc triển khai thành công bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Thanh toán viện phí điện tử cũng tiến bộ vượt bậc so với 5 năm trước đây khi Bộ Y tế có chỉ thị về triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, khoảng 71% các bệnh viện đã áp dụng thanh toán điện tử…
"Tuy nhiên, so với yêu cầu thì việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở các bệnh viện chưa đạt được yêu cầu theo lộ trình thực hiện quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử”, PGS Trần Quý Tường chỉ rõ.
Có nhiều nguyên nhân của việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử còn chậm trễ. Tuy nhiên, có 3 điểm nghẽn chính. Thứ nhất, nhiều Giám đốc và lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự chủ động triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, còn ỷ lại, trông chờ cơ quan quản lý cấp trên.
Thứ hai, chưa có chế tài cụ thể, đủ mạnh đối với các bệnh viện chậm trễ triển khai bệnh án điện tử theo quy định. Thứ ba, cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có mục chi cho công nghệ thông tin, trong giá thành dịch vụ y tế chưa có thành phần CNTT.
Hiện, các bệnh viện chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để ứng dụng CNTT, ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bệnh viện.
Mới đây, ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về "Đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo".
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, tận dụng dữ liệu đã được liên thông liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các bệnh viện về chi phí cho đầu tư hoặc thuê công nghệ thông tin để triển khai chuyển đổi số cho các bệnh viện trên toàn quốc.
Theo đó, để tăng tốc triển khai bệnh án điện tử, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc triển khai bệnh án điện tử và sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trước ngày 30/9/2025.
Bộ trưởng xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số của ngành Y tế, nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn thông tin trong y tế.
Theo kế hoạch, các cơ sở y tế sẽ tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, ít nhất 80% hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được xử lý trực tuyến, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt từ 40% trở lên, đến hết tháng 6/2025, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/tat-ca-cac-benh-vien-phai-trien-khai-benh-an-dien-tu-truoc-thang-102025-26042.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.