Tỷ lệ thành công trong điều trị lao tại Việt Nam đạt trên 90%

(SK&MT) - Với thành công này, Việt Nam tự tin cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt lao vào năm 2035 như mục tiêu đề ra. Trên toàn cầu, tỉ lệ này mới đạt 88%.
Tỷ lệ thành công trong điều trị lao tại Việt Nam đạt trên 90%

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3/2025), Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày này với chủ đề "Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao".

TS Đinh Văn Lượng phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức ngày 24/3 - Ảnh: VGP
TS Đinh Văn Lượng phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức ngày 24/3 - Ảnh: VGP

Theo TS Đinh Văn Lượng, sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện số 25/CĐ–TTg ngày 25/3/2024, các hoạt động phòng chống lao trên cả nước đã được những kết quả bước đầu rất tích cực.

"Quyết tâm biến ước mơ thành cam kết, biến cam kết thành hành động cụ thể, chuyển hành động thành kết quả, có lợi cho người bệnh lao. Quyết tâm này thể hiện những nỗ lực toàn diện, hành động ở mức cao nhất vì mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035", TS Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, năm 2024 cũng là năm đánh dấu việc triển khai quyết liệt các hướng dẫn kỹ thuật mới của Bộ Y tế, đặc biệt là việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và mở rộng phạm vi trên toàn quốc đối với xét nghiệm Xpert - giải trình tự gene thế hệ mới để phát hiện sớm và chính xác bệnh lao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình Chống lao quốc gia nhận định, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, do tình hình dịch tễ bệnh lao ở nước ta còn rất nặng nề.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm. Năm 2023 Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu.

Để công tác phòng chống lao hiệu quả hơn nữa, tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, đồng thời để thực hiện cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt bệnh Lao vào năm 2035, Bộ Y tế đề nghị toàn ngành, các địa phương và đối tác tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, chủ động phát hiện và quản lý tốt bệnh nhân lao và lao kháng thuốc, đặc biệt chú trọng vào các nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính và trong các cơ sở khép kín.

Đồng thời, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động chính sách, huy động xã hội, nhằm xóa bỏ kỳ thị đối với người bệnh lao, khuyến khích người dân chủ động tìm kiếm và tuân thủ điều trị; đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững từ ngân sách, địa phương và bảo hiểm y tế; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư, kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường năng lực mạng lưới phòng chống lao.

Các đại biểu trong nước và quốc tế dự Lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP
Các đại biểu trong nước và quốc tế dự Lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới trong chẩn đoán và điều trị lao.

Đại diện Chương trình Chống lao quốc gia, TS Đinh Văn Lượng cũng đề xuất toàn bộ mạng lưới y tế, cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám, kiểm soát sức khỏe toàn dân với hệ thống quản lý sổ sức khỏe điện tử, gắn với nội dung phát hiện, khám và điều trị bệnh lao.

Các cơ sở đào tạo y khoa cần đưa nội dung về bệnh lao là bắt buộc, để các thầy thuốc có đầy đủ kiến thức, chứng chỉ về bệnh lao trong quá trình hành nghề...

PV

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ty-le-thanh-cong-trong-dieu-tri-lao-tai-viet-nam-dat-tren-90-26077.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.