![]() |
Vùng ĐBSCL hoàn thiện hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất. |
Chủ động trong sản xuất nông nghiệp
Đợt xâm nhập mặn lịch sử 2015 – 2016 đã khiến hàng chục ngàn ha lúa Đông Xuân của Trà Vinh bị thiệt hại, ông Nguyễn Trường Chinh, Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết, để chủ động ứng phó với mặn xâm nhập địa phương đã có kế hoạch ứng phó cụ thể. Trong đó chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân. Cùng với đó, sử dụng tiết kiệm nước, chủ động tích trữ nguồn nước để cung cấp cho sản xuất lúa và nuôi thủy sản.
Còn tại Cà Mau, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết, hàng năm địa phương có lượng mưa 2.400mm, cao nhất ĐBSCL, nhưng vào mùa khô Cà Mau cũng là nơi chịu khô hạn gay gắt. Những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân vùng ven biển.
![]() |
Vùng ĐBSCL chủ động về đảm bảo nguồn nước. |
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Cà Mau đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng chống sạt lở. Bước đầu cho thấy với những công trình đã được đầu tư xây dựng có hiệu quả rõ rệt trong việc phòng chống sạt lở, gây bồi tạo bãi, bảo vệ sản xuất và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hàng trăm km bờ sông, bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở đe dọa đến sự an toàn của người dân cũng như sản xuất, nhưng do thiếu vốn lên chưa được bố trí đầu tư. Do vậy cần có những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, năm 2024 hồ chứa thủy điện ở thượng lưu đã tích được khoảng 88% tổng dung tích. Trong đó, các hồ trên sông Lan Thương (Trung Quốc) tích 94%, các hồ ở hạ lưu vực sông Mê Kông tích trữ ở mức khoảng 74%. Đầu mùa năm 2024-2025, dung tích duy trì ở mức 70-80%. Theo ông Khôi, mặn xâm nhập trong mùa khô năm nay sẽ cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô các năm 2023 - 2024, năm 2015- 2016 và năm 2019 – 2020.
![]() |
Phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL trước những tác động của thiên tai. |
Ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Hợp tác quốc tế, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, mùa khô 2024 – 2025 sẽ không gay gắt như các năm trước. Tuy nhiên, xâm nhập mặn vẫn sẽ ở mức cao cho đến tháng 4. Cao điểm mặn xâm nhập có khả năng xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, nhất là tại khu vực ven biển, mặn xâm nhập vào sâu ở các cửa sông có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Người dân chủ động tích nước để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt
Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân ở các vùng ven biển và trên các nhánh sông Tiền, sông Hậu vào sâu từ 40 – 60 km. Tuy nhiên, với sự chủ động của các địa phương vùng ĐBSCL đã hạn chế mức thấp nhất của xâm nhập mặn đến các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Cùng với đó, người dân đã chủ động tích nước trong các kênh, rạch, ao, vườn để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt. Đồng thời, các địa phương đã thông báo về những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng vào cuối vụ và chủ động trong kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
![]() |
Vùng ĐBSCL đã chủ động thích nghi với xâm nhập mặn. |
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, hạ tầng thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu và phòng chống thiên tai đối với vùng ĐBSCL, hiện đã từng bước được hoàn thiện, mặc dù trong những năm cực đoan về hạn hán, ngập lụt vẫn còn bộc lộ nhiều rủi ro, đòi hỏi phải hoàn thiện và tiếp cận ở mức độ quản lý rủi ro, đồng bộ cùng các giải pháp mềm khác.
Ông Trần Duy An, Phó Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, các công trình lớn được xây dựng như Cái Lớn - Cái Bé, Ninh Quới đã hỗ trợ kiểm soát vùng mặn xâm nhập. Cùng với đó, mục tiêu phòng chống thiên tai đến năm 2030 sẽ phòng chống hạn hán cho diện tích có nguy cơ ở vùng giữa, vùng ven biển khoảng 530.000 ha thuộc các tiểu vùng ngọt hóa; giảm thiểu tác động xâm nhập mặn cho 600.000 ha khu vực ven biển thuộc vùng dự án thủy lợi.
![]() |
Người dân chủ động tích nước để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt. |
Dự báo diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL phức tạp, khó lường hơn do biến đổi khí hậu và các tác động từ khai thác tài nguyên ở thượng nguồn sông Mê Kông. Tuy nhiên, với tính chủ động cao người dân các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chủ động các giải pháp tích nước, tưới tiết kiệm, phòng chống hạn mặn. Cùng với đó là ứng dụng giải pháp về khoa học, công nghệ trong việc sử dụng nước hợp lý, hiệu quả trong các vùng canh tác lúa và vườn cây ăn trái.
Từ những trận hạn, mặn lịch sử chính quyền địa phương và người dân vùng ĐBSCL đã chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn bằng việc tích trữ nguồn nước để phục vụ sản xuất, kinh doanh và bảo đảm nguồn nước sinh hoạt hoạt. Cùng với các giải pháp theo dõi độ mặn, trữ nước, vận hành các công trình thủy lợi nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng nước ngọt của nhân dân thì các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp gia cố bờ bao, nạo vét kênh mương, tích trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm nguồn nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
![]() |
Chủ động trong kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. |
Ông Đinh Thanh Mừng, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, Bộ NN&MT, vấn đề về đảm bảo an ninh nguồn nước là thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL. Vì vậy, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước là vấn đề cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Thống kê, toàn vùng ĐBSCL có 15 hệ thống thủy lợi phục vụ trên 2,5 triệu ha, chiếm 64% diện tích toàn khu vực. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL có những thách thức lớn về an ninh nước ngọt, xói lở bờ sông, bờ biển, kênh, rạch. Chính vì thế, các giải pháp đặt ra đối với ĐBSCL là bảo đảm cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, Bộ NN&MT, mùa khô ở ĐBSCL có 2 đợt triều cường lớn nên gây mặn xâm nhập cao. Vì vậy, các giải pháp vận hành, khai thác phải được đồng bộ để mang lại hiệu quả cao. Cùng với đó, người dân, chính quyền địa phương cần chủ động tích trữ, điều tiết nguồn nước và dịch chuyển thời vụ để hình thành thói quen chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, có những giải pháp để chuyển đổi cây trồng thích ứng với hạn, mặn, chủ động tích trữ, sử dụng nước hợp lý trong sản xuất và sinh hoạt.
![]() |
Chủ động trong sản xuất nông nghiệp. |
Các công trình thủy lợi phát huy tính hiệu quả
Với tính chủ động trong phòng, chống hạn mặn thời gian qua đã giúp cho các địa phương đảm bảo nguồn nước trong trong sản xuất và sinh hoạt. Cùng với đó, về chiến lược lâu dài, vùng ĐBSCL đang triển khai xây dựng hệ thống công trình thủy lợi để phân phối, điều tiết hiệu quả nguồn nước và điều chuyển nguồn nước từ những khu vực dồi dào sang những vùng thiếu hụt để cùng chung tay thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL.
![]() |
Đảm bảo nguồn nước để phục vụ sản xuất. |
Theo dự báo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, sau ngày 15/3 đến cuối tháng 3, dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL gia tăng mạnh, xâm nhập mặn ở các cửa sông giảm nhanh. Các khu vực cửa sông Cửu Long, phạm vi cách biển từ 30-40km trở vào, có khả năng xuất hiện nước ngọt thường xuyên, thuận lợi cho việc lấy nước.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, các địa phương cần tranh thủ thời gian này để vận hành các công trình thủy lợi thau rửa hệ thống và tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, xuống giống vụ lúa Hè Thu sớm 2025 tại những khu vực có hạ tầng công trình thủy lợi chủ động kiểm soát nguồn nước. Đối với các khu vực cách biển từ 25-30km vẫn còn ảnh hưởng của xâm nhập mặn, để phòng tránh rủi ro nên chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định, mưa xuất hiện diện rộng thì mới cho xuống giống vụ Hè Thu 2025.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/vung-dbscl-da-chu-dong-thich-nghi-voi-xam-nhap-man-26045.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.